Quảng Bình hình thành năm nào?

Cập nhật lúc 14:25, Thứ Sáu, 10/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 11-11-2011, UBND tỉnh đã có Thông báo số 2136/UBND về kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2011 và đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp kết quả hội thảo khoa học về năm hình thành tỉnh Quảng Bình để báo cáo UBND tỉnh. Bài báo này giới thiệu kết quả hội thảo khoa học ngày 13-12-2001 do Sở khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở khoa học và Công nghệ) tổ chức và các đồng chí Lương Ngọc Bính, Nguyễn Hữu Hoài, Dương Trung Quốc chủ trì hội thảo.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, địa bàn Quảng Bình có vị trí rất đặc thù. Những phát hiện của các ngành khoa học trong những thập kỷ gần đây đã chứng minh rằng vùng đất Quảng Bình không những có lịch sử rất lâu đời mà còn là nơi tiềm chứa nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Đây là vùng đất có phong trào đấu tranh yêu nước chống ngoại xâm rất kiên cường và anh dũng, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc đấu tranh xã hội gay gắt. Đặc biệt, vùng đất Quảng Bình là khu vực có sự đan xen và hỗn dung văn hóa giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc như văn hóa Việt Mường - Chămpa, Đông Sơn - Sa Huỳnh, Đàng Trong - Đàng ngoài, Thăng Long - Phú Xuân... Những yếu tố trên đây đã làm cho Quảng Bình có một sắc diện văn hóa khó có thể lẫn lộn với những nơi khác. Có lẽ cũng vì lý do đó mà lịch sử Quảng Bình trải qua rất nhiều thăng trầm. Mặc dù ở Quảng Bình đã hiện diện những trung tâm văn hóa tiền sử và sơ sử rất sớm, khá nổi tiếng nhưng những biến động xã hội diễn ra thường xuyên trong suốt tiến trình lịch sử đã làm cho dòng chảy lịch sử Quảng Bình không phải lúc nào cũng thuận chiều, thậm chí có lúc gián đoạn. Chính vì lẽ đó, từ sau hơn một thiên niên kỷ khai thiết và tạo dựng, cho mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, vùng đất Quảng Bình mới có được cái chính thuận để hội nhập đầy đủ vào tiến trình lịch sử Việt Nam. Gần 1000 năm sau khi Lý Thường Kiệt đưa mảnh đất này từ biên địa Chămpa  hội nhập vào Đại Việt, mảnh đất Quảng Bình lại tiếp tục hứng chịu nhiều tác động ngoại cảnh và những biến động tự thân để rồi lại phân chia, tách nhập.

Lần lượt, từ cuộc chinh phạt phương Nam của Lý Thường Kiệt dưới thời Lý Thánh Tông năm 1069 đến sự xuất hiện của các tên gọi Châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh năm 1075, Phủ Tân Bình năm 1375, Trấn Tân Bình năm 1397, Phủ Tây Bình năm 1402, Phủ Tiên Bình năm 1600, Phủ Quảng Bình năm 1604, Dinh Quảng Bình năm 1801, Doanh Quảng Bình năm 1806 và tỉnh Quảng Bình năm 1831 và cuối cùng là tỉnh Quảng Bình dưới thời Dân chủ cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cộng đồng cư dân Quảng Bình đã cống hiến mồ hôi và xương máu của mình để dựng xây và vun đắp nên những giá trị truyền thống rất đỗi tự hào hôm nay.

Những thành quả lịch sử rất đáng ghi nhận như vậy không phải chỉ một vài thế hệ mới làm nên được mà nó là sự tích lũy, bồi đắp trong suốt cả một tiến trình lịch sử lâu dài hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: trong suốt cả một chuỗi dài của lịch sử ấy, Quảng Bình bắt đầu khai sinh, xác lập vị trí của mình tự bao giờ?

Xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề như vậy, việc lựa chọn xác định thời điểm hình thành tỉnh Quảng Bình có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả mai sau.

Đồng Hới hôm nay. Ảnh: T.H
Đồng Hới hôm nay. Ảnh: T.H

Đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, được sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, ngày 13 tháng 12 năm 2001, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội thảo khoa học "Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình". Tham dự hội thảo có: đồng chí Trần Hòa (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh); đồng chí Đinh Hữu Cường (nguyên: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh); đồng chí Lương Ngọc Bính (nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ); đồng chí Nguyễn Hữu Hoài (nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường); đồng chí Thái Bá Nhiệm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy); đồng chí Trần Sự (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh); Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan Trung ương, trong và ngoài tỉnh. Các đồng chí Lương Ngọc Bính, Nguyễn Hữu Hoài và Dương Trung Quốc chủ trì hội thảo.

Mục đích của hội thảo là xác định năm thành lập tỉnh Quảng Bình.

