.

Miền tây đang đứng dậy...

Thứ Bảy, 16/11/2013, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Miền tây huyện Lệ Thuỷ là vùng đất đầy tiềm năng. Trong những năm qua bằng sự lao động sáng tạo cùng cơ chế mới đang tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên vùng đất này. Tiềm năng đất, rừng đang biến thành tiền tươi... Nhưng cơn bão số 10 như một quả đấm thẳng của thiên nhiên làm cả nghìn ha cao su, rừng kinh tế được nuôi dưỡng bằng mồ hôi, tiền bạc của người nông dân phút chốc thành thứ rẻ hơn... củi. Khi bão vừa đi qua, quệt dòng nước mắt vì xót của, người dân miền tây bắt tay vào "làm lại cuộc đời", họ đang đứng dậy sau bão...

 

Vườn cao su của chị Ngọc đã được dựng lại sau bão.
Vườn cao su của chị Ngọc đã được dựng lại sau bão.

Một chiều đầu đông, nắng chói chang trải vàng núi đồi miền tây, chúng tôi đã về xã Trường Thuỷ, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 10 ở Lệ Thuỷ.

Anh Lương Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, toàn xã có đến 131 ha cao su, 760 ha rừng kinh tế, 10,7 ha tiêu bị bão tàn phá...tổng thiệt hại ước tính hơn 52 tỷ đồng. Đấy là con số được cộng lại của từng gia đình và cũng là những con số....của tương lai từng gia đình và con cháu họ mà thiên tai đã cướp đi trong mấy tiếng đồng hồ. Dấu tích sự tàn phá vẫn còn ngồn ngộn trên từng lô cao su, trên từng khoảnh rừng. Anh Bình cho biết, ngay sau bão tan, Đảng uỷ xã đã có cuộc họp đột xuất để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10. Xác định đây là một thiệt hại lớn chưa từng có trên vùng đất này, nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để hạn chế thiệt hại khi đối tượng chính là cây cao su, rừng kinh tế.

Vì vậy xã đã chỉ đạo tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10, trong đó Hội Nông dân làm nòng cốt với những công việc cụ thể như khai thông đường sá, dựng lại vườn cao su bị đổ ngã...Một thực tế là cao su bị ngã, đổ quá nhiều, người làm không có, vả lại việc dựng lại cây bị đổ tốn rất nhiều công sức, kể cả khi sử dụng máy húc, máy uỷ... Vì vậy một sáng kiến được người dân hưởng ứng là các hộ gia đình liên kết với nhau để cùng làm...

Tại vườn cao su của chị Bùi Thị Ngọc, 23 tuổi ở thôn Hồng Giang, chị cho biết,  nhà vợ chồng chị có hơn 400 gốc cao su đang khai thác bói, số cây gãy không nhiều khoảng 20 cây nhưng hầu hết số cây còn lại đều bị bão làm đổ nghiêng, có cây là sát mặt đất. Ngay sau bão vợ chồng chị đã huy động người dựng lại. Nhìn những cây cao su như chưa hết hoàn hồn sao bão, tôi hỏi thế khi nào có thể khai thác lại được?

Chị Ngọc nói: E phải mất 3 năm, rồi giải thích thêm: Phần lớn cây bị bật gốc, rễ hư hại một phần nên phải có một thời gian dài mới lại sức, nó như người bị bệnh vậy. Với nhà bà Nguyễn Thị Hiền trong thôn, có đến 6 ha cao su cũng trong tình trạng tương tự. Nhờ liên kết nhiều hộ gia đình cùng làm chung với nhau nên công việc nhanh chóng hoàn thành. Bây giờ chỉ chờ vào sự hồi sinh của cây cao su. Trước đây gia đình bà mỗi ngày thu từ mủ cao su hơn một triệu đồng, nay đã là chuyện ...cũ, phải 3-4 năm nữa may ra mới có thể trở lại như trước. Cũng may gia đình bà còn có một ít diện tích cao su đang khai thác ở cạnh nhà lại không hề hấn gì.

Gấp rút thu hoạch keo để trồng lại rừng.
Gấp rút thu hoạch keo để trồng lại rừng.

Tại thôn Lục Sơn, anh Trương Thế Chất đang chỉ đạo việc thu hoạch rừng keo. Anh cho biết, giá bán lúc này chỉ bằng khoảng 20-25% so với trước bão (trước bão giá mỗi ha khoảng 45-50 triệu, nay chỉ khoảng 10-15 triệu đồng), nhưng bị bão xô đổ, gãy nên phải cắn răng mà bán, diện tích rừng trồng của anh hơn 6 ha phải thu hoạch bất đắc dĩ.

