.

Suối Cấm và tình người Ma Coong

Thứ Ba, 31/12/2013, 11:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Đinh Sầm, già làng bản Bụt xoa xoa vầng trán già nua, đậm dấu ấn tuổi tác nhìn ra dòng suối trước mặt hồi lâu. Bất chợt già buông một tràng cười tưởng như rung rinh cả đại ngàn, bảo với khách lạ: “Suối Cấm của người Ma Coong ư! Có đấy... không ai biết từ bao giờ, nó chảy song hành với người Ma Coong dung dị, thật thà, chất phác, hồn nhiên nơi bạt ngàn Trường Sơn. Muốn hiểu về nó thì nên lắng nghe người già Ma Coong kể chuyện... lắng nghe Trường Sơn thầm thì!”.

Lời nguyền cho con suối

Già Đinh Sầm cầm lấy một thanh củi nhỏ vạch xuống nền nhà: “Này nhé! 18 bản của người Ma Coong anh em đều được con suối ghé thăm hết thảy. Nó chảy lúc thì bình thản, lúc thì gào thét, qua bao thác ghềnh mới về tới bản Cà Roòng II, xuống bản Địu, ghé bản Ban và hướng về xuôi”.

Theo lời già Đinh Sầm minh họa cho bức tranh định hình trên nền đất, suối Cấm được hội tụ từ ba dòng nhỏ. Nhánh thứ nhất xuất phát từ chân núi A Ky, sang bản Cờ Đỏ, tới Chăm Pu, đến bản 51 và vòng qua bản Bụt. Nhánh thứ hai bắt nguồn trên đất bạn Lào, qua bản Km61, hướng tới bản Troi, về bản Cà Roòng I, Cà Roòng II. Nhánh còn lại từ bản Cồn Roàng, qua bản Cốc, sang bản  Cu Tồn rồi đến bản Cà Roòng II. Như vậy, cho dù “rong chơi” khá thơi thảnh giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng ba dòng nhỏ hợp nhau tại bản Cà Roòng II, thành một dòng suối lớn ngọt ngào cho bao thế hệ người Ma Coong đắm mình, trưởng thành.

Có một lời nguyền dành cho suối Cấm, không phải trên tất cả ba nhánh nhỏ hợp thành, cũng không phải toàn bộ dòng suối lớn. Suối Cấm chỉ là một đoạn suối chừng 500 mét nằm giữa hai bản Rào Bụt và bản Nồng Mới. Chừng nửa ki-lô-mét như người miền xuôi đo đếm mà có đến 7 vực (đồng bào gọi là Clong) lớn nhỏ nằm đan xen giữa các ngọn thác: Clong A Xốc, Clong Gièng, Clong Piệc Cu Peng, Clong Nồng, Clong Tuộc, Clong Cốc, Clong Piệc Cà Trời. Trên dọc đoạn suối Cấm này, dù không có ranh giới phân định rạch ròi nhưng trong tâm thức của đồng bào đã định hình nên một ranh giới và không có ai dám vi phạm- như một lời nguyền- cấm được đánh bắt cá.

Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Hợp cho biết: “Trước đây thời gian cấm đánh bắt cá trên suối Cấm ngầm quy định trong vòng chín tháng của một năm, bắt đầu từ ngày 20 tháng tư âm lịch đến ngày 16 tháng giêng năm sau. Còn hiện tại bà con mình tiếp nhận nhiều dòng văn hóa, văn minh từ dưới xuôi lên, đời sống ngày càng khó khăn, tài nguyên cạn kiệt dần nên quy định cấm đánh bắt cá cũng “mềm” đi một chút. Cho phép đồng bào đánh bắt kéo dài thêm một tháng, từ tháng 5 âm lịch khi nhà nhà đã trỉa lúa xong, công việc nương rẫy hoàn thành cho đến trước ngày diễn ra lễ hội Đập trống”.

Cái tình người Ma Coong

Sống dựa vào tự nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên, đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch hình thành nên cho mình một bản lĩnh và phong cách sống dung dị nhưng cũng không kém phần sâu sắc thông qua các tập tục, tín ngưỡng. Lễ hội Đập trống là một Lễ hội truyền thống có từ xa xưa truyền lại và duy trì cho đến ngày hôm nay. Lễ hội đậm chất bản địa, minh chứng cho mối quan hệ hài hòa giữa người với người, giữa con người với tự nhiên.

Một đoạn con suối Cấm ở xã Thượng Trạch.
Một đoạn con suối Cấm ở xã Thượng Trạch.

Ông Đinh Cữu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thượng Trạch cho biết: “Lễ hội Đập trống được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng giêng, từ ngày 16 đến 17 âm lịch. Mục đích của lễ hội là cầu trời, cầu đất cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt. Người dân có sức khỏe làm ra nhiều lúa, nhiều ngô để có cuộc sống ấm no, sung túc. Những con vật nuôi thân thuộc ít bị dịch bệnh”. Ông Đinh Cữu say trong câu chuyện về lễ hội Đập trống. Không tự hào sao được khi lễ hội như một ngày tết “riêng có”, đặc sắc chỉ của đồng bào dân tộc Ma Coong. Vào dịp này, bà con từ 18 bản hội tụ về bản Cà Roòng I. Người A Rem, người Vân Kiều anh em từ xã Tân Trạch lên, cộng đồng người Ma Coong thân thích trên đất Lào cũng quay về chung vui.

