Vướng mắc trong việc xây dựng kè bờ tả sông Lệ Kỳ

Cập nhật lúc 07:10, Thứ Sáu, 23/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Gói thầu xây lắp kè và các công trình trên tuyến bờ tả sông Lệ Kỳ (thành phố Đồng Hới) là một hạng mục của công trình củng cố, nâng cấp đê, kè cửa sông Lệ Kỳ của huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2979/QĐ-UBND ngày 8-11-2011. Mục tiêu của công trình để chống xói lở, giữ vững sự ổn định hai bên bờ sông Lệ Kỳ đồng thời tạo cảnh quan và môi trường sạch đẹp trong khu vực... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp phải một số vướng mắc khó tháo gỡ...
 

Một đoạn kè của gói thầu vừa thi công.
Một đoạn kè của gói thầu vừa thi công.

Gói thầu xây lắp kè và các công trình trên tuyến bờ tả sông Lệ Kỳ (gọi tắt là kè tả sông Lệ Kỳ) được đầu tư với số vốn 118,5 tỷ đồng do Chi cục Thuỷ lợi và PCLB làm chủ đầu tư. Nguồn vốn của dự án từ ngân sách nhà nước Trung ương nhưng vốn GPMB là của ngân sách tỉnh. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Đặng Đại. Gói thầu được khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 2012.

Đến nay đã thực hiện xong tuyến đường công vụ số 1 và số 2, thi công gần xong đoạn kè dài 250 mét, một số cống tiêu, đúc hơn14.000 tấm cấu kiện bê tông... Dự ước thực hiện khoảng 6% khối lượng gói thầu.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều vướng mắc làm cho việc thi công tiếp theo khó thực hiện. Theo thiết kế, tuyến kè có chiều dài 4.375m nối từ mố cầu Dài đến ngã ba sông Phú Vinh (đoạn phía hạ nguồn có gối vào tuyến kè cầu cống Mười), có cao trình đỉnh kè từ 2,5-3,5 mét và thiết kế mặt kè là đường dân sinh với quy mô đường cấp V đồng bằng, có bề rộng tối thiểu 5,5 mét. Mặt kè phía bờ sông gia cố bảo vệ bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn... Gói thầu này cùng với hệ thống đê kè bờ hữu sông Lệ Kỳ có trọng trách chống xói lở, giữ ổn định hai bên bờ sông, bảo vệ tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống ven sông Lệ Kỳ, bảo vệ diện tích canh tác và các cơ sở hạ tầng cũng như cảnh quan và môi trường trong khu vực...

Về đặc điểm địa hình của gói thầu, đoạn từ K0+ 34 đến K0+ 288 đã có mặt bằng nên việc thi công khá dễ dàng và hiện tại đã thi công về cơ bản. Đoạn từ K1+ 817 đến K4+ 598 bám theo tuyến đê cũ đã có, việc xây dựng chỉ gia cố phần chân đê và tấm lát phía sông, gia cố mặt đường bê tông đỉnh đê rộng 3 mét và bảo đảm cao độ theo thiết kế, phần phía đồng giữ nguyên vì chưa phải GPMB. Nhưng với đoạn từ K 0+ 387 đến K1+ 817 cần phải giải phóng mặt bằng. Đoạn này đê đi qua vùng hồ nuôi thuỷ sản của người dân ở phường Đức Ninh Đông nên theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi và PCLB, tiền đền bù khoảng 20,5 tỷ đồng...

Lo ngại chậm tiến độ công trình, thời gian qua chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cho phép thi công từng đoạn, những đoạn không phải GPMB hoặc GPMB ít tiến hành thi công trước, những đoạn phải GPMB sẽ tiến hành thực hiện công tác GPMB, khi nào xong sẽ tiếp tục thi công sau.

