.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Sáu, 10/01/2014, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh thuộc về Đại Việt, vùng đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay có tên gọi mới là châu Bố Chính, châu Lâm Bình và châu Minh Linh. Bố Chính, Lâm Bình cùng với Minh Linh trở thành vùng biên cương phía Nam của Đại Việt.

Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quân dân ở đây tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gay go và không kém phần ác liệt trước các cuộc xâm lấn của Vương quốc Chiêm Thành. Cuộc đấu tranh đó kéo dài suốt mấy thế kỷ, trải qua nhiều thời đại phong kiến khác nhau, song độc lập chủ quyền của đất nước không những được giữ vững mà còn góp phần mở rộng lãnh thổ về phía Nam, tạo nên non sông Việt Nam thống nhất ngày nay.

1. Cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương phía nam dưới thời nhà Lý

Đối với đất ba châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh, cụ thể là đối với vùng đất Quảng Bình ngày nay, Lý Thường Kiệt đã có công rất lớn. Ông là người khai canh đầu tiên, mở mang thôn ấp, giữ yên bờ cõi, đặt nền móng cho vùng định cư đầu tiên trên miền đất mới phương Nam. Một bộ phận rất lớn  người Quảng Bình đều có gốc gác từ những lớp người di cư do ông chiêu mộ, từ những đội quân thiện chiến do ông giữ lại làm ruộng "ngụ binh ư nông", cho nên khi ngày nay có người nói Quảng Bình có truyền thống yêu nước và người Quảng Bình có đặc tính năng động về quân sự, bởi lẽ, từ buổi sơ khai trang sử đầu tiên ở địa phương này, tự bản thân vùng đất đã có tầm chiến lược quân sự, tự con người đầu tiên đã đảm nhận "động vi binh, tinh vi nông" nhất định ảnh hưởng không ít đến con người Quảng Bình ngày nay.

Dưới thời Lý, nước Chiêm Thành chỉ mới mất ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, về mặt diện tích thì không lớn so với địa bàn rộng lớn của vương quốc Chiêm Thành. Thế nhưng, vùng đất ba châu ấy chiếm một vị trí chiến lược "yết hầu" cho cả nước Chiêm Thành sau đó. Cửa biển Nhật Lệ, đứng sau dãy Hoành Sơn, ngay từ buổi lịch sử sơ khai của Quảng Bình đã có vị thế vô cùng quan trọng. Lý Thường Kiệt , nhà chiến lược thiên tài, đã ra công xây dựng vùng dân cư Lâm Bình phên giậu cho sự an ninh ở phương Nam nước Đại Việt.

Từ sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thắng lợi (1076-1077) biên cương phía Bắc và phía Nam ổn định. Nhà Lý tập trung vào công việc xây dựng đất nước. Vào cuối thế kỷ XI và nửa đầu thế kỷ XII kinh tế nông nghiệp, công thương nghiệp tiếp tục phát triển. Trong nước nhân dân yên ổn làm ăn. Chính quyền phong kiến được củng cố, quốc gia thống nhất. Địa vị của nước Đại Việt với các nước láng giềng được đề cao. Năm 1164 nhà Tống phải công nhận nước ta là một quốc gia độc lập. Ở phía nam, nước Chiêm Thành và Chân Lạp thiết lập quan hệ ban giao, hoà hiếu.

Năm Quý Mùi (1103) Lý Giác - một quan chức của nhà Lý người Diễn Châu nổi lên làm phản. Lý Giác cho đắp thành Châu Diễn chống lại triều đình. Trước tình hình đó nhà Lý cử Lý Thường Kiệt đem quân đi dẹp loạn. Quân của Lý Giác thua chạy trốn vào Chiêm Thành. Lý Giác đã đầu hàng vua Chiêm là Chế Ma Na và xúi giục Chiêm thành đem quân cướp phá, lấy lại ba châu do Chế Củ đã dâng trước đây.
Về sự kiện này Đại Việt ký toàn thư chép "Quý Mùi (1103) mùa đông tháng 10, người Diễn Châu là Lý Gác mưu làm phản... việc tâu lên, vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua, trốn sang chiêm thành, dư đảng đều bị dẹp yên".

Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt lại một lần nữa xin vua được xuất quân đánh Chiêm Thành, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, mặc dù lúc này ông đã 84 tuổi. Với tài thao lược của một vị tướng đã từng nhiều lần đánh Tống, bình Chiêm, lại được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân ở ba châu Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh, chỉ trong một thời gian ngắn Lý Thường Kiệt đã đánh tan quân Chiêm lấy lại vùng biên cương phía Nam của đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt.

Trong lịch sử dân tộc Lý Thường Kiệt là nhà quân sự kiệt xuất có tài thao lược lỗi lạc, kết hợp tài chính trị và ngoại giao xuất sắc. Là một anh hùng dân tộc ông đã từng tổ chức và chỉ huy đánh tan quân xâm lược Tống bảo vệ nền độc lập của đất nước. Đối với lịch sử của vùng đất Quảng Bình, Lý Thường Kiệt là vị tướng tiên phong đã cùng với vua Lý Thánh Tông đánh bại Chiêm thành buộc Chế Củ phải dâng ba châu cho nước Đại Việt. Ông còn là người vẽ bản đồ vùng đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay vào bản đồ hành chính của nước Đại Việt, và cho đến lúc trước khi mất (1105) Lý Thường Kiệt còn cầm quân đánh tan đội quân Chiêm thành xâm lấn bảo vệ ba châu Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh trong lãnh thổ thiêng liêng của Đại Việt. Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt là vị tiên khai canh của Quảng Bình ở thế kỷ XI.

Sau cuộc tiến binh đánh Chiêm thành xâm lấn vùng đất ba châu Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh của Lý Thường Kiệt năm 1104, biên cương phía Nam được giữ vững. Triều đại Chiêm thành kế tiếp buộc phải thuần phục, nhưng họ không từ bỏ âm mưu chống phá nước Đại Việt. Chiêm Thành thường cho quân lính quấy phá miền biên ải, đặc biệt là các vùng cửa sông. Họ thường dùng thuyền nhỏ tấn công cướp phá các vùng ven biển, nhiều lần bị quân ta bắt giữ.

Tháng 7 năm Nhâm Tý (1132) một số quân Chiêm thành bị ta bắt giữ bỏ trốn về nước đến trạm Nhật lệ bị bắt lại và giải về kinh đô Thăng Long. Nhân sự việc ấy, Chiêm Thành cấu kết với Chân Lạp tiến công cướp phá thành Nghệ An. Vua sai thái uý Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hoá và Châu Nghệ An đánh tan quân giặc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ phía nam.

Ngay khi vừa nhập vào Đại Việt, dưới các thời đại nhà Lý những cư dân đầu tiên của Bố Chính và Lâm Bình đã phải tiến hành cuộc đấu tranh chống các cuộc xâm lấn của Chiêm thành để giữ vững biên cương phía nam của Tổ quốc. Các thế hệ người Quảng Bình đầu tiên vừa phải khai phá vùng đất mới, vừa phải chống giặc ngoại xâm, đó là đặc điểm lịch sử của quá trình khai thiết vùng đất Quảng Bình trong những ngày đầu trở về với Đại Việt. Do vị trí địa lý là vùng phên dậu phía nam của Tổ quốc cuộc đấu tranh bảo vệ biên cường vẫn còn tiếp tục trong một thời gian dài ở các triều đại tiếp theo.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)