.

Tấm lòng Đại tướng với nông dân quê nhà

Thứ Sáu, 03/01/2014, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phan Thanh Giảng (năm nay 73 tuổi, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) bồi hồi xúc động khi kể về những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói: “Cứ mỗi lần về quê, hay anh em cán bộ Hội Nông dân tỉnh ra Thủ đô Hà Nội công tác được vinh dự đến thăm là mỗi lần Đại tướng ân cần hỏi thăm tình hình đời sống bà con nông dân và căn dặn cán bộ Hội phải chăm lo đời sống, tìm tòi những mô hình hay, cách làm mới cho nông dân học hỏi và làm theo”.

 

Đại tướng cùng mẹ Nghèng tại rừng phi lao ở ven biển Quang Phú.  Ảnh: Tư liệu
Đại tướng cùng mẹ Nghèng tại rừng phi lao ở ven biển Quang Phú. Ảnh: Tư liệu

“Chú trọng làm tốt mô hình cho nông dân học tập...”

Vào những năm 1980, khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những lần về thăm quê, Đại tướng luôn dành nhiều thời gian để thăm những điển hình làm ăn tốt ở Quảng Bình và động viên mọi người học hỏi làm theo.

Là người được vinh dự nhiều lần gặp Đại tướng, ông Giảng vẫn nhớ như in những lời hỏi thăm, chỉ dạy của Bác. Ông bồi hồi kể lại: “Dịp bác Giáp vô thăm quê năm 1990, bác đã thăm Hội Nông dân tỉnh và  dành nhiều thời gian trò chuyện với cán bộ Hội. Bác nói tôi là tướng nhưng đã từng là chuyên gia dân cày. Quảng Bình  nằm trong vùng đất khắc nghiệt cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp còn chưa phát triển và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, để nông dân  ngày càng bớt khổ thì tổ chức Hội phải làm sao giáo dục nông dân chống cho được tư tưởng bảo thủ, ỷ lại. Phải vận động bà con làm tốt thủy lợi, thay đổi cây, con phù hợp để tăng hiệu quả sản xuất, từng bước giảm nghèo  và vươn lên làm giàu”.

Lần gặp để lại cho ông Giảng ấn tượng sâu sắc nhất là vào năm 2000, ông đưa đoàn đại biểu nông dân tỉnh ra Hà Nội dự hội nghị nông dân SX-KD giỏi toàn quốc. Đại tướng đã đến thăm chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm với đoàn nông dân SX-KD giỏi tỉnh. Hôm sau, ông Giảng đưa đoàn đến thăm, chúc sức khỏe Đại tướng tại tư gia. Khi đoàn vào nhà, Đại tướng bảo ông Giảng đến ngồi gần và ân cần hỏi: "Chú làm cán bộ Hội Nông dân có biết nông dân cần gì không”, Ông Giảng thưa với Đại tướng: “Thưa bác, cái cần đầu tiên là kiến thức. Có kiến thức kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới thay đổi được tư duy cũ và biết cách thức sản xuất mới hiệu quả cao hơn. Thứ hai là phải có vốn và sau nữa phải có mô hình tốt để nông dân xem, học hỏi và làm theo”.

Nghe xong, Đại tướng cười vui và dặn dò: “Chú hiểu vậy là rất tốt. Nhưng tốt hơn nữa là làm được điều mình nghĩ. Có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao để cho nông dân nhìn thấy học hỏi. Phải làm được điều đó để nông dân Quảng Bình đi lên nghe”.

Vâng lời Đại tướng, những năm làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Giảng khởi xướng những phong trào trong nông dân và có hiệu quả thiết thực. Để có kiến thức cho nông dân, ngoài những buổi tuyên truyền, Hội Nông dân còn in nhiều tài liệu, sách bỏ túi phát về tận cơ sở. Mỗi tháng mỗi kỳ cuốn “Những điều nông dân cần biết” mang kiến thức sâu rộng, nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi... đến cho người dân. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cơ quan tổ chức quay xổ số, giao lưu để  xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân”. Từ những bước ban đầu vài chục triệu đến vài trăm triệu, đến nay “Quỹ hỗ trợ nông dân” đã có vốn hàng trăm tỷ đồng, giúp cho hàng chục nghìn nông dân có vốn làm ăn, phát triển đời sống.