Lễ vật tế trời được đóng góp từ các hộ gia đình ở 18 bản làng gồm: gạo nếp, gà, đọt mây, đọt lụi, đọt đoác... Trong ngày lễ hội, 6 mâm lễ vật dâng tế là 18 hũ rượu cần, 18 con gà, 24 con cá, đọt mây, đọt lụi, đọt đoác và 6 cỗ xôi đầy. Xong phần lễ, đến phần hội đập trống vui chơi của nam thanh, nữ tú. Trai gái ngồi quanh bếp lửa, quanh ché rượu cần... thâu đêm với những tự tình, yêu đương.

24 con cá trong những lễ vật dâng lên thần trời được lấy ở đâu? Chính từ con suối Cấm. Theo thông lệ, khi mùa gieo trỉa xong, lệnh cấm bắt cá trên suối Cấm được thực thi với lễ cúng Đá. Các già làng, trưởng bản tập trung lại nơi con suối Cấm. Người già nhất, uy tín nhất trong tất cả 18 bản tiến hành lễ tế cáo trời đất rằng dân làng đã làm xong vụ mùa, thời gian còn lại sẽ đi kiếm ăn nơi khác, không bắt cá tại suối Cấm nữa. Nếu dân bản ai vi phạm thì bị trời đất trừng phạt. Những con cá ngon, thanh sạch sống trong suối Cấm dành dâng lên thần trời.

Có lễ cấm thì phải có lễ giải, trước khi lễ hội Đập trống diễn ra, một cái lễ dâng lên xin thần trời, thần đất, thần suối cho phép dân làng được đánh bắt cá trở lại. Sau khi cúng xong, mọi người tự do đánh bắt. Những con cá to, béo bắt được đầu tiên dân làng kính cẩn cung tiến làm lễ vật trong lễ hội Đập trống.

Như những dòng suối giữa đại ngàn Trường Sơn hội tụ về một nguồn chính, cái tình người của đồng bào dân tộc Ma Coong cứ nhẹ nhàng, thanh thoát qua từng nét văn hóa đặc sắc, khó trộn lẫn. Đó chính là cách xử thế giữa thiên- địa- nhân, trong đó con người chủ thể sống hài hòa với tự nhiên, sống không mất lòng thiên nhiên bằng những luật tục bất thành văn.

Neo giữ một bản sắc văn hóa “riêng có”

Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cồn Roàng kể một câu chuyện vui về dòng suối Cấm. Năm 2000, Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch sang thăm bà con ở Lào, khi ông về có mua một con rùa nhỏ. Chủ tịch xã khắc lên mình rùa hai chữ Đinh Hợp rồi đem thả vào dòng suối Cấm. Bà con sống dọc dòng suối Cà Roòng (ngoài đoạn suối Cấm) thỉnh thoảng vẫn bắt được con rùa này nhưng đều thả lại xuống suối, vì ai cũng đều biết đó là rùa của Đinh Hợp. Và chú rùa đó vẫn sống cho đến tận bây giờ nhờ lời nguyền gieo vào dòng suối Cấm. Bằng chứng là Đinh Thiện, chiến sỹ biên phòng của đồn, khi đi giăng lưới cải thiện lại bắt được chú rùa... và cậu chiến sỹ trẻ người Ma Coong vẫn tuân thủ luật tục như đồng bào mình.

Câu chuyện vui có thật thượng tá Huân kể chưa có hồi kết nhưng đáng để trăn trở. Già làng Đinh Sầm chép miệng bảo tôi, tiếng trầm buồn: “Những năm trở lại đây, con cá, con tôm trên suối Cà Roòng, nơi suối Cấm ngày một khan hiếm đi. Luật tục của đồng bào miềng chỉ cấm đồng bào miềng thôi, còn với người Kinh thì chịu. Họ từ dưới xuôi lên, tận diệt sức sống của con suối vốn hiền lành, mát ngọt bằng chất nổ, xung điện, thuốc cá. Bà con miềng thiệt buồn cái bụng. May nhờ bộ đội biên phòng kiên quyết, kịp thời phát hiện, xử lý... còn không cứ đà này chẳng còn cá mà dâng lên thần trời”.

Rồi nữa... dư âm của những lần lễ hội Đập trống giữa đại ngàn Trường Sơn vốn hồn hậu, mang một ý nghĩa phồn thực dung dị thế nhưng càng về sau càng biến tướng... còn đâu bản sắc “riêng có” của gốc gác ban đầu.

“Thôi nhé... ta nói với nhau chuyện vui”- Già Đinh Sầm bảo- “Cuối năm, dù đồng bào mất mùa lúa rẫy do bão số 10 tàn phá nhưng cái tâm của đồng bào đong đầy như bát rượu tràn. Khách về xuôi nhớ đến đồng bào nghe!”. Chao ơi, cái tình cảm của người Ma Coong, dung dị, tha thiết như con suối Cấm nhẹ nhàng chảy xuôi hát chào một mùa xuân mới đang về, chất chứa tự thân bao điều tốt đẹp.

Ngô Thanh Long