Sau khi thu hoạch xong sẽ làm gì? Tôi hỏi anh, Chất trả lời: Tiếp tục trồng rừng! Không sợ bão? Anh trả lời sợ thì có sợ nhưng vẫn phải làm, đất rừng thì phải trồng rừng. Anh tâm sự: Bao năm qua, người nông dân chúng tôi ở đây với đất rừng, cùng với cơ chế thích hợp, sự động viên, chia sẻ của các tổ chức, đặc biệt là Hội Nông dân, chúng tôi đã bay cao. Nhưng bão đã hạ chúng tôi xuống trở lại mặt đất, bây giờ chúng tôi quyết tâm làm lại từ đầu...

Lời tâm sự có phần "bay bướm" của người nông dân trồng rừng gốc gác vùng giữa này làm tôi chợt nhớ lại một thời...Vâng, lúc còn bao cấp, hạt gạo chưa đủ no lòng từ người nông dân đến anh cán bộ đeo xắc cốt thì vùng giữa của Lệ Thủy - vựa lúa của tỉnh được coi là vượt trội so với vùng miền tây núi rừng. Nhưng trong hơn một thập kỷ qua, cái nhìn đó đã đổi thay, chính vùng rừng núi với sự phát triển nhiều loại hình kinh tế, nhất là trồng rừng đã đưa lại thu nhập cao hơn vùng chuyên canh cây lúa. Và có thể nói rằng, nơi đây đã "hút" những người nhiệt huyết, năng động lên khai phá đất đai trồng rừng kinh tế, tạo nên diện mạo mới cho miền tây...

Cây keo đã được trồng lại trên vùng rừng bị bão tàn phá.
Cây keo đã được trồng lại trên vùng rừng bị bão tàn phá.

Rời cánh rừng của anh Chất, tôi lại bắt gặp một đám cháy lớn. Nhìn lại thì ra người dân đang đốt xử lý thực bì để trồng rừng. Dừng tay gậy "chỉ đạo lửa", anh Thái Mạnh Tuấn cho biết anh đang đốt thực bì để tiếp tục trồng rừng. Đây là diện tích hơn 2ha rừng trồng đã bị bão xéo nát, anh phải bán vội với giá 30 triệu đồng. Sau khi bán xong anh lên kế hoạch trồng lại rừng. Mấy ngày qua anh đã trồng hơn một ha, diện tích còn lại đang xử lý để trồng tiếp. Nhìn những cây keo vừa bén đất chạy dài, lấp loáng trong nắng chiều tôi có cảm giác cuộc sống đang tiếp diễn thật thanh bình, như chưa hề có bão tố... Chỉ tay về bên kia anh Tuấn nói đó là vườn cao su của gia đình anh, nó vừa được dựng lại sau bão...

Những vườn cao su, những vạt rừng trồng đang hồi sinh nhờ ý chí của người dân, nhưng chưa hẳn hết những điều trăn trở. Bà Hiền nói gia đình đang còn nợ ngân hàng khá lớn tiền vay để phát triển cao su. Bão đã làm cho sự tính toán trong làm ăn bị sai lệch, bây giờ đang rất khó khăn, trong khi có bao nhiêu thứ cần chi ra để "nuôi" cây cao su bị "bệnh tật". Không chỉ bà Hiền, những hộ trồng cao su trên vùng đất miền tây này như anh Tuấn, chị Ngọc phần lớn đều có vay, không nhiều thì ít và họ cũng đang lúng túng trong việc phải trả lãi ngân hàng.

Xem ra, ý chí thôi chưa "đủ mạnh" để vượt qua cơn bĩ cực, người trồng cao su, trồng rừng đang rất cần những chính sách có tầm vĩ mô của nhà nước. Trước khi đến miền tây, tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ. Anh Năm đã tâm sự chân thành: Người dân Lệ Thuỷ nói chung, miền tây nói riêng rất năng động và tính tự lực rất cao, chỉ đòi hỏi những điều vượt quá khả năng đối với họ...Vâng, có những điều vượt quá khả năng mà người dân miền tây đang cần để vượt qua cơn bĩ cực, để vùng đất này tiếp tục phát huy những giá trị đích thực đã được anh Lương Văn Bình thay mặt nhiều hộ gia đình nông dân khái quát "Người dân đang cần khoanh nợ ngân hàng, hỗ trợ phân bón, tiếp tục các chính sách cho vay ưu đãi để tiếp tục vươn lên đầu tư cho cây cao su, cho trồng rừng..."

Đấy cũng là thông điệp từ miền tây, là những điều kiện tối thiểu để người dân nơi đây đứng dậy một cách vững vàng sau bão.

Văn Hoàng