Người con Quảng Bình trên đất Tây Nguyên

Cập nhật lúc 21:12, Chủ Nhật, 22/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Có thể nói tháng 12 năm 2004 là tháng "đại cát" đối với Tư lệnh Binh đoàn 15 Nguyễn Xuân Sang: Ông vừa được thăng quân hàm Thiếu tướng vừa được phong danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới". Năm năm sau ông lại được phong danh hiệu Anh hùng LLVT. Cho đến bây giờ Nguyễn Xuân Sang là người con duy nhất của quê hương Quảng Bình có được vinh dự lớn lao này…

Ký ức về "những mùa hè đỏ lửa"

Tướng Nguyễn Xuân Sang tuổi Tân Mão (1951) sinh ra và lớn lên tại thôn Nam Thiện, xã Dương Thủy (Lệ Thủy) nơi có điệu hò khoan rạo rực lòng người và lễ hội đua thuyền nổi tiếng. Ông thuộc thế hệ gần như không có thời thơ ấu. Cứ mỗi nấc tuổi thơ là mỗi gần hơn với tiếng đạn bom. Năm 1969 vừa tốt nghiệp phổ thông, ông đã phải "xếp bút nghiên" lên đường đánh giặc. Tháng 11 năm ấy Nguyễn Xuân Sang được sung vào Trung đoàn 271. Từ đó cho đến ngày giải phóng, 6 năm ròng ông gắn trọn với chiến trường Quảng Trị - mảnh đất khét nồng đạn bom nắng lửa, là "tâm chấn" của thế kỷ này...

Mấy chục năm rồi, dù chỉ nhỉnh một phần bảy cuộc đời binh nghiệp thì với ông, đây vẫn là quãng thời gian của "một thời và mãi mãi". Không thể nhớ nổi mình đã qua bao nhiêu trận đánh (Nhớ sao nổi ở nơi trăm người lính hợp lại cũng là một mặt trận; chia ra mỗi người cũng là một mặt trận). Trong ký ức của ông gần như chỉ là một trường trận miên man trong tiếng gầm thét của đạn bom và máu lửa. Xạ thủ trung liên Nguyễn Xuân Sang mặt xạm đen khói đạn, dè sẻn từng miếng cơm khô quắt, từng hớp nước để dành nhưng luôn ở vị trí mũi nhọn của mỗi trận đánh.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Tư lệnh Binh đoàn 15 gặp gỡ các công nhân trẻ tham dự hội thao kỹ thuật năm 2010. Ảnh: N.T
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Tư lệnh Binh đoàn 15 gặp gỡ các công nhân trẻ tham dự hội thao kỹ thuật năm 2010. Ảnh: N.T

Chiến đấu dũng cảm, ông được phong vượt cấp từ trung sĩ lên chuẩn úy. Nhớ "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 đơn vị ông làm nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho Thành cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm - ở nơi mà sau này nhà thơ Trần Bạch Đằng viết "Huân chương nào đủ từng viên gạch" ấy, có những lúc tường Thành cổ cách ông còn chưa đầy cây số. Vào trận còn nguyên trung đội, lúc rút ra chỉ còn ba, bốn người. Những ngày ấy người cha ở nhà cứ chập tối lại ra ngõ thắp mấy cây nhang, vọng phía vòm trời xa xăm vẩn đục màu khói bom mà khấn trời đất độ trì cho đứa con trai... Cứ đinh ninh có lẽ rồi mình cũng nằm lại như bao nhiêu đồng đội, vậy mà dẫu mang vết thương trên mình, ông vẫn là người may mắn... Sau này cứ mỗi 27-7 hàng năm về cổ Thành viếng đồng đội, lòng ông lại rưng rưng những câu thơ "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi trong sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...".

