.

Bình yên trong những ngôi nhà tránh lũ

Thứ Bảy, 07/12/2013, 12:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Chòi tránh lũ là cách gọi trong văn bản nhưng với tôi đấy là ngôi nhà kiên cố thực sự của người dân. Cùng với sáu tỉnh miền Trung, tỉnh ta đã thí điểm xây dựng 100 nhà tránh lũ cho người nghèo ở hai xã thường xuyên ngập lụt. Sống trong những ngôi nhà vững chãi ấy, người nghèo trong tỉnh đỡ tổn thương, nhọc nhằn hơn trước bão lũ dồn dập trong tháng 10 qua.

 

Anh Trần Ngọc Khiêm chuyển lương thực, vật dụng   lên nhà chòi cất giữ...
Anh Trần Ngọc Khiêm chuyển lương thực, vật dụng lên nhà chòi cất giữ...

Niềm vui trong những nhà tránh lũ

Với người dân tỉnh ta, khái niệm “chòi” có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ giản đơn, vật liệu tranh-tre-nứa-lá, làm nhanh và chóng hỏng. Còn “chòi tránh lũ” được xây dựng bằng bê tông cốt thép, sàn (tầng 1 hoặc tầng 2) đổ bê tông. Xét về mức độ kiên cố và tính bền vững, chòi tránh lũ hơn hẳn ngôi nhà mà chính hộ nghèo được hỗ trợ đang ở.

Mặt khác, đặc trưng là tránh lũ nhưng nó cũng an toàn hơn trong bão. Trong tháng 10 qua, ở trong những nhà chòi ấy, 100 hộ nghèo tại hai xã Tân Ninh (Quảng Ninh) và Quảng Tiên (Quảng Trạch) đã yên tâm hơn khi bão số 10 đổ bộ vào tỉnh ta.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Đức Thụ đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Võ Thị Hoàn ở thôn Hoà Bình. Chị nói: “Gia đình tui định vay mượn làm lại nhà để có thêm chỗ cho các con sinh hoạt thì được Nhà nước hỗ trợ làm chòi tránh lũ nên mừng lắm. Trận lũ năm 2010 nhà ngập hơn hai mét, gia đình phải sơ tán. Nay có nhà chòi thì mức nước ấy không hề hấn chi. Mới đây trong tháng 10, nước lũ mới men vào móng của nhà chòi”.

Ngôi nhà cấp bốn của gia đình chị Hoàn làm từ năm 1989 đến nay vẫn lợp fibrô xi măng. Sau bão số 10, ngôi nhà càng ọp ẹp hơn. Các tấm lợp bị gió bão kéo dãn ra, cái thì rơi vỡ, cái thủng lỗ chỗ nên từ dưới nhà nhìn lên thấy các khoảng sáng. Chị nói, chắc phải chờ chồng làm thuê trong Tây Nguyên về tết mới có điệu kiện sửa lại ngôi nhà đàng hoàng hơn. Còn nhà chòi tránh lũ được gia đình chị xây dựng liên kề với ngôi nhà cũ, rộng 15m2. Tầng một nhà chòi được đổ sàn bê tông cốt thép, cầu thang cũng đúc bê tông. Tầng hai lợp fibrô xi măng.

Ngoại trừ lúc tránh lũ, còn bình thường tầng một nhà chòi là nơi sinh hoạt, học tập của hai cô con gái đang học THPT, tầng hai là “khoảng trời” riêng của cậu con trai đầu. Vợ chồng chị ở trong ngôi nhà cũ. Với một gia đình ở nông thôn như chị Hoàn, không gian sống như thế là khá lý tưởng. Nhà chòi tránh lũ chỉ là một công năng rất nhỏ, diễn ra trong một hoặc hai ngày, còn bình thường họ có nhà hai tầng để sinh hoạt đàng hoàng. Chị Hoàn cho biết, nhà chòi chị đầu tư 70 triệu đồng trong đó Nhà nước hỗ trợ và cho vay 20 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng.

Cách nhà chị Hoàn không xa là nhà của vợ chồng anh Trần Ngọc Khiêm và chị Nguyễn Thị Nhàn. Gia đình bốn người chỉ có một sào ruộng, người đàn ông trụ cột lại đau ốm liên miên nên gặp rất nhiều khó khăn. Nơi ở là nhà tạm, lại oằn xuống sau bão. Bên ngôi nhà tạm là nhà chòi tránh lũ, chỗ để bốn người trong gia đình họ trú bão an toàn. Anh Khiêm nói, lần đầu tiên được ở trong nhà đổ bê tông nên rất yên tâm. Gió bão quăng quật chỉ làm hai cái cửa sổ được đóng vội hư hỏng. Anh cho biết thêm, trận lụt năm 2010, nhà cũ của họ ngập hơn 1,5m, còn vừa rồi nước lũ chỉ mới tràn vào sân nhưng nếu có ngập sâu đến thế, họ cũng đã có tầng hai để tránh, không phải sơ tán.

Đến xã Quảng Tiên, chúng tôi được giới thiệu tới thăm gia đình anh Đoàn Xuân Quyền ở thôn Tiên Phong. Nhà anh ở cạnh Hói Cừa nên nước lụt ngập ba, bốn ngày nước mới rút hết. Sau khi được hỗ trợ 28 triệu đồng, vợ chồng anh vay mượn thêm 50 triệu đồng để làm ngôi nhà với 15m2 sàn đúc bê tông.

