Dưới tán rừng Trường Sơn

Cập nhật lúc 19:12, Thứ Năm, 26/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Người Khùa ở các xã Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa) sống rải rác trong các bản làng dưới tán rừng Trường Sơn hùng vĩ, trải qua cả ngàn đời khi mọi thứ đều có thể dịch chuyển, đổi thay nhưng phong tục tập quán vẫn được lưu truyền rất riêng biệt. Vào một ngày mùa đông se lạnh, chúng tôi đã có cuộc hành trình lên vùng biên giới Việt - Lào tìm đến những bậc cao niên, và trong những đêm quây quần bên bếp lửa ở vùng biên ải ấy, nét đẹp văn hóa và đời sống tiềm ẩn của người Khùa đã được khám phá qua những câu chuyện kể.

"Rà mài" phong tục truyền đời

Là xã biên giới của huyện Minh Hoá, hầu hết bà con là dân tộc thiểu số trên địa bàn là các tộc người Khùa, Mày, Sách... quần tụ sinh sống trong những bản làng ven thượng nguồn sông Gianh, hay dưới những tán rừng thâm u của dãy Trường Sơn. Họ ở đó từ thế hệ này sang thế hệ khác, kiên cường bám giữ với miền biên ải phía tây của tỉnh nhà. Lưu lại nơi thâm sơn cùng cốc ấy, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về phong tục tập quán gắn liền với đời sống của người Khùa - một tộc người với nhiều điều mới lạ và bí ẩn cần được khám phá.

Băng rừng lội suối, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Khâm ở bản Mụ Rôộng, vùng đất giáp ranh giữa hai xã Trọng Hóa và Hóa Thanh. Ông Hồ Khâm nay đã bước qua tuổi sáu mươi, dáng vẻ xù xì nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về việc lưu giữ "rà mài", ông bỗng hoạt bát hẳn lên rồi nhấp vội bát nước chè xanh nóng hổi.

Một bản làng của người Khùa giữa núi rừng Trường Sơn. Ảnh: M.V

Một bản làng của người Khùa giữa núi rừng Trường Sơn.

Ảnh: M.V

Ông kể, "rà mài" là một cây đũa cái, bà con còn gọi là đũa bếp, dùng để xới cơm hàng ngày. Tộc người Khùa nơi đây thường ăn cơm nếp từ cây lúa trồng trên nương rẫy hay sắn độn nếp. Mỗi khi vào bếp nấu cơm, người dân dùng đũa cái xới lên để cơm nhanh ráo, hạt gạo chín đều sẽ thơm ngon hơn. Hoặc khi gạo ít, bà con phải độn thêm sắn nhưng cũng phải dùng đũa cái xới đi xới lại nhiều lần, đồ cho cơm bồi thật nhuyễn, thật mịn mới ăn.

Cứ thế, đũa cái được dùng xới cơm hàng ngày và được cất giữ trên cao ở một góc nhà thật sạch, không bị bụi bẩn bám vào. Mỗi lần xới cơm, các hạt cơm lại dính vào đầu đũa cái ngày một nhiều lên và người dân vẫn giữ thế mà không gỡ hoặc rửa đi, đến khi cơm đã dính đầu đũa cái to khoảng gần bằng nắm tay trẻ con thì lấy dao cắt ngang đũa và treo lên giàn bếp.

Rà mài phong tục truyền đời của người Khùa. Ảnh: M.V
Rà mài phong tục truyền đời của người Khùa. Ảnh: M.V
Người Khùa thường tâm niệm, những hạt lúa, hạt gạo mà con người đã vất vả một nắng hai sương làm ra thì phải biết quý trọng, gìn giữ nâng niu mà không được vứt đi. Do vậy "rà mài" được cất giữ như một báu vật, bởi bà con cho rằng nếu vứt đi, hoặc sơ ý để chuột tha mất thì năm đó ông bà tổ tiên sẽ tức giận mà trừng phạt, không bảo vệ mà để con ma rừng ma núi phá phách mùa màng, trong nhà làm ăn gặp nhiều khó khăn, bệnh tật sẽ xuất hiện và đói kém sẽ xảy ra.

Ông Hồ Nhâm ở bản Ông Tú nói rằng, tập tục cất giữ "rà mài" được truyền từ đời này đến đời khác, mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng mà ông cha đã truyền lại như nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng công sức, hạt gạo mình làm ra.

Hàng năm, nhà nào có nhiều "rà mài" chứng tỏ nhà đó làm ra được nhiều lúa gạo (ăn cơm nhiều), đến nhà ai nếu thấy trên chạn bếp có nhiều "rà mài" chứng tỏ nhà đó có của ăn của để và ấm no hạnh phúc. Nhiều nhà còn cất giữ được hàng trăm "rà mài" để mỗi khi năm mới đến lại mang ra ngẫm lại những thành quả mà gia đình làm trong năm qua, cũng là lúc yết cáo với tổ tiên rằng phong tục đó vẫn được con cháu lưu giữ truyền đời.