Ngày 19-10, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Trần Văn Tuân, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thi công tuyến kè này. Khi được chủ đầu tư báo cáo về số tiền GPMB, đồng chí Trần Văn Tuân đã không đồng tình với phương án đền bù, số tiền đền bù này và yêu cầu các sở, ngành liên quan, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì để thẩm định lại việc tính toán đền bù vì với số tiền như trên là quá lớn, tỉnh không thể "kham" nổi. Còn nếu đền bù với số tiền như thế thì phải tìm phương án thi công khác.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường  chủ trì cùng với một số sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra lại việc tính toán đền bù. Theo ông Lê Minh Ngân, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, những hồ nuôi của người dân có đủ điều kiện để đền bù khi GPMB và việc áp giá đền bù cũng thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Do đặc thù của GPMB hồ nuôi thuỷ sản, nếu diện tích còn lại không thể tiến hành nuôi trồng được cũng phải đền bù nên diện tích đền bù lớn và số tiền đền bù đội lên khá cao...

Vùng hồ nuôi trồng thuỷ sản mà tuyến kè sẽ đi qua cần GPMB.
Vùng hồ nuôi trồng thuỷ sản mà tuyến kè sẽ đi qua cần GPMB.

Trước tình hình trên, ngày 16-11, Văn phòng UBND tỉnh có công văn số 2197/VPUBND gửi Chi cục Thuỷ lợi và PCLB thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh, nội dung như sau: Đối với gói thầu xây lắp đê, kè và các công trình trên tuyến bờ tả sông Lệ Kỳ yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn các đoạn kè có mặt bằng thi công thuận lợi, không vướng mắc GPMB để triển khai thi công dứt điểm từng đoạn đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý, bảo đảm an toàn công trình theo hồ sơ thiết kế đã duyệt...

Chấp hành sự chỉ đạo này, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và PCLB đã sốt sắng tìm nhà thầu để cùng xem xét cụ thể thực tế hiện trường để tiến hành thi công tiếp. Nhưng đáng tiếc là khi chủ đầu tư, chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường thì lại vắng chủ thầu. Điện thoại chủ thầu cũng tắt lịm... Được biết, đến nay nhà thầu đã tạm ứng 20% giá trị gói thầu, trong khi mới thi công được khoảng 6% khối lượng công việc, tiến độ như vậy là quá chậm.

Cùng với những vấn đề trên, một câu hỏi đặt ra là đến khi nào mới thi công tiếp để tuyến kè bờ tả sông Lệ Kỳ liền mạch? Bởi vì khi tuyến kè này liền mạch mới có những tác dụng trong việc giữ ổn định hai bên bờ sông, chống xói lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống ven bờ sông Lệ Kỳ, bảo vệ diện tích đất canh tác và cơ sở hạ tầng trong khu vực... Đành rằng theo tiến độ, thời gian thi công tuyến đê này là 5 năm từ 2011 đến 2015 nhưng trong thực tế ngân sách tỉnh không thể có khả năng chi trả nguồn kinh phí lớn như vừa nêu ở trên để đền bù GPMB.

Từ thực tế tại dự án này có thể đặt ra một số vấn đề cần suy nghĩ. Đó là việc thực hiện các dự án mà vốn đối ứng (nói chung, kể cả tiền đền bù GPMB) từ ngân sách tỉnh lớn cần có sự cân nhắc thật kỹ, nhất là những dự án chưa thực sự cấp bách để tránh thi công dang dở làm lãng phí ngân sách (dù là ngân sách Trung ương). Những dự án dân sinh (như gói thầu vừa nói ở trên) rất cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, đặc biệt là người dân trong vùng hưởng lợi để cùng chia sẻ với tỉnh, huyện trong việc đền bù GPMB. Vấn đề nữa là tuân thủ quy hoạch, thiết kế nhưng cũng cần có những điều chỉnh cần thiết trong thiết kế nhằm né GPMB để công trình thực thi được trọn vẹn...

                                                                                 Văn Hoàng










 

,
.
.
.