.

Người Quảng Bình ở Bù Đốp...

Thứ Sáu, 06/12/2013, 15:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lịch sử của vùng đất Quảng Bình có bao chuyến đi vào nam lập nghiệp mà điển hình và mở đầu là chuyến đi mở cõi của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, thế kỷ XVII. Trong bài viết này xin được là một nhát cắt của những chuyến đi như thế, những chuyến đi trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đấy là những chuyến đi vì kế sinh nhai với hy vọng sẽ có những đổi thay trong cuộc sống vốn cơ cực nơi chôn nhau cắt rốn giai đoạn "hậu chiến" sau năm 1975...

 

Cửa hàng của chị Lương Thị Đào ở trung tâm thị trấn Bù Đốp.
Cửa hàng của chị Lương Thị Đào ở trung tâm thị trấn Bù Đốp.

Nói đến quãng thời gian này trong tôi chợt hiện lên...như một cuốn phim chiếu chậm. Sau giải phóng vài năm cuộc sống của người dân khó khăn dần. Hiển nhiên khó khăn nhất là nông dân, đói nhất cũng là nông dân.

Như một nghịch lý, nhưng cái thời ấy nó thế, lý giải để mọi người, nhất là thế hệ sau này hiểu quả là khó, phải nói dài, nhưng tựu trung lại là cơ chế bao cấp nó trói buộc mọi sự năng động sáng tạo của con người. Và cũng do quan liêu bao cấp mà có bao nhiêu chuyện trái khoáy bây giờ kể ra như chuyện hài mà cười ra nước mắt...Và ý tưởng di dân đi kinh tế mới cũng là một giải pháp trong nhiều giải pháp tìm lối ra cho thời kỳ khó khăn về kinh tế.

Anh Trần Văn Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, lúc ấy là nhân viên sở này nhớ lại, những năm 1979-1984 tỉnh Bình Trị Thiên có nhiều chuyến di dân đi kinh tế mới vào các tỉnh phía nam trong đó chủ yếu là Sông Bé (tỉnh Bình Phước và Bình Dương ngày nay), Lâm Đồng...

Ông Nguyễn Cừ, 73 tuổi quê ở thôn Tây, xã Dương Thuỷ, Lệ Thuỷ nhớ lại, năm 1984, làng có 4 hộ gia đình cùng đi, cả xã có khoảng 20 hộ...Đấy là một ngày đầu năm, trời còn rét, năm đó rét lắm, cái rét cuối cùng để rồi mãi sau này trên vùng đất phương nam không còn rét mướt...Tàu chợ chuyển bánh mang theo bao tâm trạng và bao điều chưa biết ở phía trước.

Ông Cừ tiếp tục câu chuyện, vào Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ) giữa núi đồi và cao su bạt ngàn, nhà cửa có sẵn, mỗi hộ một căn, công việc chính của những người đến tuổi lao động là làm công nhân cho các nông trường cao su ở đây. Mọi việc đều đã có Nhà nước lo, từ tiêu chuẩn gạo, mắm muối đến áo quần...

Cuộc sống bao cấp tiếp tục chi phối cuộc sống mới của những người xa quê. Nhưng nơi đây là rừng

Vườn cao su của gia đình anh Nguyễn Phu ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.
Vườn cao su của gia đình anh Nguyễn Phu ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.

thiêng nước độc, nhiều bệnh tật phát sinh. Có nhiều hộ gia đình đã không chịu được bệnh tật, buồn...đã "đào ngũ" trở lại Quảng Bình... Chính cái bao cấp, cuộc sống tạm đủ đã làm cho ý chí ra đi làm thay đổi cuộc sống (lúc ấy hình như chưa có ý thức làm giàu mà chỉ hy vọng khá lên chút ít) của nhiều người bị thui chột.

Anh Hoàng Văn Thắng, quê ở Xuân Thuỷ, Lệ Thuỷ cùng bố mẹ vào Bình Long từ năm 1980, nhớ lại, cuộc sống được bao cấp nên không mấy ai mở rộng đất đai để làm ăn lớn cho riêng cho mình, mặc dù đất đai bạt ngàn mà rất tốt. Thế rồi thời gian trôi đi, cơ chế chính sách thay đổi, đất đai như chật hơn và có giá hơn... Khi nhận thức ra vấn đề thì không còn nhiều đất đai nữa và những ai chỉ trông chờ vào Nhà nước bắt đầu thấy hối tiếc. Tất nhiên, cũng đã có nhiều hộ gia đình có đất, có cao su và với cơ chế mới họ đã trở nên khá giả. Nhưng ở Bình Long, hộ gia đình người Quảng Bình có đất đai để làm giàu không nhiều.

