.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Công cuộc khai phá vùng đất mới Quảng Bình dưới các triều đại Lý, Trần, Lê

Chủ Nhật, 05/01/2014, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Dưới thời đại nhà Lê, đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông hoạt động lập pháp được chú trọng và đẩy mạnh. Năm 1483, Lê Thánh Tông sai sưu tập tất cả các điều luật đã ban hành rồi bổ sung thêm và hệ thống hoá, xây dựng thành Bộ luật Hồng Đức.

Bộ luật này thi hành cho đến cuối thế kỷ XVIII và kể cả một số điều bổ sung thêm về sau gần 721 điều chia làm 6 quyển 16 chương. Đó là một bộ luật phức hợp bao gồm cả luật hình, luật hôn nhân, luật dân sự, luật tố tụng, nhưng tất cả đều trình bày dưới hình thức quy phạm hình luật (vì vậy thường gọi là Lê Triều hình luật).

Với Bộ luật Hồng Đức, nhà nước phong kiến lúc bấy giờ đã đặt việc cai trị theo pháp luật là một nhu cầu phát triển của chế độ trung ương tập quyền. Đời sống của nhân dân vì thế phải tuân thủ theo pháp luật. Phủ Tân Bình là một vùng đất mới nhưng không vì vậy mà việc thực hiện pháp luật lơi lỏng. Các gia phả dòng họ, các truyện ký khai khẩn ở các làng đều thể hiện khá rõ việc thực hiện các điều luật nhà nước kết hợp với quy ước, hương ước của địa phương. Đặc biệt trong Ô Châu cận lục còn phản ánh việc học luật ở một số địa phương ở phủ Tân Bình. Sách chép: "Huyện Khang Lộc xã Phúc Lộc anh em dạy nhau học luật".

Dưới các triều đại nhà Lê việc giáo dục thi cử được mở mang nhằm đào tạo nho sĩ và quan lại một cách chính quy. Nhà Lê cho mở Quốc tử giám và Thái học viện ở kinh thành để đào tạo tầng lớp quan lại cao cấp. Ở các địa phương có trường công và cả trường tư để mở rộng việc học khắp nước. Chế độ thi cử đi vào nền nếp, ở địa phương tổ chức kỳ thi Hương, ở kinh thành thi Hội ba năm mở một lần để tuyển chọn nhân tài. Nhà Lê hết sức đề cao tầng lớp nho sĩ và quảng cáo cho các kỳ thi đó.

Phủ Tân Bình là vùng đất mới so với các địa phương phía Bắc, nhưng cùng với sự khai thiết, phát triển kinh tế, việc học của vùng đất này dưới triều Lê đã có sự phát triển. Các hương ước, quy ước của các làng ở Tân Bình đều qui định rõ chế độ khuyến học.

Sách khai khẩn truyện ký của làng Cảnh Dương chép: "Hễ văn học là do từ mạch đất, từ sau hàng năm vào dịp xuân thu chọn lấy ngày tết thì viên mục, xã trưởng thông báo cho học trò trong làng chuẩn bị trước quyển, đến ngày ấy khảo hạch, nghiêm túc một vòng, ai làm thông văn lý, khá thông văn lý, từ trung bình trở lên thì thưởng giấy có sai biệt, ai dự trúng bảng thì cho du học, tha giảm việc quan. Nếu ai giả danh đến học, mà đi thi chẳng thông văn lý, thì bắt về chịu việc quan. Ai thi hương đỗ thủ khoa làng thưởng tiền 5 quan. Thi trúng giám sinh, thì làng đem thủ heo, rượu đến tận núi Chẽ, thôn Nam Khê rước về. Học trò ra khảo hạch tại bổn xứ, trung hạng nhất thưởng tiền 3 quan; tại bổn châu trung hạng nhất thưởng tiền 1 quan; hạch tại bổn phủ trung hạng nhất, thưởng tiền 1 quan, tiền thưởng lãnh tại Hương tích năm đó để trọng Nho đạo".

Chính nhờ chính sách khuyến học đó mà nhiều địa phương ở Phủ Tân Bình thời Lê, Mạc có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Nhiều địa phương ở Quảng Bình trở thành vùng đất văn vật từ truyền thống hiếu học của thời kỳ này. "Cao Lao, Thị Lễ nối nghiệp văn thơ... Phan Xá tiếng tăm văn vật". Các địa danh Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạ ở Bố Chính và Võ Xá, Văn La, Cổ Hiền, Kim Nại ở Khang Lộc, Lệ Thuỷ là những vùng đất văn vật lưu truyền trong lịch sử. Trong thời nhà Lê, Mạc nhiều người ở Tân Bình đỗ đạt ra làm quan, đặc biệt trong số đó có Dương Văn An đỗ đệ tam giáp tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547). Ông là soạn giả Ô Châu cận lục, một tác phẩm địa chí có giá trị về vùng đất Quảng Bình trở vào.

