.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 -2014):

Công cuộc khai phá vùng đất mới Quảng Bình dưới các triều đại Lý, Trần, Lê

Thứ Bảy, 14/12/2013, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ cuối đời Trần, triều đại phong kiến nhà Minh (Trung Quốc) lợi dụng sự suy yếu của nhà Trần đã tiến hành các hoạt động dò thám và khiêu khích chuẩn bị âm mưu xâm lược nước ta. Sang thế kỷ XV dưới triều Minh Thành Tổ (1402-1424), nhà Minh trở thành một quốc gia phong kiến giàu mạnh trên thế giới lúc đó.

Năm 1406, nhà Minh phái một đạo quân hộ tống đưa tên phản bội sống lưu vong trên đất Minh là Trần Thiên Bình về nước hòng dựng lên chính quyền tay sai, nhưng nhà Hồ đã đánh tan quân hộ tống bắt sống Trần Thiên Bình.

Cuối năm 1406, quân Minh phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, nhà Hồ chỉ chống cự được nữa năm. Đất nước ta lại rơi vào tay xâm lược phong kiến phương Bắc.

Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi kéo dài 10 năm cuối cùng đã giành được thắng lợi. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo tuyên bố nền độc lập của dân tộc. Triều Lê được thành lập - đây là giai đoạn phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến nước ta. Dưới triều Lê, kinh tế lại được phục hồi và phát triển. Công cuộc khai phá vùng đất Quảng Bình lại có bước phát triển mới.

Trong hơn hai mươi năm đô hộ của nhà Minh, đất nước ta bị tàn phá hết sức nặng nề. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà Lê bắt tay vào phục hồi kinh tế - một công việc cấp bách và trọng yếu hàng đầu. Để phục hồi nông nghiệp nhà Lê đã thi hành một số chính sách và biện pháp tích cực. Trước hết đó là việc đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang để lập đồn điều. Để chăm lo cho việc đắp đê, khai hoang phát triển nông nghiệp, nhà Lê đã đặt các chức quan hà đê sứ và khuyến nông sứ, củng cố hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp từ trung ương đến các địa phương. Lực lượng lao động chủ yếu trong các đồn điền là tù binh, tội nhân và một số quân lính đồn trú ở các địa phương.

Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang. Ảnh M.Q
Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang. Ảnh M.Q

Đến năm 1481 cả nước ta có 43 sở đồn điền phần lớn tập trung ở vùng đất mới khai phá ở phía nam. Các công trình khai hoang phục hoá của nhân dân ở các địa phương được đẩy mạnh, nhất là ở các vùng trung du và ven biển. Cùng với việc khai hoang phục hoá, lập đồn điền, nhà Lê đã coi trọng việc xây dựng đê điều và các công trình thuỷ lợi. Những công trình thuỷ lợi được xây dựng và quản lý chặt chẽ đã giữ vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi và phát triển nông nghiệp lúc bấy giờ.

Đối với ruộng đất, bắt đầu đời Lê, chế độ sở hữu nhà nước được mở rộng. Sau chiến tranh nhà Lê ra lệnh tịch thu ruộng đất của quan lại nhà Minh và bọn tay sai, điền trang thái ấp của quý tộc đã chết và ruộng bỏ hoang sang làm ruộng đất công. Nhà Lê sử dụng ruộng đất đó ban cho quý tộc quan lại làm lộc điền, một phần bổ sung vào ruộng đất của công xã để chia cho nông dân cày cấy theo chế độ quân điền. Kinh tế điền trang thái ấp dưới thời Trần được dần dần xoá bỏ.

Với việc xoá bỏ chế độ điền trang thái ấp, nhà Lê đã huỷ bỏ cơ sở của sự phân tán và cát cứ của các thế lực quý tộc, tạo điều kiện cho sự phát triển của chế độ trung ương tập quyền. Với chế độ lộc điền quyền lợi của tầng lớp thống trị mới được củng cố, đẩy mạnh sự phát triển của giai cấp địa chủ và thắt chặt sự lệ thuộc của tầng lớp này đối với nhà vua, chủ sở hữu tối cao về ruộng đất. Với chế độ quân điền, mọi người dân trong công xã đều được chia ruộng theo phẩm hàm, chức tước và địa vị xã hội. Người nông dân cày ruộng đất công thực chất là tá điền của nhà nước, phải nộp tô thuế và lao dịch cho nhà nước.

Với chế độ quân điền, nhà Lê một mặt vẫn bảo tồn công xã, nhưng mặt khác biến công xã thành cơ sở bóc lột của chính quyền phong kiến, biến thành viên công xã thành những người dân lệ thuộc vào nhà nước phong kiến. Nhà Lê một mặt vừa củng cố và bảo vệ chế độ sở hữu chế độ Nhà nước về ruộng đất, mặt khác vì lợi ích của giai cấp địa chủ nên mở rộng chế độ tư hữu ruộng đất. Từ chính sách ruộng đất đó, nhà Lê đã có những chủ trương đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang ở những vùng chưa khai phá trong đó có vùng Bố Chính (tức Bố Trạch, Quảng Trạch ngày nay).