Không quên được những hy sinh, mất mát của đồng đội ngay cả khi giờ chiến thắng đã cận kề nhưng nỗi đau cũng đành gác lại. Ông phải sang Lào giúp bạn, đủ ba năm lại quay về Tây nguyên tham gia truy quét Fulro. Năm 1985 ông mới được điều về công tác tại Binh đoàn 15. Hơn 40 năm binh nghiêp, ông chưa có một thời gian ấm chỗ ở đồng bằng...

Trên triền đất bazan

Ngày 20 tháng 2 năm 1985 các đơn vị 331, 332, Công ty cao su Đức Cơ... nhận lệnh tụ về trong một đội hình mới: Binh đoàn 15. Nguyễn Xuân Sang cũng như bao người lính vừa ra khỏi khói lửa chiến tranh, chưa rũ hết bụi chiến trường đã lại vào trận mới - trận chiến chống đói nghèo... Ngày ấy ở Tây Nguyên những cái tên huyện như Đức Cơ, Ngọc Hồi... hãy còn chưa ra đời.

Địa bàn ba công ty 72,74, 75 đứng chân bây giờ nhiều xã đi suốt ngày đường chỉ miên man những cánh rừng xác xơ, đét đóng; những ngôi làng bé nhỏ xo ro trong nắng gió hoang dã của đại ngàn. Một vệt "đói" gần như hằn lên mỗi bản lý lịch... Thế nhưng dõi mắt vào những mảng cao su mới mọc lên chỉ là cái nhìn ngờ vực: Liệu "đất ông bà" rồi sẽ mất? Vận động vào công nhân, mới nhận gạo cấp hôm trước, hôm sau đồng bào đã lĩnh đi đãi vàng. Gay cấn hơn, có những làng đồng bào còn nằm lăn trước xe ủi đất cản không cho bộ đội khai hoang...

Chính vào thời điểm khó khăn này, đại úy Nguyễn Xuân Sang đã đề đạt chủ trương "Binh đoàn gắn với tỉnh; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng". Chủ trương đúng đắn này đã góp phần quyết định trong việc thu hút đồng bào vào công nhân, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường sự gắn bó với cấp ủy Đảng, chính quyền và tình đoàn kết quân dân...

Năm 1998 Nguyễn Xuân Sang được phong quân hàm thượng tá và được bổ nhiệm Tư lệnh kiêm Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn. Ông hiểu rằng từ giờ phút này, đích thực ông là người cầm lái cuộc chiến giữa thời bình... Phải nói rằng với việc xóa bỏ cơ chế bao cấp, bắt đầu từ những năm 1996 đời sống công nhân và người lao động đã được cải thiện một bước đáng kể. Tuy nhiên trước mắt vị tân Tư lệnh vẫn còn những khó khăn rất lớn. Bộ Quốc phòng yêu cầu Binh đoàn phải có bước phát triển cao hơn về quy mô tổ chức, mở rộng địa bàn chiến lược kinh tế - quốc phòng nhưng không kể những bất cập vẫn còn tồn tại trong cơ chế quản lý, khởi động vùng đất mới là khởi động những khó khăn nguyên thủy, trong khi vùng đất cũ chưa gột hết sự rào cản: thói quen làm việc ngẫu hứng của đồng bào dân tộc chỉ mới rạn vỡ bước đầu trước yêu cầu của nhịp sống công nghiệp. Năng suất lao động thấp, đời sống khó khăn tất yếu sẽ nảy sinh những nhạy cảm về an ninh.

Tuy nhiên với quãng thời gian 13 năm gắn bó với Tây Nguyên, vị tân Tư lệnh không những đã tiên liệu mà đã sẵn sàng với những hành động chiến lược... Vì sao đã hơn 10 năm cây cao su hiện hữu trước mỗi buôn làng mà đồng bào dân tộc vẫn chưa thật tin, chưa thật mặn mà với việc trở thành công nhân? Dễ hiểu một phần đời sống vật chất, tinh thần của họ chưa được cải thiện một cách căn bản, nhưng cái chính là lợi ích họ được hưởng còn trừu tượng, chưa phù hợp với tập quán cộng đồng truyền thống. Chủ trương "Binh đoàn gắn với tỉnh; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng" tiếp tục được ông nâng lên một tầm cao mới. Nói "gắn với" là đồng nghĩa với vai trò của một "chính phủ nhỏ" trên mỗi địa bàn...

