.

Đi nhặt hạt dẻ rừng...

Thứ Bảy, 21/09/2013, 09:49 [GMT+7]
Mộ cụ Nguyễn Hàm Ninh, danh nhân văn hoá thế kỷ 19 giữa rừng dẻ.
Mộ cụ Nguyễn Hàm Ninh, danh nhân văn hoá thế kỷ 19 giữa rừng dẻ.

(QBĐT) - Có lẽ trong muôn vàn cây lá của núi rừng, cây dẻ gần gũi với con người và để lại những ấn tượng khó quên hơn cả. Thứ cây trong năm hai lần làm con người phải bận tâm đến nó, mùa nở hoa và mùa rụng hạt... Những ai ở vùng quê có rừng dẻ sẽ không khỏi bâng khuâng khi thấy màu hoa tinh khiết ấy và hẳn không thể quên hương vị hạt dẻ rừng dù có đi đến chân trời góc bể nào. Chiến khu Trung Thuần (Quảng Trạch) là một vùng quê như thế!

Quê tôi là vùng chiêm trũng nên lớn lên chẳng biết nhiều đến cây rừng. Nhưng khi còn bé, là đứa trẻ ham đọc sách, tôi đã từng biết đến hoa dẻ qua mô tả của nhà văn trong tác phẩm lãng mạn một thời mê đắm bao thế hệ thanh niên -  "Mùa hoa dẻ".  Qua câu chuyện tình đẹp của đôi nam nữ trong tác phẩm, tôi hình dung ra vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa rừng này. Còn hạt dẻ, mãi đến những năm tháng chiến tranh, khi trường cấp 3B Lệ Thuỷ sơ tán ra xã Ngư Hoá, huyện Tuyên Hoá, tôi mới được biết đến. Những hạt dẻ rừng đã làm ấm lòng những đứa học trò xa nhà chúng tôi...

Một ngày cuối đông mấy năm trước, trong chuyến công tác ra Quảng Trạch, ngước mắt nhìn lên phía rừng, Chiến khu Trung Thuần trắng một màu tinh khôi, anh bạn cùng đi nói, đã đến mùa hoa dẻ. Trong tôi bỗng bồn chồn, những năm tháng tuổi thơ, năm tháng chiến tranh như thức dậy, ước muốn được trở lại vùng đất chiến khu xưa để đi nhặt hạt dẻ rừng...Nhưng công việc, cuộc sống cứ cuốn hút tôi qua đi bao mùa dẻ rụng.

Một ngày giữa thu, con tôi đặt vào tay mấy hạt dẻ rừng, tôi nhớ ra, đã đến mùa dẻ rụng...Và, cùng vài đồng nghiệp chúng tôi nhằm hướng Chiến khu Trung Thuần...

Anh Hồ Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu tiếp chúng tôi, và khi biết chúng tôi muốn đi nhặt...của rơi, anh nói: "Các anh đi hơi sớm, mùa dẻ năm nay có muộn hơn nên đến lúc này dẻ mới chín bói, rụng còn ít...". Và anh hiểu chúng tôi đang sốt ruột vào rừng nên chỉ thông báo vắn tắt: Quảng Lưu hiện có hơn 2,1 nghìn ha rừng đều là rừng dẻ, có những diện tích 100% dẻ rừng, đang được bảo vệ nghiêm ngặt...

Hạt dẻ khi còn ở trên cành.
Hạt dẻ khi còn ở trên cành.

Một buổi chiều không thuận lợi cho việc đi rừng, trời nắng mưa thất thường, Ông Phan Đình Hộ,  một cán bộ xã làm "hướng dẫn viên" cho chúng tôi cùng tiến vào rừng. Vừa đi ông vừa kể chuyện, đứa con gái ông đang dạy học ở miền Nam vừa điện thoại về nhà hỏi năm nay rừng dẻ có sai quả không. Nhà ông ở thôn Vân Tiền, sát với rừng dẻ, ông nói lúc còn bé nó là đứa nhặt dẻ rừng giỏi nhất xóm...

Và chuyện nhặt dẻ rừng của người dân cuốn hút chúng tôi bên rừng dẻ của làng Vân Tiền. Mặc dù chưa đến "chính vụ" nhưng lác đác đã có những hạt dẻ đầu mùa rụng xuống. Vít một nhành dẻ dày đặc quả, ông Hộ giải thích, nó ra hoa từ mùa đông nhưng đến mùa thu hạt nó mới cứng vỏ, chắc thịt. Và khi gặp những trận mưa đầu mùa, lớp vỏ ngoài cùng mới nứt ra và thứ hạt màu đen thẩm sẽ rụng xuống. Người đi nhặt hạt dẻ là tìm nhặt những hạt rụng xuống đó.

Tôi hỏi sao người ta không lấy từ trên cây mà phải đi nhặt? Ông Hộ chậm rãi và triết lý, thứ cây nào cũng có cơ chế tự bảo vệ để tồn tại của nó, chú cứ nhìn cái vỏ của nó, gai vừa nhọn vừa cứng vừa mọc tứ tung, cứ đụng đến là gai cắm vào tay, nhức lắm nên không dễ lấy cả mớ được. Hơn nữa, hạt dẻ rụng xuống mới ngon...

