Đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại: Bao giờ hết gian nan?

Cập nhật lúc 07:13, Thứ Hai, 26/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán là nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao so với bình thường. Đây cũng là lúc thị trường hàng hóa sẽ có sự biến động, tình hình buôn bán và vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng diễn ra khá phức tạp rất cần sự tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng. 

Từ đầu năm 2012 đến nay, các hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng đi qua địa phận tỉnh ta tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hàng hóa vi phạm được vận chuyển tập trung chủ yếu vào những nhóm hàng có giá trị lớn, thuế suất nhập khẩu cao, lợi nhuận chênh lệch lớn như: gỗ, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, điện thoại di động, mỹ phẩm...

Các đối tượng vận chuyển những loại hàng hóa này thường sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn tinh vi để đối phó và gây không ít trở ngại cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Việc vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng trên tuyến đường bộ được tổ chức rất chặt chẽ, có sự chuẩn bị và tính toán đến các phương án đối phó với lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Trong trường hợp vận chuyển hàng với số lượng lớn thì bố trí nhiều xe, trong đó có xe tiền trạm dẫn đường, xe chở hàng thường thay nhiều biển kiểm soát giả trên từng chặng đường để tránh sự theo dõi, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn dùng thủ đoạn sử dụng hồ sơ bán hàng tịch thu của các cơ quan nhà nước, hóa đơn bán hàng ghi trị giá hàng hóa thấp hơn nhiều lần giá trị thực, hóa đơn chứng từ giả hoặc tổ chức vận chuyển vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ của các lực lượng kiểm tra, kiểm soát.

Trên tuyến biên giới, các hoạt động buôn bán vận chuyển hàng nhập lậu qua biên giới Việt Nam-Lào giảm nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, trên tuyến biên giới này vẫn còn xảy ra tình trạng lái xe cất giấu gỗ dưới thùng xe hoặc trong các hầm hàng gia cố để đưa về Việt Nam tiêu thụ. Việc buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép qua biên giới vẫn còn xảy ra, một số doanh nghiệp lợi dụng việc phân luồng xanh (miễn kiểm tra) để khai báo sai số lượng hàng hoá so với thực tế dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Thời gian qua cũng đã xuất hiện một số người dân xuất, nhập biên giới trái phép để khai thác, vận chuyển lâm sản. Đặc biệt, lực lượng Biên phòng và Hải quan đã phát hiện và bắt giữ một số cá nhân có liên quan đến tội phạm ma túy, mang vũ khí, súng đạn và chất gây nghiện qua biên giới. Hiện nay, khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đường 12 ở phía nước bạn Lào được xác định là tuyến, địa bàn phức tạp của các hoạt động mua bán ma túy và chất gây nghiện.

Riêng đối với thị trường nội địa, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy hàng hóa nhập lậu, hàng cấm trên địa bàn tỉnh ta không nhiều và không buôn bán công khai nhưng cũng khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các loại hàng hóa nhập lậu chủ yếu như: rượu và thuốc lá được cất giấu trong nhà ở, trong các quầy hàng, cửa hàng, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra bắt giữ.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa vào dịp cuối năm.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa vào dịp cuối năm.

Các hoạt động sản xuất, buôn bán và tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Các sản phẩm này thường được sản xuất từ nước ngoài và các tỉnh, thành phố lớn trong nước rồi được vận chuyển về thị trường nông thôn tiêu thụ, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các đối tượng đã sử dụng một đội quân chuyên nghiệp với phương tiện xe máy len lỏi sâu vào từng hộ gia đình dưới hình thức tiếp thị, quảng cáo sản phẩm và sử dụng chiêu khuyến mãi hấp dẫn để đánh lừa người tiêu dùng.

Hiện trên địa bàn tỉnh ta đã có một số doanh nghiệp nhỏ vì tham lợi nhuận cũng đã tiếp tay tiêu thụ hàng giả. Đặc điểm bao bì của hàng giả không có sự khác biệt nhiều so với hàng thật nên người tiêu dùng rất khó để phân biệt. Nhóm mặt hàng làm giả nhiều là mỹ phẩm, thiết bị văn phòng, linh kiện máy tính, thuốc lá và thực phẩm công nghệ. Điều đáng nói nữa là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất sử dụng phẩm màu và chất bảo quản độc hại được cấm sử dụng trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm.

Trước những diễn biến phức tạp và rất tinh vi như đã nói ở trên, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (Ban Chỉ đạo 127) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa và thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Các ngành chức năng đã triển khai các giải pháp như: vận động các doanh nghiệp và hộ tư nhân ký cam kết không mua bán thuốc lá nhập lậu, tăng cường kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy, kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, các ngành hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đồng thời kiểm tra đồ chơi kích động bạo lực ảnh hưởng đến giáo dục nhân cách của trẻ em và trật tự an toàn xã hội.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2012, các lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 3.200 vụ việc, trong đó xử lý 2.266 vụ với tổng số tiền phạt hành chính và tiền bán hàng tịch thu trên 23 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu (104 vụ), vi phạm về hàng giả và hàng kém chất lượng, về sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm (43 vụ), gian lận thương mại (64 vụ) và vi phạm khác trên 1.740 vụ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù đã phát hiện và xử lý được một số đường dây trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại nhưng trên thực tế các ngành chức năng vẫn chưa triệt phá được các đối tượng cầm đầu. Nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận thương mại, kinh doanh trái phép đã được phát hiện, xử lý và cảnh báo nhưng không ít vụ việc tương tự vẫn diễn ra.

Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và xem nhiệm vụ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là của các ngành chức năng nên chưa chủ động để bảo vệ và khẳng định quyền lợi, chất lượng sản phẩm và uy tín của mình trên thị trường. Ngoài ra, do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế, trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng phục vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại còn mỏng nên công tác kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm các loại hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa chặt chẽ như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và các loại hoá chất bảo quản thực phẩm.  

Nước ta đang thực hiện lộ trình cam kết sẽ giảm dần và bỏ thuế suất đối với các mặt hàng tiêu dùng và hàng phi thuế quan, theo đó, sự gia tăng của kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh càng tăng. Trước tình hình này, các hoạt động như: buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và các loại tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy, các chất gây nghiện, động vật hoang dã, hàng giả, hàng nhái... sẽ hết sức phức tạp, tinh vi và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Theo các ngành chức năng, các đối tượng buôn lậu sẽ tiếp tục lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách về đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và tạm nhập tái xuất để buôn lậu, trốn thuế. Mặt khác, do nhu cầu xã hội ngày càng tăng cao và việc tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng như: xăng, dầu, than, điện, sắt, thép... sẽ tạo sức ép tăng giá đến các mặt hàng khác càng gây nhiều khó khăn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay và vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, các ngành chức năng nên niêm yết số điện thoại nóng tại các cơ sở kinh doanh để mỗi một người dân đều có thể trình báo khi phát hiện có hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng hàng hóa. Đối với các cơ sở kinh doanh, phải thực hiện công tác niêm yết giá và bán đúng giá đã niêm yết nhằm không những nâng cao uy tín của mình mà còn góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và cho cả xã hội.

                                                                         Hiền Chi


 

,
.
.
.