Ở đâu kia, doanh nghiệp chỉ cần đến tháng trả lương là xong nhưng với Binh đoàn thì không thể. Từ chuyện quản trị kinh tế trong mỗi gia đình đến từng trang vở, từng cây bút viết cho các cháu học sinh... đều tất tật phải lo. Mà không chỉ trong nội bộ công nhân, mỗi hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân Binh đoàn đều xác nhận phải có nghĩa vụ chăm lo tương tự. Đấy chỉ là nói phần "vi mô". Những năm qua hàng trăm tỉ đồng đã được Binh đoàn đầu tư xây dựng trên 100 hồ đập chứa nước, hơn 30 trường tiểu học, THCS; hàng trăm kilômét đường dây tải điện, hàng ngàn kilômét đường giao thông...

Gần đây, chủ trương này lại được "vi mô" hóa thêm một bước bằng mô hình "gắn kết hộ". Hơn 4.200 hộ công nhân Kinh - dân tộc thiểu số đã làm lễ kết nghĩa "con một nhà" để giúp nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống văn minh... Sự chăm lo có thể nói là hết mình ấy đã mang lại cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc một sự đổi thay có tính cách mạng: 220 làng, bản với gần 8.000 con người đã giã từ quá khứ đói nghèo lạc hậu để bước thẳng vào cuộc sống văn minh. Và không những thế không ít người đã trở nên tỉ phú... Đời sống vật chất được cải thiện, bản sắc văn hóa, truyền thống yêu nước một lòng theo Đảng cũng được khơi dậy.    

Một lần rảnh rỗi hiếm hoi, trong câu chuyện thân tình với chúng tôi, tướng Sang đã kể câu chuyện vui về tính cách con người Quảng Bình. Đại ý rằng dân Quảng Bình mình tính cách cương trực, thẳng thắn đến mức đôi khi có thể gọi là cực đoan. Nhưng bù lại là sự gan góc, thông minh và quyết đoán. Đã lĩnh việc thì quyết làm cho bằng được dù trước mắt có thể là cái chết. Như ông, kể một chuyện nhỏ trong muôn vàn chuyện thời đánh giặc...

Năm 1973 mặc dù Hiệp định Pari đã được ký kết, quân ngụy Sài Gòn vẫn giở trò lấn đất giành dân. Một lần, một gã lính ngụy ngang ngược nhổ cờ cắm sang đất ta. Không chần chừ ông lao vào vật nhau kịch liệt với hắn. Gã ngụy quân to xác có lẽ gấp đôi ông cuối cùng phải chịu khuất, buộc phải nhổ cờ cắm lại chỗ cũ... Chẳng xa, năm 2001 Gia Lai xảy ra việc lộn xộn. Một số đồng bào dân tộc bị kẻ xấu xúi giục kéo về Pleiku gây rối. Trong khi một số người có trách nhiệm hoang mang lẫn tránh thì ông lại mặc quân phục ra phố dể nói chuyện với họ. Lái xe định thay biển số dân sự nhưng ông không đồng ý, bảo: Mình là quân đội của dân, gặp dân để nói chuyện phải trái, việc gì phải cải trang...

Quê hương Quảng Bình đã cho ông tính cách truyền thống để ông hoàn thiện mình trong quãng đời binh nghiệp hơn 40 năm gian khổ. Nhớ những lần Hội đồng hương Quảng Bình họp mặt, tướng Sang lại lên sân khấu ca rất hay bài "Quảng Bình quê ta ơi". Lúc ấy tôi có cảm giác lòng nhớ thương và biết ơn quê hương như những con sóng đang dội lên trong ông...  

Ngọc Tấn

 

,
.
.
.