.

Chuyện cứu hộ động vật hoang dã

Thứ Bảy, 23/11/2013, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (gọi tắt là trung tâm) nằm nép mình bên dãy núi đá sừng sững cách động Phong Nha (huyện Bố Trạch) vài trăm mét. Đây là nơi những năm qua thực hiện hàng trăm cuộc cứu hộ cứu sống rất nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm.

 

Các bác sĩ tại trung tâm tiến hành phẫu thuật tháo khớp cho một chú khỉ bị thương vì dính bẫy.
Các bác sĩ tại trung tâm tiến hành phẫu thuật tháo khớp cho một chú khỉ bị thương vì dính bẫy.

Cứu động vật như... cứu hỏa

Anh Lê Thúc Định, Phó giám đốc Trung tâm là người gắn bó với công việc cứu hộ ĐVHD nhiều năm nay. Khi gợi đến chuyện cứu hộ là anh như được cởi mở tấm lòng. “Chỉ có thể khái quát một câu ngắn gọn thôi. Việc cứu hỏa cấp bách như thế nào thì việc cứu hộ động vật ở đây cũng khẩn cấp như vậy. Có khi chậm chút thôi là thiên nhiên mất luôn một loài động vật quý hiếm”, anh Định vừa nói vừa lần giở từng trang nhật ký cứu hộ ĐVHD trong đầu mình.

Chuyến cứu hộ khiến anh nhớ nhất là khi cán bộ trung tâm vượt hơn 500km vào tận huyện miền núi Bắc Trà My, thuộc tỉnh Quảng Nam cứu một chú trăn đất. Đây là loài trăn nằm trong sách đỏ cần bảo vệ. Đó là thời điểm một năm trước, tình cờ được một đơn vị hoạt động thanh niên vừa ghé qua trung tâm văn hóa huyện Bắc Trà My báo tin khẩn: Tại trung tâm văn hóa huyện có một con trăn đất thuộc nhóm 1B đang được nuôi nhốt. 

Ngay trong đêm, một tổ công tác của trung tâm lên xe vào ngay Quảng Nam. Đường từ TP. Tam Kỳ lên Bắc Trà My quanh co giữa núi rừng hơn một trăm cây số. Cả tổ quyết tâm có mặt kịp thời vào đầu buổi sáng. Gặp người của trung tâm, phía nhà văn hóa mới cho biết con trăn này do dân bắt được. Sau đó phòng văn hóa đem về nuôi để phục vụ tham quan.

“Chú trăn khoảng hơn 30kg, nằm cuộn tròn trong chuồng chật hẹp và đã bị mù một mắt. Với điều kiện nuôi nhốt như thế thì con trăn sẽ có nguy cơ bị tử vong rất cao nếu không cứu hộ kịp thời”, anh Định kể.

Nhanh chóng và kịp thời luôn là nguyên tắc hàng đầu trong công tác cứu hộ, chỉ cần muộn vài phút cũng có thể đe dọa đến sinh mạng của con vật. Anh Định nhớ lại, mới năm trước, trung tâm nhận được tin báo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Đơn vị này vừa bắt được một con beo lửa. Mặc dù lúc đó trời đã nhá nhem tối nhưng anh em vẫn không quản đường xa, đến tận nơi để tiếp nhận con vật. Chú beo lửa bị thương khá nặng, buộc phải phẫu thuật tháo khớp chân để ngăn bị hoại tử lan rộng. Mọi người quyết định ở lại trung tâm để bắt tay ngay vào việc phẫu thuật dù đã hết giờ làm. Công việc tiếp nhận, cứu hộ động vật đã vất vả thì việc thả động vật về rừng cũng không kém phần gian nan. Sau mấy tháng chăm sóc, chú beo lửa đã khỏe mạnh. Các cán bộ của trung tâm bắt đầu nghĩ đến việc đưa chú về môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, đặc tính sinh sống của loài beo lửa này thường là ở vùng rừng già. Không thể thả ngay bìa rừng bởi có nguy cơ beo không kịp thích nghi. Ngay ngày hôm sau, một nhóm cán bộ của trung tâm xắn quần áo, đóng lương khô vào gùi, thay nhau khiêng chiếc lồng có chú Beo lửa nhằm thẳng hướng rừng sâu mà tiến. Hơn nửa ngày cuốc bộ trèo đèo lội suối, cả nhóm mới đến được nơi thả chú beo. Đêm đó cũng phải đến gần nửa đêm cả nhóm mới về lại tới trung tâm.

