.

Bình yên bản Cốc

Thứ Sáu, 15/11/2013, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tất thảy 18 bản của xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch: Aki, Troi, Tuộc, 61, Cờ Đỏ, Chăm Phu, 51, Bụt, Nôồng Mới, Nôồng Cũ, Cà Roòng I, Cà Roòng II, Nịu, Cu Tồn, Cồn Roàng, Khe Rục, Ban thì bản Cốc đứng vào hàng những bản xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất. Đã có lúc đồng bào dân tộc Ma Cong định bỏ bản mà đi vì đau ốm, bệnh tật triền miên... và do cả lời đồn thổi ác ý  "con ma rừng" không cho dân bản yên.

 

Thầy giáo Lê Văn Sơn và học trò bản Cốc.
Thầy giáo Lê Văn Sơn và học trò bản Cốc.

Đêm Thượng Trạch xuống nhanh. Ban chiều mãi theo chuyện phát quà, áo quần, sách vở cho các em học sinh ở hai trường tiểu học trong xã nên chúng tôi chẳng có thời gian để tìm hiểu gì nhiều về đời sống của đồng bào Ma Cong nơi vùng đất vùng biên viễn vốn còn rất hoang sơ này.

Đêm ở Đồn biên phòng Cồn Roàng, may mắn gặp anh Nguyễn Việt Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, vậy là tranh thủ "bắt cóc" ngay. Phó Chủ tịch xã cho biết: "Toàn xã có 476 hộ, 1.300 khẩu, đồng bào sinh sống rải rác trên diện tích tự nhiên đến 70 nghìn ki- lô- mét vuông. Lao động sản xuất chủ yếu theo lối chặt- đốt- cốt- trỉa với khoảng 500 ha lúa rẫy. 100% dân số thuộc hộ nghèo. Giáo dục, đào tạo cực kỳ gian nan khi bậc mầm non có đến 3 điểm trường, tiểu học 18 điểm trường và 1 trường dân tộc nội trú đóng tại trung tâm xã".

Nhắc đến bản Cốc, Nguyễn Việt Hoàng thừa nhận: "Dịp đầu năm 2013 ni, bà con trong đó đau ốm liên miên nên phát sinh ra lời đồn thổi con ma rừng đe dọa không cho dân yên, bà con định bỏ bản mà đi. Được sự giúp đỡ, tuyên truyền, động viên của bộ đội biên phòng và chính quyền các cấp, đồng bào hiểu ra... thôi không còn ý định tìm đất lập bản mới nữa. Mai các anh tranh thủ vào đó, sẽ rõ hơn".

Tang tảng sáng... chúng tôi vượt con suối Cấm trước Đồn biên phòng Cồn Roàng rồi bám theo đường tuần tra biên giới để vào với bản Cốc. Người dẫn đường cho chúng tôi là thiếu tá Nguyễn Thái Dương, chính trị viên Đồn Cồn Roàng, "cố nhân" từ hồi anh đang còn công tác tại Đồn Cà Xèng ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa).

Thiếu tá Dương tranh thủ phác qua cho chúng tôi vài nét cơ bản về bản Cốc: "Bản chỉ được 24 hộ dân, 107 khẩu. Nói thật tình, nếu bộ đội biên phòng không nắm chắc "cái thắt lưng quần" của bà con, không "bốn cùng" với dân bản thì họ đi thật vì tập tục du canh du cư vẫn chưa biến mất trong nếp nghĩ của họ. Hiện tại trong bản Cốc có một tổ biên phòng cắm chốt, mọi tình hình diễn ra ở bản đều được báo kịp thời cho ban chỉ huy đồn".

Bản Cốc nằm bên con suối nhỏ, nước chảy hiền hòa, thiếu tá Dương nhắc: "Coi rứa chứ vào dịp mưa lũ, nước cực hỗn, chia cắt bản với trung tâm xã. Nếu ở đây mà xây được một cây cầu thì hạnh phúc cho dân bản, chẳng ai còn có ý định bỏ bản mà đi". Bản lúc sáng sớm rất yên bình, khách lạ đến đầu bản, mấy đứa trẻ tóc cháy nắng, chỉ độc cái quần đùi, mắt trong veo ngó theo từng bước chân của khách.

Vài cánh cửa loạch xoạch, dăm ba mái đầu người lớn nhô ra kèm theo tiếng chào bộ đội biên phòng thân mật. Đầu bản, chúng tôi gặp ba thế hệ người Ma Cong ngồi nơi bậu cửa, một bà mế già, người con dâu và đứa trẻ đang ngậm chặt bầu vú mẹ. Hỏi: "Mế tên gì?" Lắc đầu. "Mế năm nay bao nhiêu tuổi?". Trả lời: "Ơ... không biết mô, người đồng bằng thì cần tuổi, chứ người vùng cao như mế thì nhớ mần chi". Hỏi: "Nhà mế còn cái ăn không?". Trả lời: "Ơ... không còn mô, đói lắm. Lúa rẫy năm ni bị bão cuốn mất hết rồi. Đang chờ nhà nước giúp đây!". Thiếu tá Cao Viết Tuệ, cán bộ tổ biên phòng bản Cốc nói: "Mế tên Y Hữu". Bà mế già nghe xong cười rổn rảng: "Cái cán bộ Tuệ ni thiệt, rứa mà cũng tin, nói đùa thôi!".

