"Giữ lửa" cho ngành nghề và làng nghề truyền thống

Cập nhật lúc 11:04, Thứ Hai, 31/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT), cơ cấu mặt hàng và sản phẩm hàng hoá của các cơ sở sản xuất ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến theo hướng ngày càng đa dạng và phong phú hơn, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cho đến thời điểm này, tỉnh ta có khoảng 28.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (TTCN và NNNT), thu hút trên 55.000 lao động. Số cơ sở sản xuất TTCN và NNNT có xu hướng phát triển nhanh, bình quân hàng năm tăng trên 900 cơ sở.

Lực lượng lao động tăng gần 2.000 người/năm, tập trung chủ yếu ở các ngành: sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gỗ (chiếm 51%), chế biến nông-lâm-thủy-hải sản (chiếm 22%), xây dựng, dịch vụ vận tải và các ngành nghề khác (chiếm 27%). Theo số liệu từ Sở Công thương, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn toàn tỉnh năm 2010 đạt 1.117 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2005.

Cơ cấu giá trị sản phẩm ngành nghề nông thôn hiện nay chủ yếu tập trung vào một số ngành như: chế biến nông-lâm-thủy-hải sản chiếm 25%, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan và gốm sứ chiếm 48%, xây dựng vận tải và dịch vụ chiếm 20%, còn lại là các ngành xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để đạt được những con số nói trên, từ năm 2006 đến 2010, tỉnh ta đã đầu tư tổng nguồn vốn trên 260 tỷ đồng để khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó: đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm, điểm TTCN và làng nghề; 70 tỷ đồng cho việc thực hiện các dự án TTCN; 4,5 tỷ đồng hỗ trợ các dự án sản xuất; 13,5 tỷ đồng cho đào tạo nghề và 400 triệu đồng cho việc hỗ trợ đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm, tặng thưởng cho các làng nghề được công nhận đạt tiêu chí.

Ông Phan Văn Thường, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP về các huyện, thành phố trong tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển và chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN và NNNT giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, đến nay tỉnh đã triển khai quy hoạch chi tiết và tiến hành đầu tư xây dựng 11 cụm, điểm TTCN và NNNT với diện tích trên 120 ha. Trong đó có 8 cụm, điểm đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và 4 cụm, điểm đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 100% diện tích như: cụm TTCN Thuận Đức, điểm TTCN Tân Sơn, điểm TTCN Phú Hải và cụm TTCN Cảnh Dương.

Các cơ sở sản xuất VLXD tại địa bàn nông thôn đã áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hiền Chi
Các cơ sở sản xuất VLXD tại địa bàn nông thôn đã áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hiền Chi

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan và các huyện, thành phố triển khai Chỉ thị số 28 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển NNNT và phòng chống ô nhiễm làng nghề. Trong 5 năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng các làng nghề trên địa bàn đã được cải tạo và nâng cấp, góp phần giải quyết một phần vấn đề môi sinh, môi trường tại các địa phương. Qua đó, đã tiến hành di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại các khu dân cư vào sản xuất tập trung tại các cụm, điểm TTCN.

Trên lĩnh vực đào tạo nghề, thời gian qua, ngoài số lao động được đào tạo nghề tại các trường và Trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện, thành phố và tự đào tạo tại các cơ sở, thông qua chương trình khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư đã tổ chức được trên 100 lớp đào nghề cho khoảng 1.000 lao động. Các nghề đào tạo chủ yếu là mây tre đan xuất khẩu, mộc mỹ nghệ, thêu ren, nón lá và may đo quần áo. Đa số các lao động sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định tại các cơ sở sản xuất NNNT trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Thông tư 116 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 66 của Chính phủ, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, ngành liên quan xây dựng quy chế xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi và nghệ nhân theo tiêu chí.

Việc triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề được gắn với việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành nghề và xây dựng nông thôn mới theo từng giai đoạn với các nhiệm vụ chính là bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống hiện có, khôi phục các làng nghề bị mai một, phát triển và nhân cấy nghề mới gắn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Căn cứ vào tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh ta có khoảng 15 làng nghề truyền thống và 30 làng nghề. Cho đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 14 làng nghề và 9 làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề được công nhận có số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng, còn đối với làng nghề truyền thống là 20 triệu đồng.

Về các hoạt động ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sản xuất, hàng năm tỉnh đã tổ chức cho các doanh nghiệp, đơn vị ở địa bàn nông thôn tham gia các hội chợ trong tỉnh, các tỉnh bạn và nước ngoài như: Thái Lan, Lào, Campuchia  nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề đến người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại cơ sở, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp tại địa bàn nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong số này có 6 đơn vị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đó là: nhãn hiệu rượu Tuy Lộc, rượu Võ Xá, nước mắm Quy Đức, nước mắm Khánh Cường, dòng sản phẩm nước mắm Đồng Hới và khoai deo Hải Ninh (Quảng Ninh). Nhãn hiệu đang đợi được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm nước mắm của Hiệp hội nước mắm xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Sau khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hầu hết các sản phẩm này đã từng bước thâm nhập vào thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng khắp nơi biết đến.

Có thể nói, sau 5 năm đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định 66 của Chính phủ, nhiều ngành nghề, làng nghề và nghề truyền thống trên địa bàn đã được khôi phục và phát triển, không những đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, sự khởi sắc này còn cho ra đời những sản phẩm ngành nghề nông thôn phong phú và đa dạng.

                                                                                       Hiền Chi

,
.
.
.