.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 -2014):

Công cuộc khai phá vùng đất mới Quảng Bình dưới các triều đại Lý, Trần, Lê

Thứ Sáu, 22/11/2013, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau sự kiện 1069 ba châu Bố Chính, Địa Lý (Quảng Bình) và Ma Linh (bắc Quảng Trị) nhập vào Đại Việt, các triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu tổ chức những đợt di dân lập ấp, khai phá vùng đất mới, thực hiện chủ quyền trên lãnh thổ của mình. Công cuộc khai thiết vùng đất Quảng Bình bắt đầu từ dưới triều đại nhà Lý phát triển sang nhà Trần và Lê đã có những biến đổi quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trở thành một bộ phận trong lãnh thổ thiêng liêng của nước Đại Việt.

Sự kiện 1075 - Bố Chính, Lâm Bình (Quảng Bình ngày nay) trở thành những đơn vị hành chính của Đại Việt. Năm 1072 vua Lý Thánh Tông từ trần. Vua Lý Nhân Tông nối ngôi mới bảy tuổi. Tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn. Phía bắc, sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thời Tiền Lê (981) nhà Tống vẫn chưa chịu từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Lần này nhà Tống chuẩn bị cuộc chiến tranh một cách rất thận trọng. Chúng tập trung xây dựng các căn cứ quân sự lớn bao gồm cả bộ binh và thuỷ binh,  tích trữ lương thực tại thành Ung Châu (Quảng Tây) và cửa biển Khâm Châu, Liên Châu (Quảng Đông) để chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh.

Phía nam, sau khi vua Chiêm là Chế Củ đã dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho nước ta, triều đại các vua Chiêm kế nghiệp không ngừng cho quân quấy rối biên giới phía nam, đồng thời âm mưu phối hợp với quân Tống tiến công xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, triều đại nhà Lý buộc phải tiến hành cuộc tiến công tự vệ để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược. Lý Thường Kiệt nói: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc". Quán triệt tư tưởng chiến lược đó, triều đình nhà Lý đã tổ chức hai cuộc chiến tranh tiến công để tự vệ từ hai phía.

Phía nam, tháng 8 năm Ất Mão (1075) Lý Thường Kiệt chỉ huy quân sĩ tiến đánh Chiêm Thành và vẽ bản đồ ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Phía bắc, 27 tháng 10 năm Ất Mão (1075), đạo quân của Lý Thường Kiệt vượt biển đánh chiếm cửa biển Khâm Châu và Liên Châu, tiến vào vây hãm thành Ung Châu. Sau hơn 40 ngày chiến đấu anh dũng, quân ta phá thành Ung Châu. Lý Thường Kiệt cho quân triệt hạ thành trì, tiêu huỷ kho tàng lương thực và các cơ sở, phương tiện quân sự của địch rồi nhanh chóng rút quân về nước.

Cửa Đông soi bóng hồ thành. Ảnh: T.H
Cửa Đông soi bóng hồ thành. Ảnh: T.H

Cuộc tiến công tự vệ trên cả hai mặt trận phía bắc đánh Tống, phía nam bình Chiêm đã làm suy yếu lực lượng địch, cổ vũ khí thế quân dân góp phần đánh bại quân xâm lược Tống cuối năm 1076 trên  phòng tuyến sông Cầu. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thắng lợi, độc lập chủ quyền được giữ vững, triều đại nhà Lý được củng cố, tạo điều kiện xây dựng đất nước, trong đó có việc ổn định khai phá vùng đất mới phía nam thuộc Quảng Bình ngày nay.

Sau khi vẽ bản đồ ba châu Bố Chính, Địa lý và Ma Linh trở về, triều đình nhà Lý quyết định đổi tên các châu của Chiêm Thành trước đây, chính thức thành lập các đơn vị hành chính của Đại Việt. Đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và bắt đầu chiêu mộ dân chúng đến khai hoang, lập ấp. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của việc khai phá vùng đất Quảng Bình thuộc nước Đại Việt. Như vậy là kể từ năm 1075 đã có những cư dân Đại Việt di cư vào khai phá vùng đất Quảng Bình theo sự chiêu mộ của triều đình nhà Lý. Việc chiêu mộ dân đến ở vùng đất mới, nhà Lý một mặt muốn khai phá vùng đất mới, nhưng quan trọng hơn là tạo ra một lực lượng bảo vệ vùng biên cương phía nam vừa mới nhập vào Đại Việt và cũng từ đây sẽ là bàn đạp mở rộng lãnh thổ của các triều đại phong kiến Việt Nam về phía nam.

