Giữ nghề cho làng

Cập nhật lúc 10:20, Thứ Năm, 27/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Không đăng ký thương hiệu cụ thể nhưng như ông cha ta thường nói "hữu xạ tự nhiên hương", nước mắm bà Thương từ chỗ chỉ quanh quẩn trong vùng đất Bảo Ninh (T.P Đồng Hới), giờ đã theo hơn 30 mối hàng đi đến khắp các chợ trên địa bàn tỉnh để đến tay các bà nội trợ trong những bữa cơm.

Bà sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống làm nước mắm. Từ nhỏ bà không nghĩ sau này mình sẽ theo nghề này. Trước đây, bà từng là kế toán cho trường Đảng của tỉnh. Năm 1977, khi trường Đảng của ba tỉnh Bình Trị Thiên nhập lại bà xin về nghỉ theo chế độ 176. Với số tiền trợ cấp ít ỏi, cuộc sống gia đình bà lúc này chỉ trông chờ vào những chuyến ra khơi của chồng.

Nghỉ ở nhà, tranh thủ với chiếc máy may, bà nhận hàng may áo quần cho bà con trong xóm. Với bàn tay khéo léo và sáng tạo, khách đến may ngày càng đông, có đồng vô đồng ra đã giúp bà đỡ đần thêm cho sinh hoạt gia đình. Hơn 10 năm theo nghề may, có biết đâu 1/3 quãng đời còn lại nghiệp đời của bà lại rẽ sang hướng khác. Bà lại quay về với cái nghề mà lâu nay ông cha bà vẫn theo đuổi chế biến nước mắm.

Bà Thương bên những mẻ nước mắm của mình. Ảnh: Bích Liên
Bà Thương bên những mẻ nước mắm của mình. Ảnh: Bích Liên

Lúc đầu do vốn còn ít, chưa có mối hàng bà không dám làm nhiều, một năm chỉ làm 2 tấn cá, sau tăng lên 5 tấn, 7 tấn. Dần dần bà tích luỹ được ít vốn và mối hàng ngày càng nhiều bà mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng số lượng cá lên 20-30 tấn. Và năm nay, cơ sở của bà thu mua với số lượng lên đến 60 tấn. Cá được bà chọn làm nguyên liệu sản xuất nước mắm là cá cơm và cá nục.

Trước đây, mua với số lượng ít thì bà phải ra tận bãi chọn cá.  Khi số lượng tăng lên thì cá về là chủ thuyền lại đưa vào tận nơi. "Có lúc tôi cũng suy nghĩ mua ít cá thôi để dành thời gian còn lại nghỉ ngơi nữa, nhưng cứ thấy con cá tươi xanh người ta mang vào tận nhà lại thấy say, rứa là cứ làm, không nghỉ được" -bà tâm sự.

Mùa vụ cá từ tháng 3 đến tháng 7, lúc này cá được thu mua về, tuỳ theo từng loại cá mà cho lượng muối vào trộn cho phù hợp, bà cho biết một điều đặc biệt là loại cá làm nước mắm không được ướp đá vì như thế sẽ làm mất đi vị ngon của nước mắm. Cá được ủ và quầy sau 6 tháng cho đến khi cá có mùi thơm và mịn là có thể đem gạn cho ra thành phẩm. Một tấn cá có thể cho ra 6 - 7 tạ nước mắm.

Theo giá thị trường hiện nay, 1 lít nước mắm loại 1 bà bán với giá 30 nghìn đồng, loại 2 là 15 nghìn đồng, loại 3 là 8 nghìn đồng. Với hơn 30 mối hàng từ khắp các chợ trong tỉnh, trung bình một ngày bà thu về khoảng 1-2 triệu đồng, ngày cao điểm có khi lên đến 3-4 triệu đồng. Hàng năm, trừ chi phí và trang trải cho sinh hoạt gia đình bà thu lãi từ 60-70 triệu đồng.

Hiện cơ sở của bà nhân công chính có vợ chồng bà và cô con gái phụ giúp, khi mùa vụ cá đến làm không kịp thì bà thuê thêm 5-7 nhân công.

Biển, con cá và làm nước mắm bao đời nay đã gắn liền với người dân Bảo Ninh, nhưng càng ngày cuộc sống càng đầy đủ hơn thì cái nghề làm nước mắm truyền thống này càng ít người làm. Bà tâm sự ;"Tuổi già rồi, tui cũng mong sao con cháu có đứa mô nó chịu theo nghề để truyền đạt lại cho nó, lúc đó tui mới yên tâm nghỉ được, chứ cái nghề của cha ông mà mất đi thì tiếc lắm...".

                                                                                                     Bích Liên

,
.
.
.