.

Bãi ngang mùa gió chướng

Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Ngư Thuỷ Bắc, xã vùng biển bãi ngang của huyện Lệ Thuỷ một ngày biển động, mùa gió chướng. Nhìn những chiếc thuyền bơ nan bé nhỏ, mỏng manh nằm chỏng chơ trên bãi biển ào ạt gió, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn vất vả của đất và người nơi đây... Nói ra điều này, anh bạn đồng nghiệp cho rằng, đó là chuyện quá cũ, không có gì mới. Vâng, nhưng trong một buổi chiều trên vùng đất, biển nghèo này tôi đã nhìn thấy le lói những điều mới lạ...

 

Chuẩn bị cho ngày đi biển mới.
Chuẩn bị cho ngày đi biển mới.

Bãi ngang, dân nghèo...

Trên bãi biển Bắc Hoà (Ngư Thuỷ Bắc) trong một chiều gió đông bắc ào ạt, sóng táp bờ tung bọt đục ngầu, tôi có cảm giác hoang vắng, dù có cả chục chiếc bơ nan với dăm ngư dân đang loay hoay với đống ngư cụ chất đầy trên từng con thuyền. Trần Trung và Trần Văn Tài là hai anh em ruột, tuổi trên dưới 30 đang mải mê với việc gỡ lưới để chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày mai.

Trung tâm sự: Đi biển với thuyền bơ nan là công việc nhọc nhằn, vất vả mà thu nhập không đáng là bao vì chỉ đánh bắt luẩn quẩn gần bờ, cá nhỏ, giá trị thấp. Mùa hè thuyền chúng em đi đánh cá nục, cá trích, mực...mùa này đi làm cá hố, cá khoai...Phần lớn cá nhỏ chỉ bán giá thấp, hoặc bán làm thức ăn cho chăn nuôi...Thu nhập thấp sao không tìm việc gì khác để làm? Tôi hỏi hai em, Trung nói thì có việc gì đâu, đất vườn chẳng có. Nếu có đất, có vườn? Thì em sẽ bỏ nghề nhọc nhằn này, nếu không thì đến độ sau 40 tuổi cũng phải rời biển vì không còn sức, Trung nói.

Biển bãi ngang, tôm cá không dồi dào, không có điều kiện để đóng tàu lớn như những vùng biển khác, "hậu phương" lại là vùng đất cát bạc màu, cát trắng đến nhức mắt... Bao đời nay người dân 3 xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam vẫn phải lăn lóc với bãi ngang để kiếm con cá, con mực. Riêng Ngư Thuỷ Bắc, theo anh Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã, có khoảng 400 thuyền bơ nan công suất dưới 40 cv (chủ yếu là loại 12 cv) với 500 lao động biển. Hàng năm đánh bắt khoảng trên dưới 1.200 tấn thuỷ sản kể tất tật lớn bé.

Từ con số này, tôi chợt so sánh với xã biển Đức Trạch (Bố Trạch) về số lượng thì chỉ bằng 1/ 7, còn về chất lượng thì có lẽ chỉ bằng 1/15. Và, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn ở mức khá cao với hơn 15%... Anh Thoảng nói: Từ thực tế làm nghề biển ngày càng khó khăn, nguồn lợi từ biển bãi ngang ngày càng cạn kiệt, cần thay đổi cung cách làm ăn để dân có thể khá lên và cũng để tránh nguy cơ huỷ diệt môi trường biển, từ năm 2012, Đảng uỷ, HĐND xã đã ra nghị quyết về việc chuyển đổi nghề để tìm hướng đi bền vững hơn...

Chuẩn bị thức ăn cho cá lóc.
Chuẩn bị thức ăn cho cá lóc.

Chủ trương đó đã được người dân hưởng ứng tích cực, loang rộng trong cả 5 thôn của xã với hướng đi cụ thể như phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt phong trào nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều mô hình làm ăn mới đã hình thành sau hai năm xã Ngư Thuỷ Bắc thực hiện ý tưởng "bẻ ghi" nếp làm ăn cũ. 

Đã có những điểm sáng...

Chúng tôi về thôn Tân Hải, một trong những thôn có phong trào nuôi cá sôi động ở Ngư Thuỷ Bắc. Gia đình anh Ngô Công Quốc, 42 tuổi, có 6 hồ cá lóc, diện tích mỗi hồ khoảng 400 m2. Nhiều hồ cá lóc đã đến lúc thu hoạch, cá to hơn bắp tay người lớn, nằm san sát dưới đáy hồ trông thật thích.

Anh Quốc cho biết, hàng năm từ 6 hồ cá anh thu được 6-7 tấn cá lóc thương phẩm. Hỏi giá bán, anh nói giá bán tại ao nuôi lúc này là 47.000đồng/kg. Tôi nhẩm tính, hàng năm gia đình anh thu được hơn 300 triệu đồng. Đưa ra con số này anh Quốc bảo chỉ lãi độ 100 triệu thôi, còn lại là chi phí để nuôi cá, rồi cá giống... Cá lóc, loài cá mà các hồ nuôi thuỷ sản đều kinh sợ bởi sự tạp ăn của nó, nhất là không loại trừ đồng loại, nên thức ăn chính của nó là cá con. Cá con để nuôi cá ở đây chủ yếu là cá thải loại khi đánh bắt trên biển về, cá mua từ các vùng đánh bắt khác như ở Bảo Ninh, Đức Trạch...