Dương Văn An tự là Tỉnh Phủ, người xã Tuy Lộc, huyện Lệ Thuỷ, sinh năm 1513. Năm 34 tuổi ông đã Đồng Tiến sĩ triều Mạc Phúc Nguyên. Sau đó ông từng giữ các chức quan: Lại khoa Đô cấp sự trung, rồi thăng lên đến chức Thượng thư, tước Sùng Nhâm hầu.

Ô Châu cận lục được ông viết vào năm 1553, được chia thành 6 quyển ghi chép về các chủ đề tài khác nhau. Đây là tác phẩm nghiên cứu, giới thiệu về địa lý tự nhiên xã hội và lịch sử vùng đất Ô Châu thế kỷ XVI của một học giả người Quảng Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của quá trình khai khẩn vùng đất Tân Bình thời bấy giờ.

Công cuộc khai thiết vùng đất Quảng Bình dưới các triều đại Lý, Trần, Lê diễn ra trong suốt 500 năm. Kể từ khi Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh của Chiêm thành nhập vào Đại Việt, nơi đây là vùng đất hoang sơ. Suốt 5 thế kỷ vừa đấu tranh chống xâm lược vừa đấu tranh với thiên nhiên, mảnh đất Quảng Bình trong lãnh thổ Việt Nam ngày càng trở nên giàu đẹp.

Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên nhiên không được ưu đãi, cuộc vật lộn để tồn tại và phát triển của những cư dân Quảng Bình được bắt đầu từ phía Nam nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để mở mang nghề trồng lúa nước. Những cư dân đầu tiên của Lâm Bình (Quảng Ninh, Lệ Thuỷ) với sự cần cù chịu khó đã khai hoang vỡ đất, tạo nên những cánh đồng hai huyện trù phú ngày nay. Không dừng lại ở đấy, công cuộc khai phá vùng đất phía bắc là Bố Chính được tiếp tục với nhiều gian nan vất vả, để có những cánh đồng hẹp, ven biển và một vùng đồi rộng lớn được khai hoang trồng trọt. Cùng với sự khai thiết, những làng xóm được lập nên hình thành những cộng đồng xã hội ngày càng đông đúc.

Kinh tế nông nghiệp chiếm địa vị chủ yếu (bên cạnh còn tàn dư của kinh tế săn bắt, hái lượm), các ngành nghề thủ công nghiệp dần hình thành và phát triển với mục đích phục vụ cho nghề nông mang tính tự cung tự cấp. Cùng với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp đã có bước phát triển mới, nhất là dưới các triều đại Trần và Lê. Cơ sở vật chất chưa phát triển, nhưng với việc hình thành các thị thành phong kiến, hệ thống giao thông, nhất là con đường thiên lý Bắc - Nam đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Tân Bình.

Cùng với kinh tế, văn hoá - xã hội ở trong năm thế kỷ Lý, Trần, Lê trên vùng đất Quảng Bình đã có những bước phát triển nhảy vọt, mang truyền thống văn hiến của dân tộc những cư dân đầu tiên của Quảng Bình đã đem đến đất mới những giá trị tinh thần của cha ông để tạo nên bản sắc riêng của một vùng đất. Đặc biệt đó là truyền thống hiếu học, yêu thương nhân ái, chung lưng đấu cật, đoàn kết cộng đồng để xây dựng vùng đất được khai phá.

Trải qua triều đại Lý đến Trần và Lê các thiết chế xã hội, chính trị được thiết lập và càng được củng cố. Các đơn vị hành chính được xây dựng hợp lý để bảo đảm cho việc quản lý của chính quyền phong kiến tập quyền.

Năm thế kỷ khai thiết chưa thể thay đổi được hình thái kinh tế-xã hội. Dưới chế độ phong kiến đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt công cuộc khai thiết đó lại diễn ra trong điều kiện chiến tranh liên miên chống các cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc, bảo vệ biên cương và mở mang lãnh thổ xuống phía Nam. Nhưng, những gì mà những cư dân Quảng Bình đầu tiên đã làm được trong năm thế kỷ lịch sử đầu tiên ấy có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử phát triển của Quảng Bình ở những năm tiếp theo.

Theo Địa chí Quảng Bình