.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 -2014):

Công cuộc khai phá vùng đất mới Quảng Bình dưới các triều đại Lý, Trần, Lê

Thứ Bảy, 07/12/2013, 09:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với vùng đất Quảng Bình bao gồm hai châu Bố Chính và Lâm Bình dưới thời nhà Lý đã trở thành lãnh thổ của nước Đại Việt, nhưng công cuộc khai phá chỉ mới bắt đầu, chưa có điều kiện mở rộng. Sang đời Trần cùng với nền kinh tế được phục hồi và phát triển, chính sách điền trang đã tạo điều kiện cho việc khai phá vùng đất Tân Bình với quy mô rộng lớn. Cùng với những dòng họ của các cư dân đã định cư dưới thời nhà Lý, các cuộc di dân dưới thời Trần  đã diễn ra ồ ạt hơn.

Đặc biệt vai trò của các quan lại, quý tộc nhà Trần khi vào định cư ở đây đã tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô khai phá, lập ấp, dựng làng, phát triển kinh tế vùng đất mới. Trên đất Tân Bình đã xuất hiện một số điền trang của các quý tộc, quan lại và cùng với các điền trang đó kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp đã có những bước phát triển mới. Điển hình trong số các điền trang đó có điền trang Tiểu Phúc Lộc thuộc huyện Nha Nghi, trấn Tân Bình của Hoàng Hối Khanh được xây dựng và phát triển ở vùng kinh tế quan trọng thuộc huyện Lệ Thuỷ ngày nay.

Hoàng Hối Khanh, người gốc Yên Định - Thanh Hoá đỗ Thái học sinh vào năm 1384 dưới thời vua Trần Phế Đế. Sau đó ông được bổ nhiệm là Thư sử cung Bảo Hoà, là một người văn võ song toàn, được triều đình tin dùng, một năm sau ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Nha Nghi - trấn Tân Bình (Lệ Thuỷ ngày nay).

Khi vào đến Nha Nghi, Hoàng Hối Khanh chọn vùng sông Kiến Giang đặt huyện sở. Nơi đây đất đai phì nhiêu, sông núi hài hoà, lại có thành Ninh Viễn trước đây Chiêm Thành đã xây dựng rất thuận lợi cho việc bố phòng.

Theo gia phả của các dòng họ ở địa phương để lại, khi ổn định công việc huyện sở xong, Hoàng Hối Khanh trở ra châu Hoan, châu Ái (Thanh Hoá, Nghệ An) đưa 12 dòng họ vào định cư lập làng. Theo chế độ điền trang, Hoàng Hối Khanh còn chiêu mộ những người phiêu tán, không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng đất lập điền trang.

Sau những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên, người phiêu bạt nhiều, người vào điền trang của ông ngày càng đông. Điền trang Tiểu Phúc Lộc của Hoàng Hối Khanh bao gồm một vùng đất rộng lớn của các xã Lộc Thuỷ, Liên Thuỷ, Phong Thuỷ, Trường Thuỷ và thị trấn Kiến Giang ngày nay. Số nô tỳ ngày càng đông, quy mô điền trang Tiểu Phúc Lộc càng được mở rộng. Sau khi khai khẩn được hàng trăm mẫu ruộng, Hoàng Hối Khanh đã chia cho 12 dòng họ và một số nô tỳ.

Một thời gian sau ông chủ trương giải phóng nô tỳ, cho họ trở thành những nông dân tự do. Việc chia ruộng đất cho các dòng họ và giải phóng nô tỳ biến họ thành những nông dân tự do đã thúc đẩy lực lượng sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Với điều kiện đất đai phì nhiêu, thuỷ lợi thuận lợi, vùng đất Kiến Giang trù phú dần dần trở thành vựa lúa của trấn Tân Bình.

Cùng với nông nghiệp các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển để phục vụ sản xuất và đời sống. Phan Xá, Hoàng Giang nghề rèn phát triển, chuyên sản xuất nông cụ như lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao rựa, liềm hái và cả gươm giáo. Nhà Mòi (Xuân Lai, Mai Hạ) chuyên trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông dệt vải, sản xuất tơ lụa. Nhà Ngo (Uẩn Áo) chuyên sản xuất đồ gốm, gạch ngói, nung vôi, phục vụ cho việc xây dựng, Cư Triền (làng Chền - Quảng Cư) chuyên nghề mộc, nghề chạm trổ và nghề thợ nề... Các làng nghề truyền thống này đã thúc đẩy cho sự phát triển thủ công nghiệp trong toàn huyện.

