.

Đôi vợ chồng "năng nhặt, chặt bị"

.
08:14, Thứ Ba, 27/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Phong (Quảng Trạch), nơi đất chật người đông, ruộng vườn khan hiếm, chị Nguyễn Thị Thảo và chồng đã mạnh dạn tìm hướng làm ăn mới. Vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, nhưng ngày qua ngày cần cù chịu khó, với phương châm “năng nhặt, chặt bị”, đến nay vợ chồng chị Thảo đã có cuộc sống khấm khá, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
 

Chị Thảo đang chăm sóc đàn gà mái đẻ.
Chị Thảo đang chăm sóc đàn gà mái đẻ.

Xây dựng gia đình với nhau năm 1996, vốn liếng ra ở riêng chỉ có hơn 2 sào ruộng khoán, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Thảo và Nguyễn Thanh Hải, thôn 2, xã Quảng Phong đã nghĩ ngay đến việc phải tìm kiếm thêm việc làm để nuôi thân. Chị quyết định đầu tư chuồng trại để chăn nuôi, còn anh vay mượn mở cơ sở xay xát lúa gạo ngay tại nhà.

Diện tích đất dành cho chăn nuôi quá ít, chuồng trại hẹp nên không thể thả nuôi cùng lúc nhiều lợn thịt, chị Thảo tiến hành nuôi theo phương pháp gối đầu. Nhờ thế, lúc nào trong chuồng cũng có sẵn hai lứa lợn thịt nuôi cách nhau chừng 2 tháng, mỗi lứa từ 15- 20 con. Mỗi năm, chị Thảo xuất bán 5 lứa lợn thịt, thu lãi mấy chục triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn thường xuyên duy trì được đàn gà mái đẻ 100 con, chuyên cung cấp trứng cho các lò ấp trên địa bàn, bảo đảm một nguồn thu nhập trang trải hàng ngày cho cuộc sống gia đình.

Không chịu thua kém vợ, cùng với việc chạy máy xay xát lúa gạo hàng ngày phục vụ bà con trong vùng, những lúc mùa vào anh Hải còn thu mua lúa nhập lại cho các chủ vựa ở thị trấn Ba Đồn để kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi vụ lúa, anh thu mua được khoảng 30 tấn, mỗi năm 60 tấn bán lại lấy chênh lệch giá. Việc kinh doanh có lãi, anh Hải đầu tư mua thêm máy móc mở rộng quy mô cơ sở xay xát. Đến nay, anh đã đầu tư vào đây gần 100 triệu đồng, đáp ứng được các nhu cầu của bà con nông dân.

“Việc chăn nuôi của vợ tôi cũng như cơ sở xay xát do tôi đảm nhiệm quy mô cũng đến vậy thôi, mình không có mặt bằng, sức vóc có hạn nên không thể mở rộng thêm được. Duy chỉ có việc thu mua lúa gạo là có thể mần ăn lớn hơn, giá mà tôi tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện thu mua nhiều lên, chắc chắn thắng!”- anh Hải nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo cho biết, mô hình kinh tế gia đình của anh chị tuy nhỏ, nhưng thu được hiệu quả là nhờ tận dụng được lao động trong gia đình, không phải thuê mướn thêm lao động. Mặt khác, chị Thảo đã tận dụng được phụ phẩm trong xay xát để làm thức ăn cho chăn nuôi, đồng thời sớm đầu tư xây dựng hệ thống bioga nên vừa chủ động được nguồn chất đốt, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ cần cù siêng năng, trải qua nhiều năm tháng lam lũ, tất bật với mô hình kinh tế gia đình, đến nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo đã có cuộc sống ổn định, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền để sử dụng. Mấy đứa con đều được anh chị quan tâm chăm bẵm, học hành ngoan ngoãn; khi rảnh rỗi, đứa lớn đang học lớp 8 đã có thể phụ giúp mẹ những việc vặt trong gia đình. Từ thành quả lao động của mình, nhiều năm qua, gia đình chị Thảo luôn đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, năm 2008, vợ chồng chị đã cất được ngôi nhà khang trang, vững chãi trị giá 500 triệu đồng.

                                                                                 A.T





 

,