Giúp nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi

Cập nhật lúc 16:02, Thứ Ba, 27/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông Phan Hồng Tân, Chủ tịch Hội nông dân xã Hóa Tiến (Minh Hóa) khẳng định “Với một xã miền núi như chúng tôi, đồng bào siêng năng, cần cù, chăm lo lao động, muốn vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ nội lực, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nhưng nông dân xã nhà đang rất khát vốn”.

Hội Nông dân xã Hóa Tiến có 500 hội viên đang sinh hoạt tại 8 chi hội cơ sở. Hóa Tiến là địa phương có quỹ đất khá rộng, phù hợp để phát triển các mô hình kinh tế nông- lâm kết hợp.

Năm 2012, toàn xã có 31 ha đất trồng lúa 2 vụ, năng suất lúa gần 47 tạ/ha, sản lượng 132 tấn. Diện tích ngô 23 ha, năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 133 tấn. Cây lạc luôn được người nông dân Hóa Tiến chú trọng phát triển, trở thành cây xóa đói giảm nghèo của xã với 117 ha, năng suất 17 tạ/ha, sản lượng 144 tấn. Nhiều hộ nông dân Hóa Tiến biết tận dụng diện tích đất trống đồi trọc để trồng rừng kinh tế, chuyển đổi sang trồng cây cao su. Hiện xã có 2.194 ha rừng khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ, 50 ha trồng cao su...

Chăn nuôi cũng trở thành một trong những thế mạnh của xã, tổng đàn gia súc, gia cầm và đàn ong tăng đều qua hàng năm. Toàn xã có 106 con trâu, 480 con bò, 1.100 con lợn, 2.635 con gia cầm và 222 đàn ong lấy mật. Nhiều hộ nông dân trong xã còn đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng việc mở rộng các loại hình dịch vụ như buôn bán hàng tạp hóa, quán ăn, nhà nghỉ, khai thác vật liệu xây dựng.
Nhờ phong trào phát triển kinh tế, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) mà Hóa Tiến có 41 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG cấp xã, 5 hộ đạt danh hiệu SXKDG cấp huyện và 2 hộ đạt danh hiệu SXKDG cấp tỉnh.

Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Đinh Minh Thành.
Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Đinh Minh Thành.

Những kết quả đó cho thấy người nông dân xã Hóa Tiến luôn năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư trí tuệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Điển hình trong phong trào nông dân thi đua SXKDG của xã là các hộ gia đình Phan Thanh Minh, Đinh Minh Thành, Đinh Thị Luyến, Đinh Thị Hiệp...

Lập gia đình từ năm 1987, vợ chồng anh Đinh Minh Thành và chị Đặng Thị Liệu (thôn Tân Tiến) phải trải qua rất nhiều ngành nghề khác nhau để kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn chật vật, khó khăn vì thiếu nguồn vốn, lại phải nuôi bốn đứa con trong độ tuổi ăn học. Năm 2006, từ kênh Hội Nông dân hỗ trợ 5 con lợn nái về nuôi làm giống, gia đình anh đã làm nên cơ nghiệp. Hơn một năm sau, đàn lợn nái của gia đình anh bắt đầu sinh sản. Năm mẹ lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 10 đến 12 con.

Trong năm đó, anh xuất bán  80 con lợn, trừ chi phí  gia đình thu lãi gần 40 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ nuôi lợn, anh Thành tiếp tục mở rộng hệ thống chuồng trại, phát triển thêm đàn lợn nái và lợn thịt. Đến nay, hệ thống chuồng trại của gia đình anh có quy mô rộng  500m2, hoàn toàn khép kín với  kinh phí đầu tư 150 triệu đồng. Duy trì đều đặn 14 con lợn nái, xuất bán 4 lứa lợn thịt mỗi năm (khoảng 50 con/lứa), và hàng trăm lợn giống khác, trừ chi phí còn lãi từ 100 đến 150 triệu đồng.

Chấp nhận gian khó trước mắt, ổn định lâu dài về sau là phương châm làm kinh tế của anh nông dân Phan Thanh Minh (thôn Yên Thành). Năm 2006, vợ chồng anh quyết định băng rừng vượt suối vào vùng Hung Ải lập trang trại với diện tích chừng 5 ha. Sau những khó khăn ban đầu, đến nay trang trại của anh đã thành hình hài với 400 cây gió trầm 6 năm tuổi, 700 gốc huê 5 năm tuổi và 2.000 gốc xoan 6 năm tuổi. Ngoài ra, trong trang trại còn trồng thêm 500 gốc chuối, 50 gốc đu đủ và cải tạo một ao cá rộng khoảng 500m2, đây là nguồn thu chính và là thực phẩm hàng ngày của gia đình anh, theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.

Đó là một trong hai điển hình nông dân SXKDG mà Hội Nông dân xã Hóa Tiến giới thiệu cho tôi tìm gặp trong dịp này. Ông Phan Hồng Tân bảo “Tính đến nay Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp cho hội viên vay gần 8,5 tỷ đồng rồi. Nhờ đó, chúng tôi đã tạo cơ hội cho nhiều hội viên có điều kiện để vươn lên, phát triển kinh tế, đa dạng hóa các loại hình ngành nghề”.

Điều quan trọng nhất ghi nhận tại Hội Nông dân xã Hóa Tiến là từ cách dám nghĩ, dám làm của các hội viên và sự hỗ trợ kịp thời của các cấp Hội, cấp ủy Đảng, chính quyền mà đời sống của người dân ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế của xã nhà đã đề ra.

                                                                          Xuân Vương






 

,
.
.
.