Để đạt được mục đích của hội thảo, vấn đề đặt ra là phải xây dựng những tiêu chí khoa học để mốc thành lập tỉnh Quảng Bình hội tụ đủ tất cả sự nghiệp mà các thế hệ ông cha đã dày công vun đắp trong nhiều thế hệ qua, đồng thời phải phù hợp với tiến trình chung của cả nước.

Tại hội thảo, hệ thống các tiêu chí nhằm "Xác định mốc thành lập tỉnh Quảng Bình" do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu xây dựng và đề xuất bao gồm những nội dung chính như sau:

- Mối tương quan biện chứng giữa lịch sử hình thành Quảng Bình với tư cách là một bộ phận hữu cơ của tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Bình theo nghĩa là một đơn vị  hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương, là chủ thể có quyền năng hành chính rõ ràng, để xác định thời điểm thành lập.

- Sự toàn vẹn và tính ổn định tương đối về không gian lãnh thổ và địa giới hành chính.

- Sự thống nhất về hệ thống thiết chế hành chính với bộ máy chính quyền cấp tỉnh thực sự có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đời sống xã hội và quan hệ trực thuộc bộ máy quản lý nhà nước Trung ương.

- Sự hoàn thiện về hệ thống cộng đồng dân cư và cơ cấu tộc người.

- Sự hình thành và phát triển liên tục các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà các thế hệ cư dân Quảng Bình đã sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử như là động lực tinh thần để phát huy truyền thống.

- Có địa danh thiêng liêng, tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người Quảng Bình cho tới ngày nay.

- Có sự tương đồng với bề dày lịch sử văn hóa vùng đất Quảng Bình và tương đồng với các địa phương khác trong cùng những điều kiện lịch sử tương ứng.

Bảy tiêu chí nói trên đã bao hàm tất cả về không gian lãnh thổ; hành chính; dân tộc - truyền thống lịch sử - văn hóa; và danh xưng của một vùng đất cần xác định ngày ra đời.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thống nhất chia tiến trình lịch sử Quảng Bình thành 6 giai đoạn phát triển:

- Giai đoạn 1: Tương ứng với thời kỳ tiền sử và sơ sử cho đến trước năm 192 công lịch là giai đoạn vùng đất Quảng Bình thuộc quốc gia Văn Lang.

- Giai đoạn 2: Từ năm 192, khi người Chăm chiếm cứ đất Quảng Bình làm vùng biên ải phía Bắc của quốc gia Lâm Ấp (Tên nước Chămpa chỉ xuất hiện vào khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX, trước đó có tên gọi là Lâm Ấp, Hoàn Vương. Theo thư tịch đầu tiên ghi chép về Lâm Ấp là Ngô Thư, vào khoảng năm 230-231. Tên gọi này chỉ là khu vực liên quan đến huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam rồi mở rộng ra. Tên Hoàn Vương xuất hiện trong thư tịch năm 793, rồi đến năm 885 xuất hiện tên nước Chiêm Thành (hay gọi là Chămpa) cho đến năm 1069 khi Lý Thường Kiệt giành lại vùng đất này về quốc gia Đại Việt.

- Giai đoạn 3: Từ năm 1069 đến năm 1604, khi nhà Lý mở cõi về phương Nam, lấy lại vùng đất 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh về Đại Việt vào năm 1069 (năm 1075 đổi tên lại là châu Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh) đến khi Chúa Nguyễn Hoàng chính thức thiết lập hệ thống chính quyền cát cứ phía Nam dãy Hoành Sơn, thúc đẩy sự phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa của vùng đất phía Nam. Vùng đất này lần đầu tiên có danh xưng phủ Quảng Bình vào năm 1604 và có không gian lãnh thổ, địa giới hành chính tương đương như ngày nay.

- Giai đoạn 4: Từ 1604 đến 1831, sau khi ra đời đơn vị hành chính "Phủ Quảng Bình" năm 1604, đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) tiến hành cuộc cải cách hành chính trên quy mô toàn quốc để từ đó vùng đất có danh xưng Quảng Bình được gắn với phiên hiệu hành chính mới là "tỉnh" để thành đơn vị hành chính là "tỉnh Quảng Bình".

- Giai đoạn 5: Từ 1831 đến 1945, là thời kỳ hoàn chỉnh dần cơ cấu hành chính tỉnh Quảng Bình có giới hạn trùng khít với ngày nay.

- Giai đoạn 6: Từ sau năm 1945, mở đầu cho một kỷ nguyên phát triển mới của tỉnh Quảng Bình trong độc lập tự do và xây dựng CNXH.

Trong 6 giai đoạn phát triển lịch sử của tỉnh Quảng Bình thì với tổng số 25 tham luận khoa học tại hội thảo về lựa chọn mốc lịch sử để xác định việc thành lập tỉnh đã có sự phân nhóm rất khách quan, khi đưa ra thời điểm đề xuất lựa chọn, trong đó:

+ Mốc 1069 (có 02 tham luận đề xuất và 01 tham luận chọn 1831, khi thảo luận đề xuất thêm 1069 để xem xét) là mốc đánh dấu vùng đất này trở về với quốc gia Đại Việt, là nhân tố quyết định cho toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử cho tới ngày nay.