Từ Bình Long, theo tỉnh lộ, chúng tôi lại ngược lên Bù Đốp, một huyện khác của tỉnh Bình Phước. Anh Nguyễn Phu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), người xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tưởng chúng tôi tìm mua đất đai lập nghiệp anh chân thành: Vào đi, đất tốt mua không khó, chịu "chi" vài năm sẽ lại vốn thôi! Khi biết chúng tôi chỉ là dân "cày đường nhựa" anh hồ hởi kể chuyện làng, chuyện quê, chuyện làm ăn của bà con.

Anh cho biết nơi đây có khoảng 200 hộ người Quảng Bình sinh sống, tập trung ở các xã Thiện Hưng, Hưng Phước và Lộc Khánh. Đấy là con số sau gần 30 năm gắn bó với mảnh đất này của cộng đồng người Quảng Bình. Người dân Quảng Bình ở đây chủ yếu là các xã của huyện Tuyên Hoá, trong đó người xã Văn Hoá chiếm số đông. Riêng anh Phu, năm 1984 gửi "người yêu" vào trước theo các hộ gia đình đi kinh tế mới còn anh đang tại ngũ. Mấy lần về phép ghé vào đây thấy đất đai trù phú màu mỡ lại rộng rãi thoáng đãng chứ không chật hẹp như ở quê nên khi ra quân anh về lập nghiệp ở đây. Theo anh Phu, cuộc sống của người dân khi vào đây chủ yếu là đi cạo mủ cao su cho Nông trường Bù Đốp và vừa làm thêm nương rẫy.

Trong khoảng hơn chục năm lại đây giá cao su lên cao nên người dân tập trung trồng cao su tiểu điền trên những diện tích nương rẫy đã làm trước đó. Nhiều gia đình có 5-7 ha đã đến thời kỳ thu hoạch, gia đình ít thì cũng có 1-2 ha đủ để sinh sống...Trở lại khu trang trại anh Phu, hơn 5 ha gồm cao su, tiêu, cà phê tươi tốt, bạt ngàn trong vùng cao su của bà con xã Thiện Hưng. Khác với bà con Quảng Bình ở đây thường có vườn cao su khá xa chỗ ở, từ 10-15 km, còn vườn cây của anh rất gần nhà. Hỏi anh vì sao? Anh nói trước đây rẫy anh cũng xa nhưng tính đi tính lại anh đã bán rẫy xa để mua rẫy gần, tất nhiên chấp nhận thiệt chút ít!

Đường lên Bù Đốp.
Đường lên Bù Đốp.

Còn với ông Nguyễn Thái Diên, Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Bình xã Thiện Hưng, ngày xa quê dù đã 30 năm ông vẫn nhớ rõ, đó là ngày 25-12-1983. Ông cũng là người lính trở về, gia đình vợ con vào đây trước, còn ông mấy năm sau mới về. Sau khi rời quân ngũ vào Bù Đốp, ông tham gia làm cán bộ ở địa phương từ thôn đến bí thư đảng uỷ xã.

Ở tuổi 73 ông vẫn năng nổ công tác xã hội. Nói về bà con Quảng Bình, ông Diên cho biết: "Bà con gắn bó với nhau, mỗi khi nhà ai có việc dù vui hay buồn là người đồng hương kéo đến chia sẻ. Những phong tục tập quán của quê hương tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Còn chính quyền địa phương đã tạo những điều kiện rất thuận lợi cho bà con sinh sống, làm giàu. Đời sống tạm ổn, có nhiều gia đình đang khá lên từ cao su, tiêu".

Rồi ông Diên kể ra một loạt gia đình khá giả, ở Hưng Phước có anh Nguyễn Thái Bình Tý có ngót chục ha cao su, gia đình anh Nguyễn Văn Lai; ở Thiện Hưng có gia đình anh Lương Khắc Cử, anh Lê Ngọc Quế... Nhiều gia đình buôn bán cũng phát đạt như gia đình chị Lương Thị Đào, chủ cửa hàng bán đồ điện máy ở ngay thị trấn...

30 năm trôi qua, một thế hệ mới đã lớn lên, trưởng thành. Chị Lương Thị Mận, Chủ tịch UBMTQVN huyện Bù Đốp tâm sự, tôi là thế hệ thứ hai trên vùng đất này. Ngày vào Nam, tôi còn bé lắm, mới 13 tuổi, được ghép vào một hộ gia đình khác trong thôn để đi. Ngoài chị Mận có nhiều người thuộc thế hệ thứ hai đã là cán bộ chủ chốt ở nhiều địa phương của tỉnh Bình Phước.

Đất lành chim đậu, cuộc sống cứ tuôn chảy như mạch sông nước. Nhưng dù ở đâu, những người con đất Quảng Bình luôn cần cù chịu khó, vươn lên trong cuộc sống và vẫn đau đáu về quê hương...

Văn Hoàng