Quảng Bình hình thành năm nào? - Kỳ 3

Cập nhật lúc 07:49, Thứ Ba, 14/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trên cơ sở kết quả của hội thảo khoa học, có thể nhận thấy rằng, việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận năm 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình và quyết định tổ chức  “Lễ kỷ niệm 410 năm Quảng Bình hình thành và phát triển” vào năm 2014 là phù hợp với lòng mong đợi của nhân dân.

>> Quảng Bình hình thành năm nào? - Kỳ 1

>> Quảng Bình hình thành năm nào? -  Kỳ 2

Nhóm quan điểm đề xuất lựa chọn mốc 1831

 

Quảng Bình quan. (Nguồn: Internet)
Quảng Bình quan. (Nguồn: Internet)

Nhóm quan điểm này đề xuất lựa chọn trên tiêu chí chỉnh thể của cả tên riêng “Quảng Bình” và cả phiên hiệu hành chính “Tỉnh” (tỉnh Quảng Bình).

Trước khi đưa ra quan điểm về lựa chọn mốc 1831, cũng cần tìm hiểu một vài sự kiện diễn ra trong giai đoạn từ sau 1604 đến mốc lịch sử này.

Năm 1633, Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế sai tướng Nguyễn Đình Hùng đem quân đánh chiếm Nam Bố Chính, thống nhất vùng đất phía Nam Quảng Bình ngày nay dưới tên gọi dinh Quảng Bình.

Vào năm Tân Dậu 1681, thế tổ Cao hoàng đế Thái Tông Nguyễn Phúc Tần lấy lại Bắc Bố Chính và thống nhất toàn bộ lãnh thổ địa vực Quảng Bình ngày nay dưới danh xưng dinh Quảng Bình.

Đây là mốc có sự thống nhất tương đối toàn vẹn địa vực Quảng Bình ngày nay. Năm 1802, sau khi đánh bại triều Tây Sơn, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong và Đàng Ngoài, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn. Năm 1806, Gia Long tổ chức lại các đơn vị hành chính trong cả nước, đặt Quảng Bình dưới tên hiệu hành chính mới là Quảng Bình doanh. Năm 1827, Minh Mạng đổi làm trấn Quảng Bình. Từ tháng 10 năm Minh Mạng thứ 12 (1831) từ Quảng Trị trở ra Bắc được cải tổ thành 18 tỉnh độc lập với nhau và Quảng Bình được gọi theo phiên hiệu hành chính mới là "tỉnh" từ đó.

Cho đến nay, tư liệu ghi chép về thời điểm thành lập tỉnh Quảng Bình chủ yếu do Quốc Sử quán triều Nguyễn để lại còn nhiều hạn chế. Tư liệu được xem là quan trọng bậc nhất, độ chuẩn xác cao nhất và đáng tin cậy nhất là bộ sách biên niên “Đại Nam thực lục”.

Theo Đại Nam thực lục: vào tháng 10 năm Tân Mão, Minh Mạng năm thứ 12 (1831), triều đình Huế triển khai việc thành lập 18 tỉnh từ Quảng Trị trở ra biên giới phía Bắc Việt Nam, trong đó bao gồm tỉnh Quảng Bình. Đại Nam thực lục đã ghi lại mệnh lệnh của vua Minh Mạng về việc chia tỉnh đặt quan, việc bàn bạc thảo luận của các quan lại được giao nhiệm vụ lập tỉnh, những nội dung và danh sách các tỉnh được lập (kèm theo tên các phủ, huyện thuộc tỉnh), cùng sự phê chuẩn của vua Minh Mạng chuẩn y nội dung bàn bạc của các đại thần về việc thành lập tỉnh.

Trong mối tương quan như vậy, mốc 1831 đáp ứng được các tiêu chí nhất định sau

- Yếu tố nổi trội của mốc lịch sử này là có tỉnh danh xưng trọn vẹn cả về tên riêng “Quảng Bình” lẫn tên gọi phiên hiệu hành chính là “tỉnh”, trùng với danh xưng và cách đặt phiên hiệu hành chính hiện nay là “tỉnh Quảng Bình”.

- Không gian lãnh thổ và địa giới hành chính của tỉnh Quảng Bình vào thời điểm này trùng với giới hạn hành chính của tỉnh Quảng Bình ngày nay. Trong quá trình phát triển của mình, không gian lãnh thổ và địa giới hành chính của vùng đất Quảng Bình có nhiều xáo trộn do những biến động liên tục và phức tạp của lịch sử, tập trung chủ yếu ở ranh giới phía Nam và phía Bắc của tỉnh.