“Ai cũng mệt lả. Nhưng vui. Vì ít ra cũng đem lại cơ hội sống cho thêm một cá thể động vật quý hiếm”, anh Định chia sẻ.

“Bảo mẫu” của muông thú

Đội cứu hộ động vật gồm 8 người, trong đó có 4 chị, tuổi đời của chị lớn nhất cũng mới ngoài 30. Các chị chăm sóc tỉ mỉ từng miếng ăn giấc ngủ của những loài thú và được ví như những “bảo mẫu” của muông thú ở trung tâm này. 7 giờ sáng là lúc bắt đầu công việc cho mỗi ngày.

Cán bộ trung tâm đọc quyết định thả động vật hoang dã về rừng sau khi cứu hộ.
Cán bộ trung tâm đọc quyết định thả động vật hoang dã về rừng sau khi cứu hộ.

Công việc của các chị là thường xuyên túc trực và kiểm tra tình hình sức khỏe của động vật, hôm nay ăn được nhiều hay ít, con nào ăn thừa, con nào ăn thiếu để chăm sóc. Các chị thay nhau làm vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho các động vật. Thường thì công việc kết thúc vào lúc 5 giờ chiều, nhưng có nhiều hôm phải thức trắng đêm để túc trực chăm sóc động vật bị ốm.

Chiếc chuồng sắt có mắt lưới chi chít ở cửa, bên trong được bố trí những thân cây bắt ngang dọc là nơi ở của hai mẹ con khỉ mốc. Hai mẹ con chú khỉ này về trung tâm đã mấy tháng nay. Chú khỉ con bé tí thấy người lạ cứ ôm chặt cổ khỉ mẹ. Thấy chị Lê-một trong những “bảo mẫu” mở cửa, chú khỉ con bất ngờ nhảy qua vai chị như người thân quen. Đây cũng là con vật khiến các chị em ở trung tâm “mất ăn mất ngủ” nhiều nhất.

Chị Lê kể, chú khỉ mốc mẹ bị thợ săn bắt khi đang mang thai. Hôm đó là một chiều mưa. Cả nhóm đang chuẩn bị tan tầm thì nghe âm thanh khác thường từ khu chăm sóc. Mở cửa chạy vào, các chị cuống quýt khi thấy chú khỉ mẹ bấu vào gốc cây kêu gào. Biết khỉ mẹ sắp sinh, mấy chị em không ai bảo ai chia nhau nhanh chóng chuẩn bị cho ca “đỡ đẻ” hiếm gặp này. Khi khỉ mẹ sinh cũng gần 9 giờ đêm. Khỉ mẹ đang bị thương. Khỉ con sinh ra ốm yếu. Mấy chị quyết định ở lại chăm sóc suốt đêm cho hai mẹ con chú khỉ vì nếu không chăm sóc kỹ, cả hai mẹ con có thể sẽ chết.

Những ngày sau đó, khỉ mẹ xuống sức vì bị thương. Khỉ con khát sữa. Bí bách, một chị trong nhóm “bảo mẫu” cũng đang nuôi con nhỏ phải nặn sữa của chính mình cho khỉ con uống. “Ban đầu cũng hơi ngại ngùng. Nhưng thấy chú khỉ khát sữa như con mình nên làm liều vậy”, chị Lê chia sẻ.

