.

Thế giới không sắc màu - Kỳ cuối: Chuyện những người "giúp việc"

Thứ Tư, 18/09/2013, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Dẫu còn nhiều bất hạnh nhưng những người khiếm thị không hề đơn độc, bởi bên họ vẫn luôn có những người bạn sáng mắt sẵn sàng tiếp thêm nghị lực và niềm tin, giúp đỡ họ vươn lên giữa cuộc đời. Đó là những con người bình thường, được cuộc đời ban cho đôi mắt lành lặn và trên tất cả, họ may mắn sở hữu một trái tim nhiệt thành và suốt đời phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp cho người khiếm thị. Chuyện về những người sáng mắt, làm việc tại các Hội Người mù là câu chuyện thấm đẫm tình người và chan chứa niềm tin.

>> Kỳ 3: Tình đẹp như cổ tích

>> Kỳ 2: Chiếc lá vẫn xanh

>> Kỳ 1: Chuyện nhà mệ Xuân

Nghề không danh phận

Làm việc tại Hội Người mù tỉnh tròn 13 năm, chị Nguyễn Thị Huệ vẫn không thể quên được những ngày đầu tiên vừa bước vào nghề. Ngày đó, một thân một mình chị lặn lội lên tận hai huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa để tìm hiểu và động viên những người khiếm thị tại địa phương gia nhập hội. Đường đi vất vả mà chị thì thân gái dặm trường, lại hoàn toàn mù mờ về đường sá, vậy mà khi đến nơi, nhìn gia cảnh của những con người kém may mắn ấy, mọi vất vả của chuyến đi đường trường đều nhường chỗ cho sự cảm thông sâu sắc. Họ nắm lấy bàn tay của chị như thể muốn tìm lấy một điểm tựa, một sự sẻ chia.

Có người kể chuyện đời mà như thể đang chạm khắc lại vào nỗi đau, kể trong giàn dụa nước mắt. Chị Huệ đã khóc cùng họ, đã đau đớn cùng họ. Cũng từ hôm đó, chị mới quý hơn công việc của mình. Và dường như, chị hiểu, đó không chỉ là nghề mà là duyên nghiệp suốt đời mình gắn bó.

Những người làm công tác văn phòng tại các Hội Người mù phải là những người có tâm và cần lắm một sự cảm thông sâu sắc đối với những số phận kém may mắn giữa cuộc đời. Họ đến với Hội phải bằng tinh thần phục vụ, vừa phải làm tốt công việc chuyên môn nhưng cũng phải là “đôi mắt”, là “cánh tay” để giúp đỡ hội viên cả trong những sinh hoạt thường ngày.

Theo như ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh thì những người công tác tại những Hội Người mù cơ sở phải hội đủ bốn yếu tố: năng nổ - nhiệt tình - tâm huyết - thật thà. Ông bảo: “Đã có không ít người tìm đến Hội chỉ với một mong muốn là có được một công việc mà họ chưa hiểu được tường tận công việc cụ thể của mình nên khi đối diện với thực tế, họ rút lui”.

Hội Người mù tỉnh thăm và tặng quà cho các gia đình hội viên.
Hội Người mù tỉnh thăm và tặng quà cho các gia đình hội viên.

Những người công tác tại các văn phòng Hội sẽ ít có cơ hội được thăng tiến trong sự nghiệp. Nếu công tác lâu dài tại Hội thì họ mãi chỉ là trợ thủ, là cánh tay phải hỗ trợ để những hội viên khiếm thị sớm hòa nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống. Nhưng không phải vì thế mà làm nản lòng những con người đầy nhiệt huyết. Qua bao mùa mưa bão, những chuyến đi thực tế về địa phương, những bước chân của họ vẫn đi về đến tìm về để sẻ chia và cảm thông với những số phận mù lòa.

