Xây dựng nông thôn mới ở xã Trọng Hóa: Xa vời đích đến

Cập nhật lúc 07:20, Thứ Năm, 22/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Trọng Hóa là địa phương nghèo nhất của huyện Minh Hóa nói riêng và tỉnh ta nói chung. Mặc dù được Nhà nước quan tâm, đầu tư nhưng do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đời sống kinh tế- xã hội của người dân còn thấp nên việc xây dựng nông thôn mới của xã đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND xã Trọng Hóa về việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này xã mới chỉ đạt được 2/19 tiêu chí. Đó là các tiêu chí về an ninh trật tự xã hội và tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị. Trong khi nhiều địa phương cả nước đang gấp rút hoàn thành những tiêu chí cuối cùng thì việc xây dựng nông thôn mới ở xã Trọng Hóa mới gần như bắt đầu. Theo kế hoạch, xã sẽ phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí khi giai đoạn 2 kết thúc là năm 2020.

Một trong những cái khó nhất của xã là giảm hộ nghèo xuống còn 5% vào năm 2020. Đến thời điểm này, toàn xã Trọng Hóa vẫn còn 88,6 hộ nghèo. Nhìn từ thực tiễn, tiêu chí này sẽ rất khó đạt được. Bởi Trọng Hóa là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Địa hình ở đây chủ yếu là núi non hiểm trở. Nhiều người dân vẫn giữ nguyên tập tục sản xuất nông nghiệp lạc hậu theo kiểu chặt- đốt- cốt- trỉa. Do vậy, để đạt được tiêu chí này đối với xã Trọng Hóa là một điều hết sức khó khăn, thậm chí là không thể.

Bản Rông vẫn bị cô lập bởi nước khe Rào
Bản Rông vẫn bị cô lập bởi nước khe Rào

Về tiêu chí giao thông, xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo chuẩn đặt ra phải đạt được 70% đường làng ngõ xóm cứng hóa, sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa. Tuy nhiên đến nay, Trọng Hóa chỉ mới đạt được 11,89%. Cả xã vẫn còn bản Rông, Ông Tú và bản Ka Oóc chưa có đường giao thông về bản. Vì ba bản này bị ngăn khe cách núi, người dân lại sống trên những ngọn đồi cao nên việc làm đường giao thông hết sức khó khăn. Cầu bắc qua những khe nước về các bản này vẫn chưa có. Một số bản còn lại vẫn đang đi lại trên những con đường cấp phối như bản Khe Cấy, Ka Ing, La Trọng 3. Khi có mưa là những con đường về bản lầy lội, gây cản trở rất lớn việc đi lại. Trong khi đó, tuyến đường từ Quốc lộ 12A vào Lòm dài trên 20 km vẫn thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ, nhiều vị trí bị chia cắt bởi các khe suối nhưng chưa có cầu, cống.

Về cơ sở vật chất phục vụ cho văn hóa vẫn đang là bài toán “đau đầu” đối với xã. Theo tiêu chí này, đòi hỏi các nhà văn hóa và khu thể thao của xã, bản phải đạt chuẩn của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Đến thời điểm này, cả xã chỉ có 6/18 bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, các nhà sinh hoạt cộng đồng ở một số bản còn tạm bợ, chưa đạt chuẩn vì không có mặt bằng để xây dựng sân bãi, trong khi đó nguồn vốn đầu tư cho tiêu chí này từ trước đến nay vẫn còn quá khiêm tốn.

Đường lên bản Ông Tú còn lắm gian nan
Đường lên bản Ông Tú còn lắm gian nan

Về tiêu chí thu nhập của người dân cũng rất khó đạt được đối với một xã nghèo như Trọng Hóa. Hiện thu nhập bình quân của người dân xã Trọng Hóa chỉ mới đạt 1,8 triệu đồng/người/năm. Sở dĩ, mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp là do dân số đông, kinh tế lại kém phát triển do đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Các sản phẩm của họ làm ra chủ yếu là phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, chưa tạo ra được hàng hóa để bán. Do vậy, chuẩn thu nhập bình quân đầu người đối với xã Trọng Hóa là điều rất khó đạt được vào năm 2020.

Ngoài ra, tiêu chí chợ nông thôn, trường học, nhà ở dân cư, môi trường, giáo dục ở xã Trọng Hóa vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Hiện xã vẫn chưa có chợ nông thôn. Nhiều hộ dân vẫn còn ở trong các ngôi nhà sàn tạm bợ được làm bằng tranh tre, nứa lá. Cả xã vẫn chưa có nước sạch. Một số hộ dân còn thả rông trâu bò gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở vật chất của trường học vẫn còn nghèo nàn so với mặt bằng chung. Các điểm trường lẻ trên địa bàn xã phần lớn đều chưa được kiên cố, chỗ ở cho giáo viên cắm bản còn thiếu. Về công tác giáo dục vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù xã đã phổ cập xong giáo dục tiểu học nhưng còn nhiều học sinh quá tuổi so với cấp học này. Công tác phổ cập THCS đang thực hiện bằng cách tổ chức các lớp học “đầy” khi “bắt” các em học 2 năm ba lớp nên học sinh và giáo viên ở xã Trọng Hóa không có hè...

Ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trước mắt, xã sẽ tập trung đầu tư phát triển giáo dục bằng việc phổ cập bậc học mầm non, tiểu học đúng độ tuổi và quyết tâm hoàn thành việc phổ cập THCS. Ngoài ra, chúng tôi sẽ chỉ đạo bà con phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân...”.

                                                                        Xuân Vương

,
.
.
.