Cây đàn... bẫy chuột

Ở các bản làng có người Khùa sinh sống, bẫy chuột là vật dụng không thể thiếu của người dân nơi đây. Thịt chuột đã trở thành món ăn cung cấp nguồn dinh dưỡng trong mùa giáp hạt, nhưng ngay cả khi đủ đầy nhất, người Khùa vẫn đi đặt bẫy như một thói quen từ bao đời nay.

Cái bẫy chuột giống như một cây đàn nhị. Ảnh: M.V
Cái bẫy chuột giống như một cây đàn nhị. Ảnh: M.V

 Ông Hồ Khâm cho hay, từ rất xa xưa, món thịt chuột đã trở thành đặc sản của bà con, khách phải thật quý thì mới được trọng đãi bằng thịt chuột. Chuột sau khi bắt về, bà con đem nướng, làm sạch lông, lấy ruột rồi chặt khúc đem nấu với măng rừng hoặc xào lên làm thức ăn với cơm.

Để bắt được chuột, bà con nơi đây sử dụng nhiều phương thức như đào hang, làm bẫy... nhưng phổ biến và hiệu quả nhất là phương pháp dùng cu toong. Và ở trong ngôi nhà sàn của ông Khâm đang cất giữ hàng chục cái  cu toong như vậy.

Ông giải thích, cu toong được làm bằng một ống nứa to bằng cổ chân, dài khoảng 20cm, một đầu bịt kín, giữa thân ống chui một lỗ để đặt một thòng lọng bằng dây mây được gắn với một cần lồ ô bằng một lẩy cò. Khi đánh bẫy, người dân bỏ thức ăn như sắn, ngô, gạo vào trong tận cùng của đáy ống cu toong, đem đặt ở những lối có dấu chuột qua lại. Khi đi kiếm ăn, phát hiện mồi trong ống cu toong, lũ chuột chui vào và chỉ cần mõm khẽ đụng phải lẩy cò thì thòng lọng sẽ thít vào cổ bằng cần lồ ô đã căng sẵn sàng. Vậy là dính bẫy.

Anh Hồ Mi ở bản La Trọng cho biết, ở đây từ người già đến trẻ con thường đi bẫy chuột vào mùa đông. Vì mùa này, mưa giăng trên các triền đồi, triền núi, dọc các khe suối làm đất mềm nên khi chuột di chuyển rất dễ phát hiện dấu chân.

Những ngày này cũng là thời điểm lúa rẫy đơm bông, nên thanh niên trai tráng trong làng thường hẹn nhau đi đặt bẫy chuột để bảo vệ mùa màng. Mỗi lần đi săn chuột, họ mang theo hàng chục cu toong để đặt vào những lối chuột thường qua lại, mỗi cái cách nhau vài chục mét, lũ chuột dù tinh quái đến mấy cũng không thể thoát khỏi "thiên la địa võng" đó nên ngày nào cũng có thức ăn.

 

Cu toong là vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người Khùa. Ảnh: M.V
Cu toong là vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người Khùa. Ảnh: M.V

Thoáng nhìn, cái bẫy chuột của người Khùa như một cây đàn nhị, một nhạc cụ độc đáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10 của dân tộc Việt.

 Cách đây không lâu, những nhà khoa học của Viện nghiên cứu con người (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) khi đi điền dã ở bản Ka Ai (Dân Hóa) đã được ông Hồ Xúm, trưởng bản tặng một cái cu toong làm kỷ niệm.

Điều thú vị là khi khoe chiếc bẫy này với các chuyên gia nghiên cứu nhạc cụ dân tộc các nước trên thế giới (thuộc Nhạc viện Hà Nội), các nhà khoa học mới biết rằng người Thái láng giềng có một loại đàn giống hệt như chiếc bẫy chuột, và cái tên của nó cũng có nghĩa là... đàn bẫy chuột!

Có lẽ trong sự giao thoa giữa các nền văn hóa, vật dụng của dân tộc này đã trở thành cảm hứng chế tác nhạc cụ cho dân tộc khác, đây là điều bí ẩn cần được các nhà dân tộc học nghiên cứu và tìm hiểu.

Có thể nói, người Khùa như một bảo tàng lưu giữ những giá trị văn hóa về lịch sử phát triển của người Việt cổ mà các tộc người khác đã bị mai một dần.

Qua năm tháng người Khùa kiên gan ở đó, dưới những tán rừng Trường Sơn huyền bí để miệt mài, cần mẫn bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc.

Minh Văn - Mạnh Chi

,
.
.
.