Bỏ ngay lối nhìn hạn hẹp...

Cập nhật lúc 09:21, Thứ Tư, 28/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thành phố Đồng Hới đang đổi thay từng ngày. Đó là điều mà ai cũng nhận biết, bởi thành phố thân yêu của chúng ta đang trong giai đoạn dựng xây và phát triển, nhiều công trình đang nhanh chóng mọc lên. Nhưng để có những công trình xuyên qua thời gian, mang tính biểu tượng, in đậm dấu ấn giai đoạn khởi đầu dựng xây và phát triển của thành phố trẻ là việc không dễ...

Mỗi người có một nhát cắt thời gian khác nhau đối với thành phố Đồng Hới. Với tôi, đó là những năm 1972, 1982,1992 và 2012 này. Năm 1972 khi đang làm lính trinh sát, ngày đêm tập rèn trên đồi Mỹ Cương, trong tầm mắt chúng tôi khu vực thị xã Đồng Hới trơ trụi bởi bom đạn, xóm làng thưa thớt ẩn khuất theo những triền đồi lúp xúp cây...

Mười năm sau, có dịp trở lại Đồng Hới sau những năm tháng binh nghiệp và học hành, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sắc màu của nhà cửa, công trình. Nghĩ rằng đó là những năm tốc độ xây dựng nhà dân và cả các công trình công cộng ở Đồng Hới cao nhất trong những năm sau ngày thống nhất đất nước. Nơi chúng tôi đóng quân đã không còn hình hài cũ, cùng đồng đội tìm mãi mới xác định được những dấu tích xưa: sân bóng đá, hồ cá, bãi tập chiến thuật... tất tật đều là nhà ở của dân... Nhưng tôi đã lầm, ba năm sau ngày chia tỉnh, một Đồng Hới "bê tông, cốt thép và gạch đá" hiện lên trước mắt. Tốc độ xây dựng mấy năm sau "chia tỉnh" còn cao gấp cả trăm lần trước đó. Đấy là năm 1992, khi tôi rời nơi làm việc ở phía nam để trở lại quê hương.

Nhưng ngay từ lúc đó, nhiều người đã nhận ra sự xô bồ, hối hả trong xây dựng và nhất là công tác quy hoạch, đã thiếu đi sự định hướng bài bản. Có lẽ trong nhận thức chưa coi trọng công tác quy hoạch và cũng có thể vì... ít tiền nên không dám thuê... "quy hoạch xịn". Vì vậy mà loay hoay mãi, chắp vá mãi trong quy hoạch Đồng Hới vẫn chưa có vóc dáng là thành phố hiện đại.

Cũng may, đến mấy năm trước, trong cái khó đó đã nảy ra một ý tưởng khá... tốn tiền là chọn một đơn vị tư vấn quy hoạch tới từ một nước phát triển, Công ty Nik Ken Sekkei - Nhật Bản. Cũng cần nhắc lại, khi chọn đơn vị này làm quy hoạch với số tiền thuê không nhỏ, có người đã e ngại, tiền đâu? Nhưng quả là "đắt xắt ra miếng", sau một thời gian thực thi, qua mấy lần hội thảo góp ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, một phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Đồng Hới đã hoàn tất, có sức thuyết phục, định hướng cho phát triển của thành phố Đồng Hới trong tương lai...Đã mấy lần tiếp cận với quy hoạch này, đọng lại trong tôi nhiều điều.

Cầu Nhật Lệ, điểm nhấn của thành phố Đồng Hới. Ảnh: P.V
Cầu Nhật Lệ, điểm nhấn của thành phố Đồng Hới. Ảnh: P.V

Đó là định hướng phát triển thành phố du lịch dịch chuyển về phía đông từ quốc lộ 1A  kéo qua Bảo Ninh và biển Bảo Ninh, Quang Phú sẽ là những điểm nhấn cuốn hút du khách. Quy hoạch xác định rõ cấu trúc đô thị và trục đô thị trung tâm. Về quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội, công trình hành chính của tỉnh và thành phố Đồng Hới được bố trí khu vực phía tây đường Nguyễn Hữu Cảnh. Còn hạ tầng giao thông, ngoài các tuyến đường dọc hiện có, quy hoạch nhấn mạnh 4 tuyến đường ngang, trong đó có 3 tuyến vượt sông Nhật Lệ bằng những cây cầu hiện đại (trong đó có cầu Nhật Lệ đã được xây dựng) để phát triển khu vực Bảo Ninh thành đô thị trong tương lai...