Dưới thời vương quốc Chămpa, đất Quảng Bình ngày nay là 2 châu Bố Chinh và Địa Lý. Khi chuyển chủ quyền vùng đất vào Đại Việt (1069) và đến năm 1075 nhà Lý đã đổi tên thành Bố Chính và Lâm Bình. Kể từ thời Trần cho đến đầu thế kỷ 17, khi châu Lâm Bình trở thành đơn vị hành chính cấp phủ (hoặc lộ hay trấn) và lần lượt đổi tên thành Tân Bình, Tây Bình, Tiên Bình, Quảng Bình thì vùng đất này vẫn bao gồm châu Ma Linh thời Chămpa và châu Minh Linh thời Đại Việt trở về sau, đến thời nhà Nguyễn trở thành hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh thuộc Quảng Trị. Như vậy, ranh giới Quảng Bình trong các thế kỷ này kéo từ Hoành Sơn vào giáp với phủ Triệu Phong (tức gồm lãnh thổ tỉnh Quảng Bình hiện tại cộng thêm huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị).

Trong cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, kể từ năm 1630, sông Gianh trở thành nơi phân chia chủ quyền giữa hai tập đoàn phong kiến thống trị đất nước, nên cương vực phủ Quảng Bình chỉ còn từ bờ nam sông Gianh đến giáp phủ Triệu Phong. Ranh giới phía Bắc nới rộng đến dãy Hoành Sơn như trước khi Tây Sơn đập tan chính quyền của cả họ Trịnh và Nguyễn tiến tới thống nhất đất nước, nhưng chỉ đến năm 1802 vương triều Nguyễn được thiết lập và trên cơ sở đất nước được thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Những thay đổi đầu tiên của triều Nguyễn về mặt hành chính đó là tách huyện Minh Linh về dinh Quảng Trị. Vùng đất Quảng Bình chỉ còn từ Hoành Sơn phía Bắc đến huyện Lệ Thuỷ ở phía Nam. Đến năm 1831, khi tỉnh Quảng Bình được thành lập thì sự thay đổi đó mới mang tính ổn định cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, mốc lịch sử 1831 còn một số hạn chế

- Không phải là mốc khởi nguyên của quá trình hình thành và phát triển của Quảng Bình, nghĩa là không phù hợp với thời điểm khai thiết tạo dựng nên vùng đất và hình thành cộng đồng dân cư Quảng Bình.

- Không phổ quát quá trình hình thành, phát triển như các yếu tố hình thành nên cộng đồng dân cư, hình thái kinh tế, các giá trị tinh thần truyền thống và tiến trình phát triển lịch sử cộng đồng, trong đó có tiến trình hình thành và ổn định hệ thống làng xã.

- Không khẳng định được sự ra đời địa danh "Quảng Bình" là danh xưng thiêng liêng đã ăn sâu vào tâm khảm của bao thế hệ cư dân Quảng Bình từ lâu.

- So với các địa phương khác thì mốc này hơi muộn (Nghệ An 980 năm, Thừa Thiên Huế 700 năm...). Tuy nhiên, Nghệ An và Thừa Thiên Huế chọn theo tiêu chí khác.

Với những so sánh và đối chiếu với các tiêu chí đề ra, có thể nhận thấy rằng mốc 1831 không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để lựa chọn mốc thành lập tỉnh Quảng Bình bởi lẽ nó chỉ thỏa mãn rất ít các tiêu chí. Tuy mốc lịch sử này mang đầy đủ danh xưng “tỉnh Quảng Bình” nhưng chỉ là tên gọi thuần túy có ý nghĩa như một công việc cải sửa phiên hiệu hành chính chứ không đánh dấu một giai đoạn hay một bước phát triển xã hội.

Nếu chọn mốc này, lịch sử Quảng Bình sẽ mất đi mấy trăm năm danh xưng “Quảng Bình”, hàng trăm năm hình thành những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, mất đi phần cội nguồn của việc khai phá, mở mang vùng đất phía Nam của quốc gia, mất đi tính hệ thống của tiến trình lịch sử. Đặc biệt trong hệ thống làng xã, nơi tồn chứa các giá trị truyền thống của cộng đồng sẽ không được coi như một yếu tố chỉnh thể cấu thành cộng đồng.

Đề xuất chọn mốc thành lập tỉnh Quảng Bình

Qua phân tích ở phần luận giải nêu trên, phần lớn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và toàn thể hội thảo nhất trí cao với mốc 1604. Mốc 1604 là năm bắt đầu có tỉnh danh xưng “Quảng Bình” và là đơn vị hành chính cấp “Phủ” (đồng cấp “Tỉnh”) trực thuộc chính quyền Trung ương thuộc quốc gia Đại Việt; toàn bộ không gian lãnh thổ và địa giới hành chính Phủ Quảng Bình bấy giờ đảm bảo tính toàn vẹn tương đối như ngày nay. Quan điểm chọn mốc 1604 cũng đã nhận được sự đồng thuận của Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại thời điểm hội thảo khoa học.