Còn cá giống mua từ các tỉnh phía nam. Cá lóc nuôi quanh năm, mùa hè cá chóng lớn hơn nên khoảng 4-5 tháng là có thể xuất bán, mùa đông thời gian dài hơn độ một tháng. Hồ nuôi ở vùng cát có những tiện lợi, nước đủ quanh năm mà không bị ngập về mùa mưa, đào ao cũng không quá khó vì là đất cát. Những ao cá nhà anh Quốc cũng hết sức đơn giản...

Trong nhà anh Quốc có cả xe tải và một đống thùng nhựa. Thắc mắc về điều này, anh bảo tôi làm dịch vụ thu mua cá lóc cho toàn xã. Lại một điều ngạc nhiên nữa về Quốc. Và cũng từ anh chúng tôi có con số khá cụ thể về lượng cá lóc của xã Ngư Thuỷ Bắc. Anh Quốc cho biết, hàng năm anh thu mua khoảng 180 tấn cá, nhưng chủ yếu là hai thôn Tân Hải và Bắc Hoà. Cá được đóng thùng đưa đi tiêu thụ từ Huế ra đến Nghệ An. Vâng, con cá vùng biển đã đi xa hơn mọi người tưởng mà kỳ lạ là con cá nuôi nước ngọt, thật khó tin!

Đến thôn bên cạnh, thôn Bắc Hoà chúng tôi bắt gặp một mô hình nuôi cá lóc khác của gia đình ông Trần Kim Phi. Các hồ cá của ông được kiên cố hoá khá bài bản và sản lượng cá của ông Phi cũng khá lớn, xấp xỉ con số của nhà anh Quốc. Liền kề với các hồ cá ông Phi là hồ cá của bà con trong thôn tạo nên một khu vực nuôi khá rộng.

Hồ nôi cá lóc được kiên cố hoá ở thôn Bắc Hoà.
Hồ nôi cá lóc được kiên cố hoá ở thôn Bắc Hoà.

Theo anh Thoảng, hiện nay toàn xã có trên 550 hộ nuôi cá lóc, diện tích ao nuôi là 50 ha. Hàng năm sản lượng cá lóc xuất bán khoảng 350 tấn. Bên cạnh nuôi cá lóc, nghề chăn nuôi lợn gà, ngan, vịt cũng phát triển khá mạnh trong những năm qua. Cả xã có trên 100 hộ có đàn lợn trên 30 con/hộ...

Nhưng vẫn còn nhiều trăn trở...

Những con cá lóc to bự trong những hồ nuôi đơn giản làm chúng tôi nghĩ về một hướng đi khá triển vọng của người dân vùng biển bãi ngang nghèo khó này. Nhưng khi rời những "điểm sáng" về nuôi cá lóc, tình cờ gặp ông Võ Khôi cũng ở thôn Tân Hải, hỏi về nuôi cá lóc, ông nói có nuôi một hồ, nhưng tính ra thì lỗ! Tại hộ gia đình ông Phi, tiếc rằng không gặp được chủ nhân, nhưng người làm công ở đây nói nay giá cá làm thức ăn cho cá lóc cao lắm nên lời lãi chẳng được bao lăm!

Đem điều thắc mắc này trao đổi với lãnh đạo xã, tôi được biết còn khá nhiều vướng mắc đối với con cá lóc miền biển này. Một sự so sánh đơn giản, giá cá lóc ở thị trường hiện là 80-100 nghìn đồng/kg, thế nhưng người nuôi ở Ngư Thuỷ Bắc chỉ bán được 47.000 đồng/ kg, có lúc còn thấp hơn, như thế là quá thấp, khâu lưu thông đã "chén" hết lợi nhuận của người nuôi.

Vậy có cách gì để khắc phục tình trạng này? Nhiều hộ nuôi cá lóc cho rằng lượng cá lóc nuôi khá lớn nên bị ép giá. Nếu có nhà máy chế biến (sấy khô) như một số tỉnh khác ở phía nam thì sẽ cải thiện được tình hình. Và một vấn đề khác, con giống phải mua tận Đồng Nai nên giá cũng đội lên do khâu vận chuyển. Anh Quốc nói nếu có nguồn vốn vay khoảng 150 triệu đồng tôi sẽ đầu tư cơ sở sinh sản cá lóc giống phục vụ bà con... Và vốn vay không chỉ là đòi hỏi riêng của anh Quốc, những tiềm năng khác ở vùng biển này còn bỏ ngỏ hoặc chưa phát huy mạnh mẽ cũng từ việc thiếu nguồn vốn. Anh Thoảng nói rằng đến nay địa phương chưa tiếp cận được nguồn vốn từ kênh của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT...

Để người dân vùng biển tạo thế đi bền vững hơn trên chính quê hương mình, ngoài nội lực của người dân nghèo đang rất cần những ngoại lực khác.

Văn Hoàng