Hoa của núi

Cập nhật lúc 07:18, Thứ Năm, 22/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cần cù lao động, không quản ngại khó khăn, đi đầu trong việc xây dựng các mô hình kinh tế gia đình nên Hồ Viên-một người con của bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” của toàn tỉnh giai đoạn 2007-2012. Không chỉ biết làm ăn giỏi, Hồ Viên còn là điểm tựa của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, được bà con dân bản hết mực yêu mến.

Cách đây chưa lâu, người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt ở bản Cà Xen của Hồ Viên có đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Bà con chỉ biết sống một cuộc sống du canh, du cư khắp vùng phía tây của huyện Tuyên Hóa. Gia đình Hồ Viên cũng như bao gia đình khác đều rơi vào cảnh thiếu cái ăn, cái mặc. Cuộc sống của bà con chỉ biết dựa vào rừng nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân từ ngày này qua ngày khác. Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, người Mã Liềng đã có được một cuộc sống mới, không còn nay đây, mai đó mà là sống định canh ở bản Cà Xen.

Có nơi ở mới, đất đai rộng rãi, Hồ Viên và người Mã Liềng của bản rất phấn khởi. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, Hồ Viên bắt tay vào khai khẩn đất hoang để trồng lúa nước. Những ngày đầu tiên làm kinh tế mới đối với Hồ Viên là những ngày tháng hết sức nan giải. Thế nhưng, được sự hỗ trợ của chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể, Hồ Viên đã làm những việc mà trước đó bản thân anh cũng như nhiều người Mã Liềng khác không tin là mình có thể làm được. Nhìn ruộng lúa phát triển xanh tốt, Hồ Viên thấy “ưng cái bụng” nên tiếp tục mở rộng diện tích khai hoang, động viên bà con trong bản cùng tham gia lao động, sản xuất. Năm 2011, gia đình Hồ Viên đã trồng được 7 sào lúa nước, trên 2 sào ngô, 3 sào đậu lạc, đậu xanh... Do cần cù, chịu khó chăm bón nên các loại cây trồng của Hồ Viên đều phát triển khá tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Không dừng lại ở đó, Hồ Viên còn chinh phục đồi hoang bằng việc trồng 5ha rừng, đào ao thả cá và chăn nuôi đàn trâu bò. Từ các mô hình kinh tế đó, mỗi năm gia đình Hồ Viên thu được hàng chục triệu đồng. Gia đình anh đã gửi tiết kiệm được 100 triệu đồng để lo cho việc học sau này của con cái. Từ một hộ thuộc diện nghèo đói không biết cách làm ăn, Hồ Viên đã vươn lên thành một hộ khá giả của bản. Các con của Hồ Viên đều được đến trường học cái chữ của Bác Hồ. Có của ăn, của để, Hồ Viên đã mạnh dạn mua máy cày, máy xay xát, máy gặt lúa để phục vụ bà con trong vùng.

Mỗi khi mùa về, nhà Hồ Viên vui như hội. Tiếng máy xay xát chạy vù vù, người ra, kẻ vào cười cười, nói nói. Ai cũng khen rằng “Hồ Viên giỏi. Hồ Viên học được cách làm ăn của người miền xuôi nên bà con được nhờ...”. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, Hồ Viên còn nhiệt tình giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Anh thường xuyên gần gũi với bà con. Bất cứ ai cần giúp đỡ, hỗ trợ, anh đều sẵn lòng. Những đồng tiền, bát gạo của Hồ Viên đã tiếp sức cho nhiều gia đình khi lâm vào cảnh ốm đau, hoạn nạn hay vào buổi giáp hạt thiếu cái ăn. Ngoài ra, Hồ Viên còn hướng dẫn cho bà con cách làm kinh tế để có cuộc sống ổn định. Nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của gia đình anh, nhiều hộ đói nghèo trong bản đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thành những hộ có mức sống khá như hộ gia đình các anh Hồ Thông, Hồ Bụt, Hồ Xuân...

Với những nỗ lực của bản thân, Hồ Viên không chỉ nhận được sự yêu mến của bà con, dân bản mà anh còn được các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương khen ngợi, biểu dương. Đặc biệt, anh là một trong những người dân tộc thiểu số- những bông hoa của núi rừng - vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh về những thành tích đã đạt được trong phong trào “Đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” của toàn tỉnh giai đoạn 2007-2012.

                                                                             Nhật Văn

 

 

,
.
.
.