Anh nói: “Nhà chòi của tui từ khi hoàn thành đến nay đã được “tập dượt” qua bão số 10 và lũ lớn sông Gianh trong tháng trước. Bão làm tốc mái nhưng còn lũ thì rất an toàn, cả năm người trong gia đình không phải di dời như trước nữa”. Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên Trần Đức Luấn cho biết, trong số 50 chòi tránh lũ trong xã, có 13 nhà hai tầng (sàn bê tông), còn lại nhà xây có gác lửng (gỗ) cao 5,5m, tránh lũ rất yên tâm.

Nhân rộng mô hình để sống chung với lũ

Nguyên tắc của chương trình hỗ trợ xây nhà chòi tránh lũ là “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được chòi phòng tránh lũ có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt 1,5- 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2. Các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi; trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách 10 triệu với lãi suất 3%/năm, trong 10 năm (thời gian ân hạn trong 5 năm đầu); số vốn còn lại do người dân tự đóng góp.

Nhà chòi tránh lũ của gia đình chị Võ Thị Hoàn ở thôn Hoà Bình, xã Tân Ninh (Quảng Ninh).
Nhà chòi tránh lũ của gia đình chị Võ Thị Hoàn ở thôn Hoà Bình, xã Tân Ninh (Quảng Ninh).

Từ tháng 10 năm 2012, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình 167 để tiếp tục thực hiện chương trình 716. Hai xã được chọn thí điểm tổ chức bình xét đối tượng, hướng dẫn các hộ dân ký cam kết thực hiện, huy động sự giúp đỡ về kinh phí và ngày công của các đoàn thể xã hội, cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Đức Thụ cho biết, đối tượng hỗ trợ xây chòi tránh lũ là hộ nghèo bị ngập lụt sâu nhưng phải có điều kiện để làm, còn hộ chưa có điều kiện để xây chòi thì chưa xét. Trong quá trình triển khai, cấp uỷ, chính quyền xã Tân Ninh xác định đây là nhà ở thực sự của người dân chứ không chỉ là chòi nên huy động sự tham gia giúp đỡ của các đoàn thể, cộng đồng để hoàn thành công trình có chất lượng. Trên cơ sở mẫu thiết kế chòi tránh lũ của Sở Xây dựng, các hộ vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của gia đình. Có hộ xây liền kề với nhà cũ hoặc cải tạo nhà cũ bằng cách đổ sàn, xây thêm một ô tầng hai, lợp mái để có nơi tránh lũ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang, chỉ sau hơn nửa năm thực hiện, 100% số  nhà chòi trong tỉnh được xây dựng kiến cố, không chỉ bảo đảm an toàn tránh lũ ở mức ngập lụt  từ 1,5m - 3,6m, nhiều công trình có tính kiên cố cao nên có thể chịu được bão lớn. Minh chứng rõ nhất là qua đợt bão, lũ liên tục trong tháng 10, nhà chòi không chỉ tránh được lũ mà còn là nơi trú bão an toàn cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Quốc Anh cho rằng, việc nhận được nguồn vốn “mồi” của Nhà nước, cùng với nội lực và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, người nghèo trong tỉnh đã làm được nhà cao tầng kiên cố để ở. Toàn bộ số nhà đều có kết cấu móng xây bằng đá, trụ và dầm bằng bê tông cốt thép, tường gạch, mái lợp ngói hoặc fibrô xi măng, nền láng xi măng. Có hộ đầu tư lát gạch men làm cho nhà chòi thêm khang trang. Giá trị đầu tư cho nhà chòi tránh lũ bình quân 30-50 triệu đồng. Tổng số nguồn vốn cho chương trình thí điểm xây chòi tránh lũ ở tỉnh ta là 5,3 tỷ đồng.

Tuy mới thí điểm nhưng chương trình đã nhận được được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân, qua đó giúp người nghèo có điều kiện vươn lên. Dù còn một số hạn chế nhỏ nhưng có thể nói, xây dựng nhà tránh lũ là một trong những chủ trương đúng và thiết thực đối với người dân vùng thường xuyên bị bão lũ như tỉnh ta. Nhà tránh lũ là một sáng kiến hay, một mô hình cần được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh.

Được biết, từ thành công của việc thực hiện thí điểm hỗ trợ xây nhà chòi tránh lũ ở tỉnh ta và các tỉnh trong khu vực, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà chòi tránh lũ tại 14 tỉnh miền Trung để bảo đảm đời sống cho đối tượng này trước diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Hy vọng sẽ có thêm nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo ở vùng ngập lụt trong tỉnh được hỗ trợ để xây nhà tránh lũ nhằm giảm thiệt hại và đỡ tổn thương hơn trước tác động của thiên tai đang diễn ra ngày càng khốc liệt hiện nay.

Ngày 14-6-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (gọi tắt là chương trình 716).

Tỉnh ta là một trong bảy tỉnh được lựa chọn triển khai thí điểm chương trình này. 100 hộ nghèo tại hai xã Tân Ninh và Quảng Tiên được chọn thực hiện việc thí điểm này. Tổng số nguồn vốn đầu tư 5,3 tỷ đồng, trong đó T.Ư hỗ trợ và cho vay ưu đãi 2 tỷ đồng, tỉnh 800 triệu đồng và đóng góp của hộ gia đình 2.490 triệu đồng.

Bắc An