Quảng Bình hình thành năm nào? Kỳ 2

Cập nhật lúc 07:31, Thứ Hai, 13/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Danh xưng “Quảng Bình” còn có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. “Quảng Bình” với ý nghĩa “Thái bình rộng lớn” như là một sự định danh của Chúa Nguyễn Hoàng nhằm cụ thể hoá Sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải Hoành Sơn, dung thân suốt đời).

>> Quảng Bình hình thành năm nào?- Kỳ 1

Hoành sơn quan. (Nguồn: Internet)
Hoành sơn quan. (Nguồn: Internet)
Có thể nói, qua các sự kiện lịch sử trên, địa danh mới Lâm Bình, trong đó có chữ “Bình” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất này. Mặc dù sau đó địa danh Lâm Bình còn được các triều đại kế tiếp thay đổi thành phủ Tân Bình (vào năm Long Khánh thứ 3 triều Trần Duệ Tông - 1375).

Đến năm 1397, dưới đời Vua Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly thành lập Trấn Tân Bình (bao gồm phần đất Quảng Bình ngày nay và một phần phía Bắc tỉnh Quảng Trị); Trấn Tân Bình đổi lại thành Phủ Tây Bình vào đời nhà Hồ năm Thiệu Thành thứ 2 triều Hồ Hán Thương năm 1402; Phủ Tây Bình được đổi lại thành Phủ Tiên Bình thời Trung Hưng, năm đầu Hoằng Định năm 1600; đến năm 1604 được Chúa Nguyễn Hoàng đổi thành Phủ Quảng Bình; tiếp theo sau là Dinh Quảng Bình (1801), Quảng Bình Doanh (1806) và Tỉnh Quảng Bình (1831)... nhưng chữ Bình vẫn là mẫu số chung của tất cả các danh xưng diễn ra trong tiến trình lịch sử. Trong trường hợp này, Bình là thành phần chính, là yếu tố cốt lõi của một địa danh lịch sử ngay từ đầu (vào năm 1075).

Qua những chứng cứ sự kiện lịch sử và đối chiếu với các tiêu chí xác định năm thành lập tỉnh thì mốc 1069 và 1075 thỏa mãn những tiêu chí sau đây:

+ Là mốc chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc và Nam thuộc, mở đầu thời kỳ có chủ quyền và đấu tranh để bảo vệ chủ quyền trong thành phần quốc gia Đại Việt.

+ Là mốc khởi đầu, từ đó thực thi chính sách di dân lập ấp, khai phá ruộng đất và mở mang kinh tế của các triều đại phong kiến Việt Nam như Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc... bắt đầu có hiệu quả kinh tế - xã hội ở phía Nam. Hệ quả của chính sách này là sự hình thành dần dần những cơ sở ban đầu của hệ thống các làng xã sau này.

+ Là mốc khởi đầu cho sự hình thành những tập quán văn hóa, mở đầu cho quá trình bồi đắp dần những giá trị vật chất và tinh thần để hình thành sắc thái văn hóa cho vùng đất sau này.

+ Từ mốc lịch sử này, lịch sử Quảng Bình xét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội chưa phải có tính liên tục nhưng đã có những thiên hướng mới và khác với sự phát triển tản mạn trước đó.

Tuy nhiên, các mốc lịch sử này vẫn có những mặt chưa thỏa mãn với các tiêu chí đã đề xuất như:

+ Mọi yếu tố cấu thành nên một địa phương mới chỉ ở điểm xuất phát.
Năm 1069 Lý Thường Kiệt chỉ mới làm được công việc đánh bại quân Chămpa, sát nhập vùng đất Quảng Bình vào Đại Việt chứ chưa có đủ điều kiện để tập trung giải quyết những vấn đề nội trị. Vì vậy các thành tố hình thành nên địa bàn một tỉnh chưa đảm bảo phổ quát quá trình hình thành và phát triển của Quảng Bình bao gồm các yếu tố như địa chính trị, địa văn hóa, sự ổn định đặc trưng kinh tế - xã hội, lịch sử hình thành tộc người... Trong giai đoạn này (địa bàn dân cư bị phân tán do quá trình di dân đang diễn ra, địa bàn hành chính chưa thống nhất đang bao gồm cả châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh). Ngoài ra, sau thời điểm 1069 tiến trình lịch sử Quảng Bình vẫn còn phân chia, gián đoạn trong đó bao hàm cả sự không ổn định chính trị do các cuộc chiến tranh ngoại xâm và nội chiến.

+ Vùng đất Quảng Bình ngày nay tương ứng với hai chủ thể hành chính đồng cấp trực thuộc chính quyền Trung ương (2 Châu: Bố Chinh và Địa Lý vào năm 1069; Bố Chính và Lâm Bình vào năm 1075) chưa có sự thống nhất về không gian lãnh thổ, địa giới hành chính thống nhất trong sự toàn vẹn của vùng đất Quảng Bình.

+ Tại thời điểm lựa chọn chưa có một danh xưng phổ biến (Quảng Bình) là   tên gọi thiêng liêng cho tới ngày nay.

+ Mặc dù thời điểm 1075 có một số tiêu chí nổi trội hơn so với mốc 1069 là:  có xuất hiện từ tố “Bình” tồn tại đến ngày nay (Châu Địa Lý được đổi tên thành Châu Lâm Bình); Lý Thường Kiệt vẽ bản đồ 3 Châu bổ sung vào bản đồ Đại Việt và chiêu mộ dân cư đến ở, nhưng cả 2 mốc này đều chưa có tính ổn định về chủ quyền (năm 1074, Vua Chiêm Thành xâm lấn cướp lại 3 Châu; năm 1075, Lý Thường Kiệt xuất chinh đánh Chiêm Thành nhưng không thắng và chiêu mộ dân cư đến ở; năm 1103, quân Chiêm Thành lại đánh chiếm lấy lại 3 Châu; năm 1104, Lý Thường Kiệt lại xuất binh đánh bại quân Chiêm Thành thu hồi lại 3 Châu...).

+ Hệ thống thiết chế hành chính chưa được thiết lập rõ ràng, chỉ chiêu mộ dân cư đến ở, chưa đặt quan cai trị.

Các sử thần của Quốc Sử quán triều Nguyễn dưới thời Tự Đức đã có “lời phê” như sau: “Thì ra, bấy giờ Chiêm Thành tuy đã dâng đất ba châu, nhưng triều Lý chưa đặt quan cai trị hay sao?”

Nhóm quan điểm đề xuất lựa chọn mốc 1604:

Nhóm quan điểm này đề xuất lựa chọn trên cơ sở tính toàn vẹn tương đối  về không gian lãnh thổ, địa giới hành chính, sự tạo lập và hình thành thiết chế hành chính có phiên hiệu tương đương cấp tỉnh trực thuộc chính quyền Trung ương,  sự ổn định cộng đồng dân cư trên địa bàn và danh xưng “Quảng Bình”.
Năm 1558, nghe lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng xin vua Lê vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa vì cho rằng đây là nơi “vạn đại dung thân”. Năm 1604, sau khi thiết lập chính quyền cát cứ phía Nam, Chúa Nguyễn Hoàng thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đặt tên mới cho vùng đất phủ Tân Bình cũ là phủ Quảng Bình (Chúa Nguyễn Hoàng muốn dùng chữ Quảng Bình để tỏ lòng ước vọng một nền “Thái bình rộng lớn”; Quảng là nghĩa rộng, Bình là nghĩa thái bình, yên ổn); trực thuộc dưới phủ có huyện và châu.

Soi chiếu vào tiến trình phát triển của lịch sử Quảng Bình thì mốc lịch sử này đáp ứng những tiêu chí sau đây:

- Phủ Quảng Bình (năm 1604) là một bộ phận của Quốc Gia Đại Việt, là một đơn vị  hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương, là chủ thể có chủ quyền được xác định rõ ràng.