Dưới các triều đại Lý, Trần, phần đất Quảng Bình ngày nay mới được tập trung khai phá ở phía nam trấn Tân Bình. Vùng đất phía bắc thuộc châu Bố Chính chưa được tập trung khai phá, vì vùng này đất đai không được phì nhiêu, điều kiện làm ruộng nước không thuận lợi như ở phía nam. Vùng đất Bố Chính đến thời này vẫn còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Vì vậy triều đại nhà Lê đã có chủ trương di dân, khai phá cùng Bố Chính với quy mô lớn.

Năm Đinh Hợi 1467, dưới triều Lê Thánh Tông, tham nghị thừa tuyên sứ Hoá Châu là Đặng Thiếp dâng sớ trình bày năm điều lợi:

1. Dựng đồn luỹ ở cửa Tư Dung
2. Lấp cửa Eo
3. Đào kênh Sen
4. Bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn.
5. Chiêu mộ những kẻ lưu vong đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính.

Trong 5 điều Đặng Thiếp tâu trình cho là có lợi, có 2 điều liên quan đến công việc khẩn hoang và phát triển kinh tế ở Quảng Bình. Việc đào kênh Sen trước đây Hồ Hán Thương cũng đã tính đến nhưng không hoàn thành được. Lần này, nhà Lê lại tiếp tục thể hiện quyết tâm mở mang vùng đất phía nam Quảng Bình, đồng thời có tính đến yếu tố quân sự cho việc vận chuyển quân lương vào phía trong. Việc chiêu mộ những người lưu vong vào khẩn hoang vùng Bố Chính phù hợp với chính sách khẩn hoang của triều Lê nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước.

Những nội dung Đặng Thiếp nêu lên đều được chấp nhận và Lê Thánh Tông đã có chiếu dụ: “Bố Chính đất rộng, ít dân cư, chạy đến tận châu Hoan (Hà Tĩnh ngày nay) và các quan lại hoặc dân chúng muốn khai phá thì sẽ thu được lợi lớn". Hưởng ứng chiếu dụ của vua Lê Thánh Tông, nhiều quan lại, dân tự do, binh lính đến đây định cư, khai hoang lập làng. Ngoài các thành phần trên còn có nhiều người bị lưu đày ở ngoại châu (phía bắc sông Gianh) và lưu viễn châu (phía nam sông Gianh) cũng tham gia vào việc khai phá vùng Bố Chính. Khác với vùng phía nam khi di dân vào châu Lâm Bình trước đây họ định cư lập ấp theo từng dòng tộc và tên làng mang tên của những dòng họ. Thành phần định cư ở vùng Bố Chính đa dạng hơn, một làng có nhiều dòng họ khác nhau, do đó không thấy những tên làng mang tên của một họ tộc như ở phía nam.

Theo gia phả của một số dòng họ để lại, việc di dân lập ấp dưới thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) đầu tiên là tập trung hai bên bờ sông Gianh. Từ phía thượng nguồn có thể kể đến là làng Lệ Sơn (Văn hoá - Tuyên Hoá); làng Lũ Phong (Quảng Phong), làng Hoà Ninh (Quảng Hoà) Quảng Trạch ngày nay. Phía nam đèo Ngang dọc đường thiên lý đã có nhiều cư dân phía bắc vào khai canh lập nên những “phường”, những “kẻ” như kẻ Càng (Quảng Kim), kẻ Xã (Cảnh Dương), kẻ Sóc, kẻ Chài (Quảng Phú), kẻ Đại, kẻ Nương (Quảng Xuân)... phía nam sông Gianh có thể thấy các làng Bồ Khê (Thanh Trạch), Cao Lao Thượng, Cao Lao Hạ, Cao Lao Trung (Bắc Trạch), Khương Hà, Cự Nẫm ... thuộc huyện Bố Trạch ngày nay.

Những cư dân định cư ở châu Bố Chính dưới thời Lê Thánh Tông thường tập trung ở những vùng có đất đai canh tác, bãi bồi ven sông nhưng cũng có làng được hình thành trên địa bàn ở các cửa sông, vùng ven biển thuận tiện cho nghề chài lưới. Từ những vùng dân cư này, địa bàn cư trú dần dần lan toả lên phía tây và phủ khắp địa bàn trong toàn châu Bố Chính.

Việc khai phá châu Bố Chính dưới thời Lê, cùng với việc khai phá châu Lâm Bình (Tân Bình) trước đây, đến lúc này công cuộc khai thiết đất Quảng Bình ngày nay đã được hoàn thành về cơ bản.

(Còn nữa)

Theo Địa chí Quảng Bình