Nhiều mô hình nông dân làm kinh tế ra đời. Đó là mô hình chế biến hải sản ở Quảng Trạch; mô hình chăn nuôi tập trung ở Quảng Ninh; trồng rừng kinh tế ở Tuyên Hóa, trang trại vườn đồi ở Bố Trạch; mô hình lúa-cá ở Lệ Thủy. “Những năm sau đó, nông dân Quảng Bình luôn được đánh giá cao trong phong trào thi đua của cả nước. Mỗi lần ra Hà Nội thăm Đại tướng, kể lại cho Đại tướng nghe cách làm, mô hình là Đại tướng mừng lắm và chỉ bảo thêm cách làm ngày càng tốt hơn”- ông Giảng nhớ lại.

Ân tình trọn vẹn

Dù xa quê, nhưng Đại tướng luôn quan tâm đến bà con nông dân. Nghe tin mẹ Phạm Thị Nghèng (xã Quang Phú, TP. Đồng Hới) trồng rừng phi lao ven biển và có hàng trăm ha rừng chạy dọc ven biển. Năm 1999, Đại tướng đã về thăm. Đại tướng tặng quà và  hỏi thăm mẹ Nghèng như người anh cả chăm lo đến đứa em út trong nhà.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm gia đình Đại tướng (năm 2000).
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm gia đình Đại tướng (năm 2000).

Cùng mẹ Nghèng ra rừng phi lao, ngắm rừng phi lao trùng điệp chạy dọc đồi cát ven biển, Đại tướng  nói với mọi người: “Tôi cũng rất muốn được làm một người như mẹ Nghèng, được trồng những rừng phi lao trên vùng cát trắng”. Bà Phạm Thị Ngành (62 tuổi, trú tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới- là con gái của mẹ Nghèng) mân mê tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp với mẹ Nghèng tại rừng phi lao mà mẹ trồng suốt mấy chục năm. Bà Ngành nói trong nước mắt: “Khi nghe tin Bác Giáp mất, tôi thấy hụt hẫng và đau buồn. Cảm giác như tôi vừa mất đi một người Cha”.

Trong một lần thăm, Đại tướng hỏi ông Giảng: "Nghe tin rừng phi lao mẹ Nghèng bị chặt phá phải không”. Ông Giảng thưa là có việc người dân xã Nhân Trạch, Quang Phú có vi phạm việc bảo vệ rừng vì nghe tin giải tỏa rừng lấy đất cho sân bay. Nhưng sau đó, chính quyền khẩn trương vào cuộc, đã xử lý nghiêm khắc và không còn tái diễn nữa. Đại tướng hài lòng và nhắc nhở: “Cố gắng động viên nông dân phát triển trồng rừng, vừa làm tốt môi trường, hạn chế được thiên tai và cũng là làm kinh tế nông nghiệp”.

Người dân vùng đồi huyện Bố Trạch còn nhớ như in lần Đại tướng ghé thăm và khen ngợi ông Ngô Văn Lý (xã Cự Nẫm). Ông Lý là thương binh, về quê nhận đồi hoang phục hồi rừng dẻ và ươm giống cây gỗ huỵnh để trồng rừng. Giống cây huỵnh rất khó ươm. Nhiều chuyên gia ở Bộ Lâm nghiệp (lúc đó) ươm cũng không thành công. Vậy mà ông Lý làm được. Cây huỵnh từ vườn ươm của ông Lý cứ xanh mãi trên vùng đồi. Ông Lý còn cung cấp cây giống cho người dân các tỉnh lân cận. Đại tướng đến thăm tại nhà và khen ngợi: “Việc tiên phong nhận đồi hoang để phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc là xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Ươm được giống cây huỵnh và  chuyển trao kinh nghiệm cho cơ quan nhà nước là xứng đáng được ghi danh ‘tiến sỹ thực hành” như mọi người tôn vinh”.

Bây giờ, Đại tướng, mẹ Nghèng, ông Lý đã là người thiên cổ. Nhưng sự quan tâm, chỉ bảo của Đại tướng như đã thấm sâu vào tâm trí mỗi người. Trên quê hương Quảng Bình bây giờ đã có hàng nghìn điển hình nông dân tiên tiến, tỷ phú trang trại và đang tiếp tục làm giàu trên vùng cát trắng.

Tâm Phùng