Trưởng bản Đinh Lún nhớ như in năm sinh của mình, vì theo ông năm đó chiến thắng Điện Biên Phủ và chắc chắn là năm 1954 rồi, không lẫn vào đâu được! Đinh Lún bấm đốt ngón tay tính toán, bảo: "Đồng bào ổn định tại bản Cốc ni từ năm 1978, vị chi  đã 35 năm. Từng ấy thời gian với bao nhiêu thăng trầm. Được các chương trình, dự án của nhà nước đầu tư làm nhà văn hóa, xây trường cho trẻ con học, xây nhà cho dân ở... dân bản ưng cái bụng. Mấy năm trước bộ đội biên phòng vận động bà con rào lại bản không cho con trâu, con bò, con thú hoang vào phá phách. Bản làng sạch sẽ lắm! Cỡ tháng ba, tháng tư đầu năm ni rộ lên dịch sốt, tiêu chảy, thương hàn... kéo dài ngày ni qua ngày khác.

Trẻ con, người già trong bản sốt li bì. Thương dân bản, quân y đồn biên phòng Cồn Roàng, trạm y tế xã lên khám, cho thuốc điều trị, bệnh tật nhờ đó mà giảm hẳn". Trưởng bản Đinh Lún kể tiếp, tiếng ông trầm trầm, chân chất: "Trong bản có lời đồn ác, trái với cái bụng của bà con, họ nói vì con ma rừng muốn đuổi bà con đi nên gây ra dịch bệnh, trẻ con, người già phải đau...

Một lần bà con không tin, hai lần bà con dao động, lần thứ ba có người chuẫn bị rời bản. Miềng nói với dân bản: đừng có nghe kẻ xấu xúi dại... bà con đau ốm có bộ đội, có chính quyền cho thuốc điều trị, bệnh tật đã bị xua khỏi bản rồi. Còn vì sao mà có nhiều người đau ốm dài ngày, bà con có biết không? Vì bà con không chịu ăn chín uống sôi, nằm ngủ không chịu mắc màn, không chịu vệ sinh nhà cửa cho sạnh sẽ. Bộ đội mới cho thuốc điều trị bệnh dứt xong trẻ con kéo xuống suối tắm, người lớn rủ nhau lên nương rẫy, vào rừng... bệnh tật không trở lại mới là chuyện lạ.

Miềng lại nói mạnh: Nhà nước đầu tư cho bản Cốc hàng trăm triệu đồng để làm nhà cửa khang trang. Bà con đi nơi khác liệu rằng có nhà như thế này mà ở không. Cái chòi canh trên rẫy lúa, rẫy sắn bà con làm cũng đã mất cả năm trời mới xong...

Một góc bản Cốc.
Một góc bản Cốc.

Và thế là bà con nghe lời trưởng bản... không có ai  bỏ bản mà đi. Cái con ma rừng từ đó cũng chẳng thấy quay lại"- Đinh Lún rít một hơi thuốc lá sảng khoái quay sang thiếu tá Dương đề nghị: "Bộ đội ra nói với ban chỉ huy đồn và UBND xã tăng cường cho bản Cốc ít thuốc dự phòng, chứ gần hết rồi. Cái chi thì chi chứ đồng bào trở bệnh là phải có thuốc điều trị liền".

Nói đến chuyện trồng trọt của bản, Đinh Lún tha thiết: "Năm ni cả bản đều bị mất trắng mùa lúa rẫy do cơn bão số 10, bản chỉ còn sắn để ăn thôi. Để nghị cấp trên hỗ trợ cho giống ngô để bà con trồng, lấy ngắn nuôi dài, tết ni có cái cho chắc bụng. Cứ một hộ gia đình chừng 10kg giống".

Đối diện với nhà trưởng bản Đinh Lún là điểm trường thuộc Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch. Điểm trường này do hai thầy giáo Lê Văn Sơn và Lê Văn Hợp cắm bản dạy chữ. Hôm chúng tôi thăm bản, chỉ có thầy Sơn đang ở lại trường. Toàn bản chỉ có 15 học sinh, trong đó lớp một gồm 7 cháu; lớp hai 3 cháu; lớp năm 5 cháu. Thầy Sơn tâm sự: "Học sinh của bản rất ngoan, thường đến lớp rất chuyên cần trừ thời gian trùng với mùa tuốt lúa rẫy từ tháng 10 đến giữa tháng 11. Các em ham vui theo bố mẹ đi rẫy... có khi quên luôn chuyện đến trường".

Đưa chúng tôi đi thăm bản, Đinh Lún kể về những dự tính của mình: "Cái hàng rào quanh bản bị hư hỏng nặng quá rồi cần phải sửa chữa lại. Bộ đội biên phòng giúp cho dân với nghe. Hàng rào làm xong, không còn con thú mô bén mảng vô bản, miềng sẽ vận động bà con chăn nuôi gà, lợn, rào vườn trồng rau màu. Đi mô cho xa, đất của bản vốn rất tốt, bà con siêng năng lên một chút, không trồng chờ ỷ lại nhà nước thì chắc chắn bớt đói nghèo". Bình yên thực sự trở lại nơi bản Cốc... là những đứa trẻ nô đùa trong nắng sớm, là tiếng ê a đọc bài vang giữa đại ngàn tĩnh lặng... là bước chân chắc nịch của ông trưởng bản đồng hành cùng bộ đội biên phòng...

Phía đầu bản, nơi con suối vắt ngang qua, Đinh Lún chép miệng: "Năm trước có cán bộ dưới xuôi lên hứa cho bản một cây cầu... dân bản mừng nhưng chờ mãi chẳng thấy cầu đâu". Nghe Đinh  Lún nói, chợt giật mình khi tâm nguyện của đồng bào bản Cốc vẫn đau đáu hàng ngày, để bản Cốc thôi không còn chông chênh, cách trở trên con đường định canh, định cư, ổn định cuộc sống.

Ngô Thanh Long