Nghề vất vả

Làm sao để giúp người mù vượt qua mặc cảm số phận, chủ động hòa nhập với cuộc sống ở địa phương và tự tìm cho mình một hướng đi thích hợp luôn là nỗi niềm đau đáu của những người làm việc tại các Hội Người mù. Trong những buổi tiếp xúc thân tình, chúng tôi ấn tượng sâu sắc bởi sự tường tận hoàn cảnh từng hội viên của những người công tác tại các văn phòng Hội.

Từ gia cảnh, địa chỉ đến bệnh tật và cả những câu chuyện đời của hội viên họ đều nắm rõ như câu chuyện của chính người thân mình. Phải lăn lộn lắm, cảm thông lắm, họ mới có được một vốn hiểu biết và chiều sâu tâm hồn đến vậy. Nói như chị Nguyễn Thị Huệ thì “mình không tìm hiểu về họ thì làm sao làm được cầu nối để họ sớm hòa nhập với cộng đồng?”. Mà muốn vậy, thì người cán bộ hội phải thực sự sâu sát và trải nghiệm không ít những vất vả.

Trong những chuyến công tác thực tế tìm hiểu địa bàn hay trong những lần đi thăm, tặng quà cho gia đình hội viên, những người như chị Nguyễn Thị Huệ (Hội Người mù tỉnh), anh Đặng Văn Hiếu (Hội Người mù thành phố Đồng Hới), anh Nguyễn Minh Tuấn (Hội Người mù huyện Bố Trạch)... phải vượt những quãng đường khá xa nhưng tất cả đều phải tự túc về phương tiện đi lại. Hầu như địa phương nào có người khiếm thị thì ở đó đều có bước chân của những con người nhiệt huyết ấy. Tốt nghiệp Trường đại học Quy Nhơn, anh Nguyễn Minh Tuấn về công tác tại tại UBND xã Phú Trạch. Rồi như duyên nghiệp, anh được chuyển công tác đến Hội Người mù huyện Bố Trạch. Sau 2 năm làm công việc của một cán bộ văn phòng Hội, địa bàn nào anh cũng từng đến nơi. Tâm sự về nghề, anh cười hiền: “Hai năm làm nghề, đi nhiều quá, thành ra chiếc xe máy cũng sắp hỏng hết rồi”.

Mà đâu phải chỉ mỗi công tác chuyên môn, họ còn kiêm luôn cả vai trò làm người hướng dẫn, giúp người khiếm thị sớm phục hồi chức năng. Với những hội viên đến học tập và sinh sống tại trụ sở của Hội Người mù tỉnh, các cán bộ công tác tại đây phải vừa làm việc, vừa giúp đỡ họ trong sinh hoạt, đi lại, học tập. “Mình mắt sáng thì phải làm đôi mắt của họ, có vậy, họ mới nhanh chóng tiếp cận được với giáo dục, dạy nghề”, chị Huệ chia sẻ.

Để người mù bớt khó khăn, bên cạnh việc tổ chức các lớp dạy nghề, cho họ được vay vốn làm ăn, Hội Người mù còn là cầu nối để các tổ chức xã hội khác tiếp cận, giúp đỡ hội viên nghèo làm nhà. Muốn vậy, những người cán bộ như anh Hiếu, chị Huệ, anh Tuấn... phải đi tận nơi, đến tận từng đơn vị để xin tiền tài trợ. Vất vả lắm, nhưng cứ nhìn những ngôi nhà ngói vững chãi được dựng lên trên nền nhà cũ lụp xụp, nhìn những đôi mắt lấp lánh hạnh phúc của những hội viên nghèo, họ lại thấy ấm lòng. Những con người ấy lại có thêm một niềm an ủi để tận tâm với nghề.

Sự quan tâm của xã hội, sự đồng cảm của gia đình và cả sự tận tâm của chính những cán bộ lặng thầm ấy chính là thứ “ánh sáng” mà người mù tìm thấy trong cuộc đời này. Mong rằng thứ “ánh sáng” đó sẽ hóa thành động lực giúp những con người kém may mắn sống lạc quan hơn và vững bước trong cuộc đời.

Diệu Hương