Hành trình về miền di sản

Cập nhật lúc 21:16, Thứ Bảy, 21/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Bình vốn là một vùng đất có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp đến mê mẩn hồn người. Sự bài trí của nó thật độc đáo tạo thành một quần thể du lịch hài hòa đến mức khó nơi nào sánh nổi. Nếu có điều kiện chúng ta sẽ làm một cuộc hành trình du lịch vào mùa xuân này qua những địa danh lịch sử gây ấn tượng khó quên như Lũy Thầy, sông Gianh, cửa biển Nhật Lệ, đèo Ngang... và từ đó lại hành trình tiếp đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Từ khách sạn Phương Đông bên bờ Nhật Lệ thành phố Đồng Hới, mời bạn xuống thuyền rồng đi ra cửa biển khi bình minh bắt đầu hé sáng phía chân trời. Biển hiện ra với vô vàn sắc màu kỳ ảo, choáng ngợp, từng đợt sóng cuồn cuộn chảy theo ánh hào quang khi thì bạc trắng, khi hồng nhạt, khi vàng mơ, khi đỏ rực, khi xanh lục rồi từ từ chuyển sang tím thẩm...

Tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người, chúng ta sẽ gặp nào kỳ lân, sư tử, nào là nàng tiên đang thướt tha trong bộ cánh thiên sứ. Những cảnh tượng đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, cho đến lúc ông mặt trời đạp nước mà ngoi lên thì tất cả chuyển sang một gam màu đỏ chói chang rực rỡ biến cái nền ngọc bích mênh mông thành sân chơi khổng lồ có hàng tỷ con bướm vàng nhấp nhô bay múa chào đón từng đoàn thuyền đánh cá qua lại như thoi đưa. Người miền biển khi chưa có dự báo thời tiết của Nha khí tượng, nhìn buổi bình minh mà có thể đoán biết những biến động tự nhiên trong ngày.

Sau khi tắm mình dưới những tia hồng ngoại đầu tiên của cái nắng xuân miền Trung, đón nhận ngọn gió nồm nồng nàn vị mặn, bạn sẽ thấy mình khoan khoái dễ chịu vô cùng, tâm hồn như được thả về những ký ức xa xưa trước cửa biển mang nhiều chứng tích lịch sử đi vào thơ ca... Thuyền rồng lại tiếp tục quay mũi ra hướng bắc, đi ngang qua hòn Hiền bạn sẽ nghe nhiều tình tiết mang tính huyền thoại về hòn đảo này.

Bến thuyền Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.L
Bến thuyền Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.L

Ngày xưa có một đứa trẻ mồ côi được dân làng vớt lên sau một trận phong ba. Họ chuyền tay nhau nuôi dưỡng nên bé lớn lên như thổi, có sức mạnh phi thường. Bé được đặt tên là Hiền. Khi lớn lên Hiền thấy bố mẹ mình bắt được con cá ngoài khơi vất vả quá. Hiền bàn với làng xóm cùng nhau lên rừng chở đá về bỏ gần bờ biển cho cá vào ẩn nấp sinh đẻ, cứ sáng đi chiều về là có ăn. Bà con nghe phải nhưng chẳng ai quyết tâm. Hiền là người đứng đầu, chở từng ghe đá lớn từ núi rừng về biển Đông, quyết tâm báo đền công ơn nuôi dưỡng của làng xóm. Hòn Hiền là mỏm đá đầu tiên được Hiền dựng lên làm mốc để rải đá xuống phía nam.

Lạ thay, loại đá ấy sinh sôi rất nhanh, một thời gian ngắn trở thành rạn ngầm chạy suốt đến cửa Tùng, cửa Việt. Quả nhiên vùng biển Đồng Hới trở thành nơi cư ngụ của vô số cá tôm và nhiều sinh vật biển quí hiếm khác. Ban đêm ở hòn Hiền có những hiện tượng địa lý kỳ lạ. Thuyền bè đến gần nghe tiếng sóng vỗ rất lớn ầm ầm như tiếng thét, muốn báo cho ngư dân biết để tránh khỏi va chạm. Ban ngày, đứng từ xa đã thấy khói nước từng đợt vút  lên cao như cờ hiệu. Tuy là một hòn rạn ngầm rất nguy hiểm trên hành trình ra vào cửa biển nhưng lại rất hiền nhờ những tín hiệu hoa tiêu tuyệt vời đó.

Rời hòn Hiền vài hải lý, bãi tắm Đá Nhảy đã hiện sừng sờ trước mặt, núi choài ra tận biển, mỏm ngâm mình trong nước như người đang bò, đá đang nhảy còn sóng thì cứ vỗ triền miên, thôi thúc. Tiếp tục cuộc hành trình thêm chừng hơn hải lý nữa thì ta sẽ gặp cửa Đại Linh Giang (tức sông Gianh). Bóng núi  đèo Ngang, Hoành Sơn in xuống đáy nước tạo thành một bức tranh thủy mặc hùng vĩ, còn phía khơi xa là đảo Chim, hòn Gió, hòn La... cũng trầm tư mặc tưởng với đèo núi chắn ngang trời biển như một bức tường thành vĩ đại nối dải đất miền Trung nhỏ bé chạy thẳng tới phương Nam vô tận. Thuyền từ từ vào cửa, nước triều dềnh lên ứ nghẹn, ở đây không còn tiếng sóng va vào mạn, không còn sức gió cản từ đầu mũi thuyền thổi tới, ta có cảm giác như đang nâng mình lên ở trạng thái không trọng lượng, lâng lâng thú vị lạ lùng. Mặt sông Gianh đang trải rộng, phản chiếu như một tấm gương xanh, tiếng hát của ngư ông vọng lên đâu đó nghe thật ai oán:

  Dòng sông Gianh nước trong xanh
 Tại sao trang sử phân tranh chốn này!