Trở lại với những công trình hiện hữu trên địa bàn thành phố Đồng Hới và rộng ra cả tỉnh, trong hai thập kỷ qua, khó tìm ra công trình ngoài công năng cụ thể mà nó đảm trách còn để lại dấu ấn thật sự, mang tính biểu tượng cho tỉnh nhà. Vì sao?

Sau "chia tỉnh" vài năm, anh bạn từ Lệ Thuỷ về Đồng Hới, đến ngã tư Bưu Điện là quay lên. Hỏi vì sao vậy? Anh trả lời: Tớ về cốt xem cái nhà cao nhất Đồng Hới ở ngã tư, xong việc thì lên!  Vâng, vào lúc đó cái nhà của Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh ở ngã tư Bưu Điện tỉnh là hoành tráng nhất nhì Đồng Hới. Khi đơn vị này bán lại cho Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Bình năm 2009, lập tức nó bị san phẳng. Chuyện ngôi nhà cao nhất Đồng Hới những năm đầu thập kỷ 90 bị san phẳng có nhiều ý kiến khác nhau. Tất nhiên chuyện đập phá để xây mới là quyền của chủ sở hữu, nhưng một điều ai cũng phải công nhận là nó đã không còn "hoành tráng" nữa. Chứ nếu nó đang còn "long lanh" thì ai nỡ đập bỏ! Nói vậy để có thể hình dung ra "vóc dáng"những công trình "vội vã" của những năm 90 thế kỷ trước! Có thể đây là bài học để có cách nhìn rộng hơn, xa hơn. Đã làm thì phải làm cho đàng hoàng, phải đi trước thời gian, bỏ ngay lối nhìn hạn hẹp, ích kỷ, "đo bò làm chuồng" cản trở sự phát triển...

Lệ Thuỷ có dòng Kiến Giang xinh đẹp nhưng cũng là nỗi khoắc khoải bởi cách đò trở giang. Sau ngày đất nước thống nhất vài năm, lần lượt những chiếc cầu bắc qua sông, chấm dứt những chuyến đò ngang khoắc khoải trong mùa lũ, đêm đen ở vùng giữa... Lúc bàn định xây cầu, có ý kiến nên xây cầu chữ Y ngay chợ Tréo, một cầu thay cho ba cầu mà như cách nói ngày này là "ba trong một". Ý tưởng này được coi là quá... lãng mạn bởi sự tốn kém của nó và cả phức tạp trong thiết kế, thi công. Nhưng đến lúc này khi phải xây ba cái cầu để giải quyết giao thông trong khu vực này mới thấy sự lãng mạn đó là... cần thiết.

Cũng chính vì sự hạn hẹp của đồng tiền (và cả trong tư duy) nên những chiếc cầu qua Kiến Giang sau hơn 25 năm sử dụng đã phải đập bỏ để xây mới! Cũng có người nói rằng nếu lúc đó có tiền liệu có ai dám "quyết" xây cầu với 2 làn xe, số tiền đầu tư lớn gấp hai, gấp ba không? Bởi một điều đơn giản nói về hiện tại không khó nhưng nắm bắt được tương lai mới là điều cực kỳ khó và thuyết phục người khác về tương lai lại càng khó hơn bội phần! Nếu biết rằng 25 năm nữa cây cầu bị đập phá vì nó sẽ quá tải và đã trở thành ách tắc giao thông thì chắc chắn không có những ý kiến trái chiều là "vung tay quá trán" để xây cầu?

Tản mạn về vài công trình để nhấn mạnh đến sự quyết đoán của lãnh đạo, sự tinh nhạy và tầm nhìn của người đứng đầu. Có tầm nhìn xa và cả biết vượt lên mọi rào cản mới "quyết" được những vấn đề có tính chiến lược, mới để lại cho tương lai, cho hậu thế những công trình có tầm vóc. Hiển nhiên không ai lại bỏ qua những phản biện khoa học, thấu tình đạt lý... Còn khi, không chỉ thiếu tầm nhìn mà thừa sự mẫn cảm trước những thông tin "bề nổi", "co cụm" trong tư duy thì khó làm nên cơm cháo gì!

Khi tôi đặt bút viết bài này, có anh bạn đồng nghiệp nói: phán quá khứ là chuyện... dễ! Vâng, nhưng cũng hy vọng rằng phân tích những điều trong quá khứ, hiện tại để có thể "le lói" cho tương lai điều gì chăng? Để rằng, quê hương nghèo khó như chúng ta cũng sẽ có những công trình vượt thời gian, làm điểm nhấn cho phát triển. Chứ không vì nghèo mà trở nên hèn, đã làm vì lợi ích chung thì không sợ bị cho là "làm dân... nghèo thêm”.

                                                                                     P. V










 

,
.
.
.