.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Công cuộc khai phá vùng đất mới Quảng Bình dưới các triều đại Lý, Trần, Lê

Thứ Sáu, 20/12/2013, 08:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm Quang Thuận thứ 10 tức năm Kỷ Sửu 1469, bản đồ được lập trong cả nước, phủ Tân Bình gồm hai huyện và hai châu; hai huyện là huyện Lệ Thuỷ và Khang Lộc; hai châu là Minh Linh và Bố Chính. Đời Lê Kính Tông đổi phủ Tân Bình thành phủ Tiên Bình.

Quảng Bình gồm huyện Lệ Thuỷ, huyện Khang Lộc và châu Bố Chính có các đơn vị hành chính như sau:

Huyện Lệ Thuỷ gồm 32 xã 1 thôn: Đại Phúc Lộc, Tuy Lộc, An Xá, Thuỷ Trung, Quần Cư, Ngô Xá, Tiểu Phúc Lộc, Xuân Hồi, Cổ Liễu, Quy Hậu, Uẩn Áo, Tâm Duyệt, An Trạch, Ái Nhân, Dương Xá, Phù Tông, Thạch Xá, An Chế, Phù Việt, Dân Duyệt, Ba Nguyệt Thượng, Ba Nguyệt Hạ, Hoà Luật, Hoắc Đặng, Thuỷ Lan Thượng, Thủy Lan Trung, Thuỷ Lan Hạ, Liêm Luật, Lê Luật, Thôn Miễn, Thuỷ Cần, Thuỷ Trung.

Huyện Khang Lộc (Quảng Ninh ngày nay) gồm 73 xã:  Cái Xá, Côn Bồ, Hoàng Khê, Quân Lý, Mai Xá, An Mễ, Phúc Lộc, Lộc Châu, Thạch Bồng, Tân Lệ, Chu Xá, Lỗ Xá, Phạm Xá, Lỗ Ngụy, Chương Trình, Lỗ Việt, Bùi Xá, Cao Xá, An Toàn, Vũ Khuyến, Đỗ Khúc, Thủ Thừ, Đỉnh Nại, Vũ Khả, Cao Ngạc, Phúc Lương, Hoành Tấn (Hoành Phổ), Hạ Duệ, Thượng Long, Hạ Long, Nguyệt Áng, Đặng Lỗ, Trường Dục, Phúc Diễm, Hiểm Phạm, Thạch Bồng, Trương Xá, Thượng xá, Hàm Nhược, Viễn Tuy, Trung Trinh, Đức Phổ, Hoàng Xá, An Thái, Chính Thuỷ, Văn La, Văn Yến, Minh Lý, Mật Sát, Phan Xá, Hà Cừ, Cừ A, Trung Sơn, Yêu Niễu, Lại Xá, Quất Xá, Thái Xá, Phúc Nhĩ, Tả Phan, Hữu Đăng, Lũ Đăng, Khâm Kỳ, Hoàng Đàm, Kim Lũ, Đô Nguyễn, Trung Quán, Ngô Xá, Trung Kiên, Lệ Kỳ, Hữu Bổ, Gia Cốc, Đặng Xá.

Châu Bố Chính gồm 68 xã: Hoành Sơn, Thuần Thần, Tồng Chất, Di Phúc, Đình Bồn, Tang Du, Thuỷ Vực, Lai Dương, Phù Lưu, Sùng Ái, Pháp Kệ, Hướng Phương, Hy Sơn, Lũ Đăng, Tiểu Đan, Đại Đan, Thổ Ngọa, An Bài, Đơn Sa, Trung Hoà, Tân Lang, Lễ Trung, Thanh Bào, Lỗ Cảng, Mai Trung, Bồ Khê, Cao Lao Thượng, Cao Lao Trung, Cao Lao Hạ, Vân Lôi, Thị Lễ, Kim Linh Thượng, Kim Linh Hạ, Thị Lạc, Trường Tùng, Biểu Lễ, Tân Lễ Thượng, Tân Lễ Hạ, Vĩnh Giao, Lệ Sơn Thượng, Lệ Sơn Hạ, Phù Trạch, Hải Hạc, La Hà, Khương Hà, Lương Xá, An Mỹ, La Kinh, Cự Nẫm, Vũ Lao, Uyển Trừng, Minh Trừng, Thanh Lăng, Kim Đô, Thông Bình, Câu Lạc, Cổ Than, Hoành Trung, Ba Đông, Lan Hương, Nam Liêu, Hoà Duyệt, Ma Co, Phúc Lộc, An Bần, Tùng Khát (Tùng Hát), Bạch Miễn, Đặng Đề, Di Luân (Khuất Phố).

