.

Những đàn bò ở bàu Dum...

Thứ Sáu, 08/11/2013, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Dạo tháng ba khi đi viết bài về vùng rừng thông giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị, xe chúng tôi đã phải chạy mỏi...bánh trên vùng đất này. Trong bát ngát bao la của đất, rừng chúng tôi đã nói về những lợi thế để phát triển chăn nuôi ở đây. Và một ngày cuối thu, giữa hai cơn bão chúng tôi lại về vùng đất phía nam tỉnh, tất nhiên không phải để nói lại về rừng thông mà là chuyện những đàn bò...

 

Đàn trâu nhà ông Triển ở Sen Bình.
Đàn trâu nhà ông Triển ở Sen Bình.

Vùng đất mà chúng tôi nói đến là xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Đây là vùng bán sơn địa, có rừng nhưng lại có cả biển, án ngữ phía nam huyện và cũng là phía nam tỉnh trước khi bước qua bên kia tỉnh bạn Quảng Trị. Sen Thuỷ có diện tích tự nhiên hơn 7.500 ha, trong khi đó số hộ của xã là 1.500 hộ, tính bình quân mỗi hộ có mặt bằng 5 ha... Nếu không kể hai xã miền núi là Kim Thuỷ và Ngân Thuỷ thì Sen Thuỷ là xã có diện tích lớn nhất trong toàn huyện.

Cũng như các địa phương khác ở Lệ Thuỷ, trong những năm qua, tiềm năng đất đai đã được người dân ở đây khai thác để trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ cho biết: Chăn nuôi đại gia súc đang phát triển rất mạnh, toàn xã có gần 2.000 trâu bò, trong đó trâu khoảng 350 con. Cả 12 thôn đều có nhiều hộ chăn nuôi trâu bò, nhưng nhiều nhất là các thôn Trung Tân, Hoà Bình, Sen Bình... Nhiều gia đình có tổng đàn khá lớn. Các anh có dịp về, sẽ có nhiều chuyện hay ở đấy...

Thôn Trung Tân là địa phương đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Đây là vùng đất đồi thoai thoải, thoáng rộng, có rừng tự nhiên là cây bản địa trên cát, có vùng đất trống nên rất thuận tiện cho việc chăn thả và thức ăn cho gia súc khá phong phú. Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển ra vùng đồi lập nghiệp cũng gần 13 năm nay. Lúc ban đầu mới chỉ có số vốn 1 triệu đồng của bên Đoàn thanh niên hỗ trợ, anh mua về một mẹ và bê nghé để chăn thả. Đến nay, hai vợ chồng có tổng đàn gia súc hơn 30 con. Đàn bò  được chăn thả rông tự nhiên. Sáng mở chuồng cho bò đi ăn và tối đi lùa hoặc đàn bò tự về chuồng. Hầu hết bò của anh Hiển là bò lai sind nên trông khá đẹp mắt, con lớn nhất đàn cũng trên 300 kg.

Nói về bò sinh sản, anh Hiển cho biết, bò vài năm tuổi có thể sinh sản, nếu mắn mỗi năm một lứa hoặc chậm thì ba năm hai lứa. Bê nghé sinh ra cần chăm sóc riêng khoảng 3 ngày là có thể theo mẹ được và sau một năm có thể xuất bán. Bê bán cho thương lái làm thực phẩm thường có giá từ 10-15 triệu đồng. Nếu là bê đẹp để lại chăn thêm năm nữa có thể bán được giá 40-45 triệu đồng cho những người làm nghề xe bò kéo hoặc mua về làm giống. Trái ngược với những thứ hàng nông sản khác, việc mua bán bò lại quá dễ dàng khi mà nhu cầu bò thịt đang tăng cao.

Mỗi năm, gia đình xuất bán chừng 10 con bò và số tiền thu về cũng được từ 170-200 triệu đồng. Với "cơ số" thu nhập như thế này, gia đình anh rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn vào nhiều công việc khác nhau, thay cho việc phải vay mượn như trước đây. Người dân trong thôn có chăn nuôi bò cũng vậy, nếu có việc gì đột xuất cần tiền thì gọi cho thương lái, mấy tiếng sau là có tiền từ bán bò...Gia đình anh Hiển chỉ là một trong nhiều gia đình đang phát huy lợi thế "trời cho" ở làng Trung Tân này. Và người dân ở đây nói vui, mỗi con bò là một "trụ ATM di động"...

Sen Thuỷ có rất nhiều bàu, trong đó có bàu Sen trên đường thiên lý Bắc- Nam nổi tiếng với cháo cá và các món nhậu bình dân. Còn bàu Dum lại thuộc thôn Sen Bình. Không rộng lớn như Bàu Sen nhưng bàu Dum cũng đủ đầy nước quanh năm, xung quanh bàu là những triền đồi được trồng bạch đàn, keo, tràm...Phong cảnh ở đây kể cũng hấp dẫn và thanh bình, thấp thoáng trong rừng cây lúp xúp là những đàn trâu, bò thong thả gặm cỏ.