Ngồi nhâm nhi ly trà, chúng tôi được nghe những lời bộc bạch chân tình của các chị về cuộc sống gia đình, về niềm hạnh phúc riêng của mỗi người. Miệng lúc nào cũng tươi cười, chị Vương, một “bảo mẫu” khác thổ lộ, chị đã có một đứa con 6 tuổi. Nhà chị ở tận Đồng Hới.

Buổi trưa chị phải ở lại làm, chiều mới về. Nhiều lúc gặp trường hợp cấp bách còn làm luôn cả đêm. Con phải nhờ bà ngoại chăm sóc. Nhưng phần vì trách nhiệm với công việc, phần vì tình thương dành cho những con vật mà chị luôn gắng chăm sóc chúng hết lòng. “Các loài vật đôi khi cũng cần tình cảm như con người vậy. Nhất là loài khỉ. Chúng rất thông minh, khi mình vuốt ve, ấu yếm, chúng cũng cảm nhận được”, chị Vương chia sẻ.

Khó khăn thiếu thốn đủ bề

Khu cứu hộ ĐVHD chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2-2006. Từ năm 2002 đến 2013, trung tâm đã tiếp nhận cứu hộ gần 800 cá thể ĐVHD thuộc 46 loài. Trong đó, có 20 loài trong sách đỏ Việt Nam, 25 loài trong danh mục Nghị định 32/NĐ-CP như voọc, chim công, cầy vằn bắc, gấu ngựa, rồng đất, rùa hộp trán vàng...

Chị Trần Thị Thùy Vương đang kiểm tra sức khỏe định kỳ cho chú rùa sa nhân đang được cứu hộ tại trung tâm.
Chị Trần Thị Thùy Vương đang kiểm tra sức khỏe định kỳ cho chú rùa sa nhân đang được cứu hộ tại trung tâm.

Nguồn nhập chủ yếu là từ cơ quan kiểm lâm trên địa bàn tỉnh và người dân tự nguyện giao nộp. Trong quá trình cứu hộ, Trung tâm đã thả về môi trường tự nhiên Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gần 500 cá thể. Chuyển giao các trung tâm cứu hộ, các cơ quan chức năng 110 cá thể. Tỷ lệ cứu hộ thành công trên 80%.

Hiện tại công tác cứu hộ ĐVHD tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn gặp rất nhiều khó khăn, như không đủ năng lực tiếp nhận cứu hộ với số lượng lớn do hạn chế về số lượng chuồng trại, trang thiết bị.

Hiện Trung tâm mới chỉ có 2 chuồng thú lớn, 14 ô chuồng đa năng có khả năng tiếp nhận các loài thú nhỏ, linh trưởng, 1 khu cứu trợ rùa, 1 phòng thú y. Trung tâm chưa đủ năng lực để tiến hành các đại phẫu cho động vật... Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay theo anh Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng cứu hộ, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật vẫn là thiếu kinh phí.

Trước đây khu cứu hộ ĐVHD được Dự án Vườn thú Cologne hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật, nhưng đến đầu năm nay nguồn đầu tư đó đã chấm dứt, tất cả kinh phí để hoạt động được trích ra từ nguồn ngân sách của trung tâm. Trong khi đó, chi phí cho công tác cứu hộ là rất lớn vì số lượng ĐVHD phải cứu hộ rất nhiều và chi phí để đi thả động vật cũng tốn kém không ít, nhiều lúc còn phải đi đến những tỉnh xa để thả về nơi sinh sống trước đây. Trong khi đó, trung tâm phải phụ trách toàn bộ việc cứu hộ động vật ở toàn miền Trung và chi phí để làm việc đó thì không hề nhỏ.

Có những thời điểm, mấy anh em trung tâm phải san sẻ bớt kinh phí phục vụ các hoạt động khác của đội cứu hộ dồn lại để mua thức ăn cho những con thú bị thương. Rồi còn phải lo thuốc thang cho những loài bị thương nặng. Nhưng ai cũng thấy thoải mái trong lòng. “Thà mình chịu khổ vì thiếu thốn một chút cũng được, chứ không thể để con thú bị đói”, anh Ngọc Anh chia sẻ.

Lan Chi