Mốc lịch sử 1604 này tương đồng với cách lựa chọn của nhiều địa phương trong cả nước có đặc điểm và tiến trình phát triển tương đương. Nghệ An ở phía Bắc đã chọn 980 năm danh xưng Nghệ An (năm 2010), Thừa Thiên Huế kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế (năm 2006), Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển (năm 2011), Khánh Hoà 350 năm (năm 2003), Đồng Nai kỷ niệm 300 Biên Hoà - Đồng Nai hình thành và phát triển (năm 1998), Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 300 năm Sài Gòn (năm 1998)...

Như vậy, có thể thấy chu trình mở cõi về phương Nam đi dần từ 1000 năm Thăng Long, 980 năm danh xưng Nghệ An, 410 năm Quảng Bình (nếu kỷ niệm vào năm 2014), 400 năm Phú Yên, 350 năm Khánh Hoà, 300 năm Biên Hoà - Đồng Nai và Sài Gòn 300 năm... là phù hợp với diễn trình lịch sử dân tộc.
Việc chọn mốc 1604 hoàn toàn không trái với một số tỉnh chọn mốc 1831 như: Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên..., hoặc có tỉnh chọn mốc sớm hơn như Nghệ An (1030) và Thừa Thiên Huế chọn mốc 1306. Hà Tĩnh chọn mốc 1831, bởi lẽ đến thời điểm đó Hà Tĩnh mới tách ra từ Nghệ An và mới ra đời danh xưng Hà Tĩnh.

Lộ Tuyên Quang đã có từ thế kỷ 13, sau đó là Trấn Tuyên Quang (1397), Thừa tuyên Tuyên Quang (1469)... danh xưng Tuyên Quang ra đời rất sớm, tuy nhiên xét về tiêu chí tính toàn vẹn và tính ổn định tương đối về lãnh thổ và địa giới hành chính thì chưa có sự thống nhất, Tuyên Quang lúc bấy giờ bao gồm cả tỉnh Hà Giang, một phần của tỉnh Yên Bái và một phần tỉnh Cao Bằng ngày nay...

Lạng Sơn vào thế kỷ 13 có tên là Lộ Lạng Giang, đến năm 1397 đổi thành Trấn Lạng Sơn, năm 1466 đặt làm Thừa tuyên Lạng Sơn... Cũng như tỉnh Tuyên Quang, danh xưng Lạng Sơn cũng ra đời rất sớm, nhưng do chưa có sự thống nhất toàn vẹn về lãnh thổ, địa giới  hành chính như từ năm 1831 đến nay.
Danh xưng Hưng yên mới bắt đầu xuất hiện vào năm 1831, đồng thời trước năm 1831, lãnh thổ, địa giới Hưng Yên chưa có sự thống nhất toàn vẹn tương đối như từ năm 1831 đến nay.
Gần với Quảng Bình có 02 tỉnh chọn mốc sớm hơn nhiều là do chọn theo tiêu chí khác là tỉnh Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Nghệ An chọn mốc 1030, khi nhà Lý đổi vùng Hoan Châu (tức Nghệ An và Hà Tĩnh) làm Châu Nghệ An và danh xưng Nghệ An có từ đó. Đây là mốc tỉnh Nghệ An chọn làm kỷ niệm “980 danh xưng Nghệ An”. Tại thời điểm này, trên mảnh đất của Nghệ An (giống với hiện nay) vẫn có Diễn Châu đứng riêng làm một Châu. Như vậy, có thể thấy rằng việc tỉnh Nghệ An chọn mốc 1030 làm kỷ niệm “980 danh xưng Nghệ An” chủ yếu theo tiêu chí "danh xưng" chứ không phải là "vùng đất". Tại thời điểm này chưa có sự thống nhất, toàn vẹn về không gian lãnh thổ và địa giới như ngày nay.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chọn mốc 1306 để kỷ niệm “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế” vào năm 2006 theo tiêu chí khởi tạo vùng đất “Thuận Hóa”, khi nhà Lý gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân và vua Chế Mân dâng 2 châu: Châu Ô (bao gồm huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần đất thành phố Đông Hà hiện nay), Châu Lý (tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay) vào Đại Việt và sau đó đổi thành Châu Thuận, Châu Hóa...

Trên cơ sở kết quả của hội thảo khoa học, có thể nhận thấy rằng, việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận năm 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình và quyết định tổ chức  “Lễ kỷ niệm 410 năm Quảng Bình hình thành và phát triển” vào năm 2014 là phù hợp với lòng mong đợi của nhân dân.

                                         TS Nguyễn Đức Lý và TS Nguyễn Khắc Thái

,
.
.
.