- Không gian lãnh thổ và địa giới hành chính Phủ Quảng Bình (bao gồm Bố Chính và Tân Bình cũ) đảm bảo tính toàn vẹn tương đối như ngày nay (có chệch xuống phía Nam một ít để phòng Đàng ngoài).

- Có hệ thống thiết chế hành chính và bộ máy chính quyền cấp tỉnh thực sự có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và phát triển đời sống xã hội.

Là mốc đã có sự ổn định về hệ thống hành chính: cùng với sự phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, sự lớn mạnh về hệ thống tổ chức chính quyền, hình thành các thiết chế xã hội thì về mặt địa giới, đơn vị hành chính mà phủ Quảng Bình thành lập năm 1604 đến thời Minh Mạng thứ 12 (1831) và tỉnh Quảng Bình ngày nay ít có sự thay đổi.

- Là mốc đã hình thành tương đối hoàn thiện về cơ cấu tộc người và hệ thống tổ chức cộng đồng dân cư, ổn định các hình thái văn hóa cộng đồng, trong đó nổi bật là văn hóa làng xã và các phong tục, tập quán, tôn giáo, tính ngưỡng cộng đồng. Ngay từ đầu thế kỷ 15, cộng đồng dân cư ở vùng đất Quảng Bình cơ bản đã được ổn định.

Các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà các thế hệ cư dân Quảng Bình đã sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử như là động lực tinh thần để phát huy truyền thống.

- Là mốc có danh xưng “Quảng Bình” thiêng liêng, tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người Quảng Bình cho tới ngày nay.

- Là mốc có sự tương đồng bề dày lịch sử văn hóa với các địa phương khác trong cùng điều kiện lịch sử và tương thích với các dịa phương khác trong cả nước.

+ Các yếu tố khác có ý nghĩa bổ sung giá trị lựa chọn:

Là mốc khởi nguyên cho việc thiết lập một cách toàn diện vùng đất phía Nam, trong đó có Quảng Bình.
Từ sau 1604, về cơ bản tiến trình lịch sử trên tất cả các phương diện đều diễn ra liên tục và thống nhất. Tiến trình lịch sử chuyển giao và thay đổi từ các Chúa Nguyễn đến nhà Tây Sơn, qua dòng họ Nguyễn là một quá trình chuyển giao hợp quy luật. Tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa vực phía Nam đất nước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào gây dựng cơ nghiệp là một tiến trình phát triển liên tục trong một truyền thống đã định hình.

Danh xưng “Quảng Bình” còn có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. “Quảng Bình” với ý nghĩa “Thái bình rộng lớn” như là một sự định danh của Chúa Nguyễn Hoàng nhằm cụ thể hoá Sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải Hoành Sơn, dung thân suốt đời).

+ Tuy vậy, mốc lịch sử này chưa thỏa mãn với các tiêu chí sau:

Chưa có tên gọi phiên hiệu trùng với tên gọi phiên hiệu hành chính đang dùng ngày nay là “tỉnh”. Điều này không phải là vấn đề quan trọng, bởi lẽ nó chỉ là phiên hiệu hành chính (Châu, Phủ, Trấn, Thừa tuyên, Dinh, Doanh, Tỉnh... đều cùng một cấp).

Với những luận giải trên, đặc biệt đã có 12 tham luận, 1 ý kiến đề xuất và 3 tham luận chọn 1831, khi thảo luận đề xuất thêm 1604 để xem xét (chiếm số lượng lớn nhất tại hội thảo) đã đề xuất chọn mốc 1604 là năm thành lập tỉnh Quảng Bình.

                                                                            (Còn nữa)

                                           TS. Nguyễn Đức Lý  và TS. Nguyễn Khắc Thái

,
.
.
.