So với đơn vị làng xã dưới thời Trần, phủ Tân Bình có 37 xã,  thời Lê lên tới 173 xã đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của xã hội Việt Nam và một bước tiến quan trọng trong công cuộc khai phá vùng đất Quảng Bình trong thời gian đó. Các cuộc di dân bắt đầu từ thời tiền Lê, qua các triều đại Lý, Trần, Hồ đến đời Hồng Đức đã có quy mô rộng lớn.

Tuy các xã có quy mô không lớn, dân không nhiều, công cuộc khai phá vùng đất này vẫn còn khó khăn, nhưng việc mở rộng công cuộc khai hoang, lập làng đã tạo nên hình hài cơ bản của Quảng Bình ngày nay. Theo bản đồ hành chính năm Quang Thuận thứ 10 (1496), Quảng Bình lúc đó có 3 trung tâm chính: huyện Lệ Thuỷ, huyện Khang Lộc tức vùng Quảng Ninh, Đồng Hới nay, Châu Bố Chính tức vùng Quảng Trạch, Bố Trạch ngày nay. Qua nhiều thời kỳ biến đổi nhiều tên làng thời ấy vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Cùng với công cuộc khai hoang, lập làng, kinh tế xã hội của vùng đất này ngày càng phát triển.

Về nông nghiệp, đây là ngành kinh tế chủ yếu của Tân Bình lúc bấy giờ. Ngoài vùng lúa ở Lệ Thuỷ, Quảng Ninh được khai phá dưới thời Trần, Tân Bình có thêm những cánh đồng ven biển ở vùng Bố Chính (Quảng Trạch, Bố Trạch).

Việc đắp đê ngăn mặn khai hoang làm ruộng nước ở phía bắc sông Gianh lúc này có thể kể đến các công trình của các làng ven sông Gianh như An Bài (Thuận Bài), Quảng Thuận, Quảng Trạch ngày nay. Vùng đất Bố Chính tuy đất rộng nhưng diện tích có thể canh tác ruộng nước ít, đất đai lại bị nhiễm mặn vì nằm hai bên các cửa sông gần biển, nhưng người dân Bố Chính lúc bấy giờ đã cần cù nhẫn nại đắp đê ngăn mặn tạo lập nên những cánh đồng lúa nước ngày nay.

Kinh tế nông nghiệp lúc này chủ yếu là trồng trọt, ngoài các cánh đồng lúa nước Tân Bình (Lệ Thuỷ - Khang Lộc) được khai phá dưới đời Trần, dưới thời nhà Lê diện tích được mở rộng ở châu Bố Chính ở những nơi có điều kiện dọc các con sông và đồng bằng ven biển.

Ngoài việc khai hoang làm lúa nước ở các vùng ven biển, vào thời này người dân Tân Bình đã định cư ở vùng đồi bán sơn địa khẩn hoang làm ruộng lập vườn. Ở châu Bố Chính vùng Bắc Gianh có thể thấy các làng Thuần Thần, Thuỷ Vực, Phù Lưu, Pháp Kệ, Lệ Sơn... ở Nam Gianh có Khương Hà, Cự Nẫm, Ba Động...

Cùng với việc trồng trọt, nhà Lê còn khuyến khích dân chúng trồng bông dệt vải và trồng dâu nuôi tằm. Ở một số có bãi bồi ven sông phát triển việc trồng dâu nuôi tằm, như ở hai bên bờ sông Gianh, sông Kiến Giang. Những làng trồng dâu nuôi tằm dệt lụa nổi tiếng lúc đó có làng Trường Lục - huyện Khang Lộc; Lệ Sơn - châu Bồ Chính.

Theo các biểu thuế chép dưới đời nhà Mạc thì trong thời kỳ này nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa trong phủ Tân Bình thì châu Bố Chính là nơi phát triển nhất. Ở đây hàng năm phải đóng thuế “lụa xanh 66 thước, lụa hoa 20 thước".

Ngoài việc trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, một số nghề thủ công khác gắn với nhà nông đã phát triển. Trong thời kỳ này có thể kể dến nghề làm chiếu hoa ở Đại Phúc Lộc - Lệ Thuỷ, gối hoa ở Đại Hoàng - châu Bố Chính.

Ngoài ra một số nghề tiểu thủ công khác như nghề làm nón ở Thuận Bài, nghề tre đan ở Thọ Đơn đã phát triển từ thời kỳ đó và lưu truyền, trở thành những làng nghề truyền thống đến ngày nay.

(Còn nữa)
Theo Địa chí Quảng Bình