Sau khi hạt dẻ rụng xuống lớp vỏ có gai "nán lại" trên cành một thời gian rồi cũng sẽ rụng theo, đây là dấu hiệu giúp nhận biết cây nào nhiều hạt. Người đi nhặt hạt dẻ cứ tìm đến những cây dẻ có nhiều vỏ cứng đang treo trên cây để nhặt hạt. Có nhiều cách để nhặt được nhiều hạt dẻ, mà thông thường là người ta rung thân cây dẻ hoặc dùng dụng cụ thúc mạnh vào thân cây  để hạt rụng thêm xuống. Đấy là công việc thủ công, ai nhanh tay, chăm chỉ thì sẽ được nhiều hạt. Bình quân những ngày cao điểm người nhặt được nhiều nhất là bao nhiêu?

Ông Hộ cho biết khoảng 40-50 lon mỗi ngày. Ông còn giải thích về mùa vụ của dẻ rừng, rằng cây dẻ cũng khó tính lắm không phải năm nào cũng sai quả, nó đan "lòng mốt", nghĩa là năm sai, năm ít, cây có quả, cây không chứ không phải cây nào cũng có. Còn năm nay rất sai quả. Quả thực bởi mới vào bìa rừng chúng tôi đã thấy cây dẻ nào cũng đặc quả, gai nhọn tua tủa xen giữa cành lá xum xuê...

Nhặt hạt dẻ rừng.
Nhặt hạt dẻ rừng.

Cây dẻ cũng biết chiều lòng người. Mùa dẻ rụng từ tháng cuối tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Đây là khoảng thời gian người dân Quảng Lưu, Quảng Châu, Quảng Thạch...,nói chung là các xã có chung Chiến khu Trung Thuần đã hết việc đồng áng, mùa vụ năm sau chưa tới thế là cùng rảnh rang vào rừng. Ông Hộ nói có ngày cả năm, sáu trăm người, cứ gọi là như đi hội. Nhưng rừng bao la, nói nhộn nhịp là ở cửa rừng. Ở đó diễn ra cảnh mua bán ngay "tại trận". Thương lái từ các nơi về mua sĩ hạt dẻ để đi bán ở các chợ, nên có người đi nhặt hạt dẻ tay không và về cũng tay không...Nhưng không phải ai cũng vậy, có người dồn lại dăm bảy ngày, nửa tháng bán một lần cho nguyên đồng tiền...

Trong làng Vân Tiền, những nhà nào hàng năm nhặt được nhiều hạt dẻ? Ông Hộ nói có nhà chị Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Bình...Về giá cả, ông cho biết hiện nay khoảng 5-6 nghìn đồng một lon, tức là khoảng 15-17 nghìn đồng/kg. Nhớ lại con số thống kê của anh Long lúc ngồi nói chuyện ở trụ sở UBND xã, khoảng 150 tấn hạt dẻ người dân Quảng Lưu nhặt được mỗi năm, tính ra có gần 2,5 tỷ đồng từ "của rừng" mỗi mùa dẻ. Có lẽ đấy là con số không quá lớn nhưng dẫu sao là thứ... của rơi, thứ nằm ngoài toan tính của địa phương, cũng đáng trân trọng và có ý nghĩa lớn trong cuộc sống của người dân ở ven rừng.

Mải chuyện dẻ, chuyện bán mua của rừng, chúng tôi đã đến bên mộ cụ Nguyễn Hàm Ninh, danh nhân văn hoá thế kỷ 19, trên đồi cao giữa những tán dẻ sum suê nhìn ra hồ Vân Tiền thoáng rộng. Cụ Nguyễn Hàm Ninh đỗ giải Nguyên năm 23 tuổi, là thầy dạy học vua Thiệu Trị. Sinh ra trên vùng đất này hẳn cụ hiểu không ai lại nhẫn tâm với cây dẻ, thứ cây mang đến cho con người cả hoa lẫn hạt thì đồi dẻ này sẽ mãi xanh tươi và không cô tịch. Nên trước lúc ra đi cụ để lại di chúc cho con cháu đặt cụ yên nghỉ nơi này...

Trong rừng dẻ ngát xanh hôm nay không thể quên thuở... hàn vi của rừng. Anh Long đã nhắc lại những năm tháng chiến tranh, rồi thời kỳ hậu chiến, cuộc sống khó khăn, những nghề mưu sinh như đốt than, lấy củi... đã làm rừng kiệt quệ. Từ năm 1990 xã đã có những biện pháp quyết liệt để hồi phục rừng nói chung và rừng dẻ nói riêng. Đấy là một hành trình vất vả, cam go... nhưng được lòng dân.

Có lẽ rừng dẻ không chỉ thuần tuý là rừng mà còn có điều gì đó thiêng liêng đối với gần 7 nghìn người dân Quảng Lưu và cả người dân trong vùng Chiến khu Trung Thuần. Bởi vậy khi tôi có ý so sánh hiệu quả giữa rừng dẻ với rừng kinh tế và có thể thu hẹp diện tích rừng dẻ để trồng rừng kinh tế, anh Long nói ngay, không thể được!

Chúng tôi tạm biệt Chiến khu Trung Thuần khi cơn mưa đang nặng hạt dần. Trong tiếng mưa rơi như nghe được tiếng tách vỏ cứng của những hạt dẻ trước lúc rơi xuống mặt đất...

Văn Phúc