Việc xây dựng điền trang Tiểu Phúc Lộc đã thúc đẩy phát triển kinh tế trong toàn trấn, nhưng quan trọng hơn, Hoàng Hối Khanh đã dựa trên cơ sở đó để xây dựng một tiềm lực quân sự địa phương vững mạnh.

Ông thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến khích mọi người cùng làm cùng hưởng, tích trữ quân lương phòng khi có chiến tranh. Trong huyện và trong điền trang của mình ông chăm lo luyện tập quân lính, sẵn sang tham gia chiến đấu khi chiến sự xẩy ra. Dưới thời Trần vẫn áp dụng chế độ "ngụ binh ư nông" nên khi có chiến tranh, mọi người dân đều là lính. Quân đội, kể cả lực lượng của các trấn, lộ và vương hầu đều được xây dựng theo phương châm "binh lính cốt tinh nhuệ, không cốt nhiều". Chính vì vậy mà lực lượng quân đội của Hoàng Hối Khanh khi ông làm Tri huyện Nha Nghi đã đóng góp nhiều cho các cuộc chiến tranh, bảo vệ biên cương phía nam cho Đại Việt.

Sau này khi Hoàng Hối Khanh được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương khác, nhân dân vùng sông Kiến Giang vẫn coi ông là vị Tiền khai khẩn của vùng đất Lệ Thuỷ ngày nay.

Cùng với việc phát triển các ngành nghề kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các đường giao thông vận tải phát triển tạo điều kiện cho việc mở mang ngành thương mại trên đất Bố Chính và Tân Bình. Khi triều Trần suy vong, triều Hồ được thiết lập đổi Tân Bình làm trấn Tây Bình. Nhận thấy vị trí quan trọng của Tây Bình trong việc bố phòng và mở mang bờ cõi về phía Nam nhà Hồ đã chú trọng mở mang đường sá từ Tây Đô (Thanh Hoá) qua Tây Bình đến Thuận Hoá, đặt tên là đường “thiên lý”.

Tuyến đường thiên lý bắc nam qua vùng đất Bố Chính, Tây Bình được hình thành tạo điều kiện cho việc giao thông vận tải thuận lợi. Dọc đường thiên lý nhà Hồ cho đặt nhiều phố xá để truyền thư và các cơ sở thương mại vì vậy dần dần hình thành. Bên cạnh hệ thống đường bộ, vận tải đường sông cũng được phát triển. Trên đất Bố Chính và Tây Bình có 5 con sông lớn có thể phát triển vận tải đường sông. Để đi vào phía trong, nhà Hồ đã cho đào kênh Sen (Liên Cảng) ở vùng Lệ Thuỷ ngày nay để khai thông từ Tây Bình đến Thuận Hoá. Cùng với việc phát triển giao thông đường sông, nghề đóng thuyền được phát triển.

Dưới thời đại nhà Trần và tiếp sau đó là thời Hồ quan hệ hàng hoá, tiền tệ bắt đầu phát triển. Đơn vị tiền tệ và một số đơn vị đo chiều dài, đo diện tích được nhà nước quy định thống nhất. Một số thuế được thu bằng tiền như thuế nhân đinh, thuế bãi dâu, ruộng muối. Theo Annam Chí lược, năm 1417 ruộng đất cả nước (trừ Thăng Hoà) có 17.442 khoảnh (khoảnh = 100 mẫu), 34 mẫu; gạo thu được là 73.549 thạch, 4 thăng; dân số 162.558 hộ với 450.288 dân binh.

Riêng phủ Tân Bình có 37 xã, 2.132 hộ, 4.738 khẩu. Ruộng đất dân là 27 khoảnh, 56 mẫu 7 sào, gạo lương mùa hạ, mùa thu là 133 thạch 9 hộc, tơ 9 cân 13 lạng 4 đồng cân, tiền thuế quan phòng là 1000 quan.

Dưới các triều đại phong kiến nhà Trần, công cuộc khai phá vùng đất Quảng Bình đã có nhiều bước tiến mới, đặc biệt ở vùng phía nam là trấn Tân Bình. Với chế độ điền trang, công cuộc khẩn hoang được tiến hành trên quy mô lớn, kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển. Cùng với nông nghiệp các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải đã dần dần hình thành và phát triển theo. Là vùng đất chịu nhiều cuộc chiến tranh, vì vậy công cuộc khai thiết còn gặp nhiều khó khăn. Sự nghiệp khai phá Quảng Bình vẫn được tiếp tục đẩy mạnh dước các triều đại phong kiến nối tiếp.

(Còn nữa)
 Theo Địa chí Quảng Bình