.

Kỷ vật của người anh hùng

Thứ Hai, 16/12/2013, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước khi về với tổ tiên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phòm, ở bản Hà Vi (Dân Hóa - Minh Hóa) để lại cho con cháu một kỷ vật quý hơn cả những thứ vật chất khác. Đó là bức ảnh ông được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội trước khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng năm 1970.

 

Anh hùng Hồ Phòm bắt tay Đại tướng.
Anh hùng Hồ Phòm bắt tay Đại tướng.

Người Khùa đầu tiên được phong anh hùng

Người Khùa ở huyện Minh Hóa lâu nay vẫn luôn tự hào về một người con ưu tú của họ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người con đó là Hồ Phòm, ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa. Ông Hồ Phoong, con trai Hồ Phòm kể rằng: Cha ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống hiếu học và yêu nước. Học xong lớp 4, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Hóa.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1954 ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng vũ trang Công an tỉnh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Đến năm 1958, ông chuyển qua lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Nhiệm vụ của ông là làm trinh sát cho Bộ Tư lệnh.

Thời gian này, ông cùng với gia đình phải thực hiện chính sách “ba không”. Nghĩa là không để ai biết mình làm việc gì. Ai hỏi gì cũng nói không thấy và nói không biết. Bởi hàng ngày, ông phải đột nhập vào các đồn của địch như đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te gần đồn Cha Lo để nắm tình hình và quân số của địch. Lúc làm nhiệm vụ, ông phải nói tiếng Lào, mặc thường phục và đối mặt với muôn vàn nguy hiểm. Nếu để địch biết thân phận mình thì chắc chắn sẽ bị chúng bắn chết cả nhà hoặc bản thân phải tự sát để không lộ thân phận và bí mật quốc gia. Những hoạt động đó đã giúp lực lượng ta đánh tan đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te năm 1961, mở ra tuyến đường cho xe qua lại nước Lào.

Năm 1962, Hồ Phòm được cử đi học quân sự ở Trường Quân báo tại Trung Quốc. Gần 9 tháng sau, ông lại về nước rồi qua Lào làm cố vấn quân sự. Ngoài việc chuyên môn, ông còn phải trà trộn vào dân, đi sâu vào lòng địch để nắm tình hình và xây dựng căn cứ cách mạng; đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân không theo giặc, ủng hộ phong trào cách mạng của ta. Thời gian này, ông đã 2 lần cận kề với cái chết.

Đó là năm 1963, ông đến một nhà người dân theo cách mạng ở Lào. Gia đình này chỉ có bà mẹ và cô con gái đã lớn sống với nhau. Phát hiện có nghi vấn, địch đã huy động cả một sư đoàn đến bao vây rồi tra hỏi. Với bản lĩnh của mình, chàng trai người Khùa bình tĩnh dẫn cô gái Lào vào phòng giả vờ như tâm sự và sẵn sàng đối mặt với cái chết. Khi địch biết trong nhà có người lạ thì bà mẹ này nói: đó là chồng của con gái tôi.

Ông Phoong dẫn lại lời cha: “Lúc đó bỏ chạy chắc chắn sẽ bị bắn. Cũng may là ba có bề ngoài giống với người Lào và nói tiếng Lào thành thạo, không thì xong từ hồi đó rồi”. Lần khác, từ nước Lào về nhà ông bị kẻ thù phục kích, nhưng bằng bản lĩnh cũng như kinh nghiệm trận mạc đã giúp ông thêm một lần thoát chết.

Với những chiến công, đóng góp lặng thầm đó, năm 1969, ông vinh dự đại diện cho quân tình báo hoạt động ở Lào ưu tú ra Hà Nội dự một cuộc họp với quân biệt động Sài Gòn. Năm 1970, Hồ Phòm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trở thành người Khùa đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở huyện Minh Hóa được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Kỷ vật cho con

Trong chuyến đi Hà Nội năm 1969, Hồ Phòm vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại đây, ông được nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm chung với Đại tướng. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông đang bắt tay với Đại tướng, đứng bên cạnh còn có anh hùng Thái Văn A và Phạm Bá Hạt.

Bức ảnh Anh hùng Hồ Phòm luôn được con trai Hồ Phoong cất giữ cẩn thận.
Bức ảnh Anh hùng Hồ Phòm luôn được con trai Hồ Phoong cất giữ cẩn thận.

Hồ Phoong kể: “Ngày đó, bác Giáp dạy cha tôi rất nhiều điều. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của những người lính tình báo là hết sức quan trọng trong mỗi trận đánh. Đó là công việc hết sức khó khăn, nguy hiểm. Thậm chí phải chấp nhận hi sinh bất cứ lúc nào mà không cần phải ghi danh. Ngoài ra, Đại tướng còn đánh giá cao vai trò của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ và gìn giữ Tổ quốc”.

Năm 2000, người anh hùng trên đại ngàn Trường Sơn đã ra đi vì tuổi cao sức yếu. Hồ Phoong xúc động nói tiếp: “Trước lúc gần đất xa trời, cha có dặn tôi rằng: Ba đi mà chẳng có chút tài sản nào để lại cho con cháu. Gia tài của ba chỉ còn lại bức ảnh chụp chung với Đại tướng, con cố gắng giữ gìn để sau này cho con cháu xem nhé. Đồng bào mình có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, cách mạng, Bác Hồ, Đại tướng và những người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống. Vì vậy, con và dân bản mình phải biết công ơn to lớn đó. Giờ đất nước không còn chiến tranh, con phải một lòng theo Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước. Muốn no cái bụng thì phải chịu khó làm nương, làm rẫy. Muốn cái đầu thông minh thì phải học cho được con chữ Bác Hồ, muốn cuộc sống bình yên thì phải cùng các lực lượng chức năng quyết tâm giữ vững chủ quyền an ninh biên giới”.

Nghe lời dạy của cha, suốt cuộc đời Hồ Phoong luôn sống mẫu mực. Ông đã từng được dân tín nhiệm làm trưởng bản hơn 30 năm và làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Dân Hóa hơn 13 năm. Cũng từ khi bố ông mất, bức ảnh cha ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được ông giữ gìn cẩn thận và xem đó như là kỷ vật, là tài sản vô giá mà người cha kính yêu để lại cho con cháu.

“Khi nghe tin Đại tướng qua đời, tôi đã khóc cạn nước mắt vì thương tiếc và nhớ đến cha. Suốt mấy ngày diễn ra Quốc tang, tôi vẫn theo dõi qua ti vi rồi ôm lấy kỷ vật mà khóc. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ cha và Đại tướng tôi đều lấy ảnh ra xem. Và những lời dạy của cha, của Đại tướng tôi sẽ mãi ghi nhớ và làm theo”, Hồ Phoong chia sẻ.

Xuân Vương