Đàn bò ở Sen Thuỷ.
Đàn bò ở Sen Thuỷ.

Chúng tôi tìm đến một đàn trâu đang gặm cỏ ven hồ, đấy là đàn trâu ông Lê Văn Triển, người thôn Sen Bình. Ông Triển cho hay, ông đang chăn đàn trâu hơn 30 con. Số trâu này của gia đình ông và hai gia đình khác là Lê Văn Đề, Lê Văn Vững cùng thôn. Các gia đình luân phiên nhau giữ trâu, mỗi gia đình giữ một ngày. Công việc giữ trâu đàn nhưng cũng khá đơn giản, chủ yếu đi theo đàn, không cho nó đi bậy phá cây cối nhà người ta và trông chừng kẻ xấu. Trâu ăn no cỏ rồi xuống hồ tắm hay cụm lại nằm nghỉ ven bờ hồ. Người chăn trâu mang theo cơm trưa, nước uống, võng mắc gốc cây thảnh thơi nằm nghe đài, đọc báo.

Theo ông Triển, trâu có thời gian sinh sản giống như bò nhưng chậm hơn tý chút, ba năm hai lứa. Khi nghé ra đời thì có tốn công chăm sóc hơn bê. Vì phải cho nghé ở chuồng chăm khoảng tháng cho vững chân mới được cho theo mẹ, theo đàn chứ không theo đàn ngay như bê. Sau khoảng một năm rưỡi, nghé đã trưởng thành qua giai đoạn trâu tơ, lúc này đã bắt đầu có giá bán. Ông Triển chỉ một  trâu tơ đầy tuổi bán, ông bảo: Con này nhìn vậy chứ có người trả giá rồi, giá chót cũng phải hai chục triệu. Ông Triển còn cho biết: Nhà có sáu trâu mẹ sinh sản thì cứ khoảng hai tháng là có trâu tơ xuất chuồng.

Mỗi năm khoảng sáu lứa xuất chuồng và thu về cũng trên trăm triệu đồng...Hỏi về dịch bệnh của đàn trâu, ông Triển cho rằng cũng ít có bệnh tật gì, nhưng hàng năm là có bệnh lở mồm long móng. Người trong thôn chữa bệnh này theo cách dân gian, cứ nấu lá, quả khế chua, chanh tươi và muối hạt  rồi bôi vào chân trâu. Thuốc bôi hai cử, sáng trước lúc ra chuồng và tối khi lùa trâu về. Bôi miết vậy rồi nó cũng khỏi.

Theo tính toán của ông Đinh Đức Chương, trưởng thôn Sen Bình: Gia đình có trâu mẹ đẻ nghé, người nuôi chăm có thu nhập mỗi tháng hơn triệu đồng. Vì trâu nghé nuôi mười tám tháng tuổi có giá bán  khoảng hai mươi triệu đồng. Ông Chương cũng cho hay, thôn Sen Bình có 150 hộ và trong số đó có hơn 100 hộ có chăn nuôi trâu bò với tổng đàn khoảng 160 con. Nhiều hộ gia đình trong thôn có đàn trâu bò từ 5 con trở lên. Với những hộ này thu nhập mỗi năm khoảng 60-80 triệu đồng, ông Chương  nói.

Đấy là những chuyện thú vị về chăn nuôi trâu bò đàn ở xã phía nam tỉnh. Nhưng còn nhiều điều băn khoăn nơi miền quê xa này. Theo ông Chương, khó khăn hiện nay đối với chăn nuôi trâu bò là diện tích đồi đã trồng hết các loại cây lâm nghiệp nên nguồn cỏ cũng ít lại. Hơn nữa, việc chăn nuôi gia súc hầu hết do dân tự phát và quy mô nhỏ lẻ.

Nhìn toàn cục cả xã chỉ có vài hộ có tổng đàn trên dưới 30 con, rồi gần chục hộ có đàn 20 con, còn phần lớn hộ 1-3 con. Dáng dấp của cung cách làm ăn "tiểu nông", đông mà không mạnh là chủ đạo ở đây. Nhìn những đàn bò vẫn còn loang lỗ bò cóc xen lai sind, tôi hỏi ông Hiểu, tỷ lệ bò lai sind của địa phương là bao nhiêu? Ông cho biết chỉ khoảng chưa tới 25%. Đấy là con số còn quá khiêm tốn, khi chương trình lai tạo đàn bò đã có tuổi đời hàng chục năm.

Để phát triển chăn nuôi thành một ngành mạnh tương xứng với tiềm năng thế mạnh mà thiên nhiên đã ưu đãi, Sen Thuỷ còn phải có những bước đi dài, bài bản tới phía trước. Nhưng dẫu sao, những đàn trâu bò ở đây và những đồng tiền khá "bền vững" từ những "trụ ATM di động" sẽ là cú hích, là ngọn lửa mồi cho địa phương, cho người dân bước tiếp trên hành trình làm giàu...

Văn Hoàng