Không, không hẳn như thế, sông Gianh chỉ là ranh giới hành chính trên danh nghĩa, bởi thực tế lịch sử, người đôi bờ Gianh chẳng có sự phân chia nào cả. Suốt hai trăm năm, hai nhà chúa Nguyễn-Trịnh cố ngăn mặt cách lòng bằng một cuộc chiến tương tàn nhất, nhưng thời đó chợ Ba Đồn vẫn đầy người Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài vào ra buôn bán tấp nập.

Ngược dòng sông Gianh, phóng tầm mắt về phía trước, có một hòn núi giống như bức bình phong chắn ngang mặt nước đó là lèn Bảng. Tương truyền rằng, ở dưới chân lèn đêm đêm vọng tiếng trẻ học bài, bỗng dưng hai lần bị mất tiếng thì y như rằng hai thần đồng khoa bảng Nguyễn Hàm Ninh và Trần Văn Thông ra đời. Nương bóng núi non, từ đây ta lại xuôi về cửa Hác, nơi hợp lưu của ba nhánh sông: nguồn Nậy, nguồn Nan và nguồn Son. Con sông mẹ được nối rộng ra về phía biển. Miền đất hạ lưu này thật trù phú xanh tươi. Nhiều làng quê yên ả mọc lên từ lâu đời, có bản sắc văn hóa riêng như làng Thuận Bài, La Hà... rất nổi tiếng về mặt tri thức, khoa bảng. Nhiều ngành nghề truyền thống ra đời như mây tre, đan lát, rèn, mộc, chạm khắc... mang tính nghệ thuật cao.

Bây giờ cho thuyền ngược dòng sông Son, con sông đang bị uốn mình theo những nếp lượn quanh co, gấp khúc khiến ta có cảm giác như mất hướng, như lạc vào chốn sơn, kỳ, thủy, tú. Làng mạc ẩn hiện giữa một màu lục diệp bát ngát, trùng điệp. Đâu đó tiếng chuông nhà thờ gióng lên thảng thốt, ngân hòa với tiếng đàn trầm của gió, tạo nên một bản đại hợp xướng nhiều cung bậc, thoảng nghe đã ngấm say, mê dại.

Bình minh sông Gianh. Ảnh: T.H
Bình minh sông Gianh. Ảnh: T.H

Trong nắng chiều vàng lịm, các cô sơn nữ ra sông tắm, giặt áo trên những cầu ván cập kênh, thoạt nhìn trông có vẻ thần tiên, cổ tích hơn là thực. Đó là những chiếc thuyền câu ba lá của ngư ông nhẹ nhàng buông mái, mặt nước khuấy lên những gợn sóng vàng. Men theo con sông Chày là đường vào cửa động Phong Nha. Vòm động lồng lộng như một bầu trời khép kín, trên đó những khối đá khổng lồ treo lơ lửng như những tháp chuông. Xưa nay tao nhân mặc khách chiêm ngưỡng đệ nhất kì quan này nhưng chưa ai tả hết nét đẹp kì vĩ, huyền bí của thiên nhiên.

Thú thật, động Phong Nha quá đẹp, không đâu có được vẻ đẹp như ở đây, ta đang lạc vào mê cung của cái đẹp. Từng chùm thạch nhũ trắng lạnh rũ xuống như thủy tinh. Nhiều hình thù được tạc nên bởi bàn tay của tạo hóa khiến cho nhiều nghệ sỹ điêu khắc tài ba phải thèm muốn ước ao. Kia là một tòa sen rực rỡ sắc màu, còn kia là bóng dáng cô tiên đang khỏa thân tắm, trên vòm hang lại có hình một bầy thiên nga đang bay múa. Vào nữa, thấy dáng dấp một ông tiên râu tóc trắng như cước và vô vàn bao hình thù kì quái khác. Cung vua, phủ chúa cũng là đây, thánh đường, mê lộ, chốn phiêu bồng cũng là đây. Tùy theo khả năng tưởng tượng của mỗi người mà có cách cảm nhận riêng. Người thì tùy hứng, kẻ thì ngẫm ngợi, lại có người không mấy tin vào sự thật của vẻ đẹp hiển nhiên này...

Vâng, du lịch Quảng Bình là như thế đấy, một cuộc "cưỡi ngựa xem hoa" vô cùng thú vị. Mùa xuân đã cận kề, hoa dại dọc hai bờ sông Son đã chơm chớm nụ, hơi lạnh từ hang đá phả ra cóng buốt cả chân tay, thiên nhiên ở cái quần thể du lịch này như mộng mị hơn nhưng lại đượm một nỗi buồn sơn cước hoang vắng. Con thuyền rồng lại quay hướng theo hành trình ngược lại. Thành phố Hoa Hồng đổ bóng lặng phắc bên dòng Nhật Lệ trong xanh. Có ai đó khi vội vã bước lên bờ còn chặc lưỡi nói rằng:
 - Du lịch Quảng Bình như một cô gái đẹp đang mơ ngủ vì sự lộng lẫy lười biếng của chính mình. Vâng, đúng thế ! Nàng "hoa hậu" Phong Nha -Kẻ Bàng cũng bắt chước ngủ vùi trong lâu đài vạn cổ.
 - Vừng ơi, mở ra!

Có lẽ anh chàng Alađanh còn quá vụng về khi nhắc đến câu niệm chú thần diệu này.

                                           Nguyễn Hoài Nhơn - Nguyễn Tú

,
.
.
.