Dưới các triều đại nhà Lý, chính quyền rất coi trọng phát triển nông nghiệp. Công cuộc khẩn hoang được tiến hành trên quy mô lớn. Những người dân phiêu bạt đi các nơi trở về đều được nhận ruộng, nhận đất cày cấy. Chính quyền chủ trương giảm miễn tô thuế cho dân chúng khi bị mất mùa, nghiêm cấm việc giết mổ trâu bò để bảo vệ sức kéo cho sản xuất. Ở miền Bắc hệ thống đê điều được xây dựng và củng cố. Chính vì vậy việc khai phá vùng đất mới ở Bố Chính và Lâm Bình đã được triều đình nhà Lý quan tâm ngay từ vùng đất này thuộc chủ quyền của nước Đại Việt. Việc khai phá Quảng Bình được bắt đầu từ vùng đất phía nam - châu Lâm Bình.

Với điều kiện địa lý đất đai thuận lợi vùng đất Lâm Bình (Quảng Ninh - Lệ Thuỷ ngày nay) nhanh chóng phát triển trở thành một vựa lúa của Quảng Bình sau này. Ngoài ý nghĩa về kinh tế, phía nam Quảng Bình tức là Lâm Bình cùng với Minh Linh (phía bắc Quảng Trị ngày nay) còn có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, là vùng đất giáp giới với nước Chiêm Thành lúc bấy giờ. Vì vậy, nhà Lý đã quan tâm đến việc di dân, khai hoang lập ấp tạo chỗ đứng chân bảo vệ biên cương phía nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách “ngụ binh ư nông” của triều đại nhà Lý.

Trong quá trình xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, nhà Lý phải luôn đối phó với nguy cơ xâm lược từ bên ngoài cả phía bắc và phía nam. Do đó, việc chăm lo xây dựng lực lượng quốc phòng là vấn đề sống còn của quốc gia. Dưới thời nhà Lý việc quản lý hộ khẩu, nghĩa vụ binh dịch và tuyển binh rất chặt chẽ. Dân đinh làng từ 18 đến 20 tuổi gọi là hoàng nam; từ 20 đến 60 tuổi gọi là đại hoàng nam, đó là những dân đinh có nghĩa vụ quân dịch và đăng ký vào sổ quân. Nhà Lý có chính sách không lấy hoàng nam làm nô tỳ. Lực lượng này khi hoà bình làm ruộng, khi có chiến tranh, cần động viên quân thì dựa vào sổ quân để tuyển quân.

Chính sách đó đã cho phép nhà Lý huy động lực lượng lớn quân đội cho chiến tranh, nhưng trong hoà bình lại không phải nuôi một lực lượng to lớn quân thường trực. Những cư dân đầu tiên vào Lâm Bình cũng đã được tập hợp thành những cụm dân cư vừa khai phá vùng đất mới, đồng thời là những đơn vị chiến đấu khi chiến tranh xẩy ra. Những cụm dân cư đó còn mang yếu tố của những dòng họ đầu tiên đến khai phá ở vùng đất phía nam mà đến nay còn để lại nhiều tên làng, xã như Trần Xá, Lê Xá, Ngô Xá, Mai Xá...

Với sự kiện 1075, Quảng Bình trở thành phần đất thiêng liêng của Việt Nam với hai đơn vị hành chính là Bố Chính và Lâm Bình của nước Đại Việt thời Lý. Những cư dân Quảng Bình đầu tiên theo lời chiêu mộ của Lý Nhân Tông đã đến đây để khai phá vùng đất mới và bảo vệ phần lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền. Cuộc sống của những cư dân đầu tiên trên mảnh đất này rất vất vả và khó khăn. Họ bắt tay vào công cuộc khai hoang lập ấp trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đất đai chưa được thuần thục.

Hơn nữa, nơi đây là vùng biên ải, nhiều cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành xẩy ra trong nhiều thế kỷ kế tiếp. Nhưng với sức sống của những người dân Quảng Bình, họ đã vượt qua tất cả để tồn tại và phát triển, xây dựng non sông giàu đẹp như ngày nay. Sự nghiệp khai phá mới được bắt đầu dưới thời Lý và còn tiếp tục qua các thời đại kế tiếp.

(Còn nữa)

Theo Địa chí Quảng Bình