+ Mốc 1075 (có 02 tham luận đề xuất) là mốc cải sửa hành chính đầu tiên có hậu tố "Bình" trong danh xưng "Phủ Lâm Bình", danh xưng đó đã được ghi vào bản đồ lãnh thổ Đại Việt.

+ Mốc 1397 (có 01 tham luận đề xuất) là mốc có danh xưng Trấn Tân Bình với chỉnh thể về giới hạn địa vực.

+ Mốc 1604 (có 12 tham luận, 01 ý kiến đề xuất và 03 tham luận chọn 1831, khi thảo luận đề xuất thêm 1604 để xem xét) là mốc đầu tiên xuất hiện danh xưng Quảng Bình với việc Chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Tiên Bình (Trước đó là: Châu Lâm Bình, Phủ Tân Bình, Trấn Tây Bình, Phủ Tây Bình, Phủ Tiên Bình) thành phủ Quảng Bình và đó là tên gọi thiêng liêng cho tới ngày nay.

+ Mốc 1631 (có 01 tham luận đề xuất) có danh xưng dinh Quảng Bình với hệ thống và giới hạn hành chính tương ứng.

+ Mốc 1831 (có 06 tham luận và 01 ý kiến đề xuất) là mốc đầy đủ danh xưng và được gọi theo phiên hiệu hành chính tỉnh Quảng Bình cho tới ngày nay.

+ Không xác định rõ năm (có 01 tham luận).

Luận giải của các báo cáo khoa học trình bày trong hội thảo cũng đã chứng minh rằng: vùng đất Quảng Bình về mặt chính trị là khu vực tranh chấp giữa hai khu vực Bắc - Nam, còn về mặt văn hóa là khu vực đan xen, giao thoa, do vậy có thể nói đây là khu vực có nhiều biến động nhất trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Sự biến động này diễn ra trên cả 3 phương diện: chính trị - chính thể, hành chính và văn hóa. Do đó, xét trên tổng thể thì không có một thời đoạn lịch sử nào có được một nhát cắt đồng đại trong đó hàm chứa đầy đủ cả 7 tiêu chí nói trên. Mặt khác, trong bối cảnh có nhiều biến động như vậy, đương nhiên có nhiều mốc lịch sử xuất hiện trong nhiều giai đoạn khác nhau cũng có ý nghĩa tương đồng nhau. Nói cách khác, trong trường hợp các mốc lịch sử có nhiều tiêu chí tương đồng nhau thì mốc lịch sử nào xưa nhất là mốc có khả năng hàm chứa nhiều giá trị nhất.

Soi chiếu vào tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung và đặc điểm phát triển của Quảng Bình nói riêng thì việc xác định chọn mốc thành lập của tỉnh thật có ý nghĩa trọng đại cho cả quân và dân tỉnh Quảng Bình chúng ta.

Chúng ta không thể phủ nhận giá trị những dấu tích văn hóa tiền, sơ sử đã phát hiện trên vùng đất Quảng Bình và cũng không thể không thừa nhận những giá trị to lớn của văn hóa Chămpa, cũng không thể không đề cao những giá trị văn hóa mà các tộc người và các cộng đồng dân cư khác đã đóng góp cho Quảng Bình trong quá trình giao thoa văn hóa theo dòng chảy lịch sử. Nhưng xét từ thời điểm trước năm 1069, những giá trị văn hóa nói trên còn rất tản mạn. Chỉ từ sau 1069, hình hài của vùng đất Quảng Bình mới bắt đầu được tạo dựng và vun đắp. Với những lý giải trên, trọng tâm để xem xét lựa chọn thời điểm khai sinh cho tỉnh Quảng Bình trong giới hạn từ năm 1069 cho đến 1831 mà thôi.

Với cách đánh giá như vậy, các báo cáo tham luận và phát biểu tại hội thảo đã đề xuất chọn các mốc lịch sử để kỷ niệm thời điểm ra đời tỉnh Quảng Bình như sau:

Nhóm quan điểm đề xuất lựa chọn mốc 1069 hoặc 1075:

Nhóm quan điểm này đề xuất, lựa chọn chủ yếu theo tiêu chí khởi tạo vùng đất này từ thời nhà Lý với một trong hai thời điểm 1069 và 1075.

Đây là mốc đánh dấu sự kiện vùng lãnh thổ Quảng Bình từ chỗ là biên địa  phía Bắc vương quốc Chămpa trở lại thành vùng đất Đại Việt với sự kiện lịch sử:

Ngày 24-2-1069, Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh, Lý Thường Kiệt làm đại tướng quân tiến đánh Chiêm Thành. Theo Việt sử lược cho biết: "Lúc thuyền của quân nhà Lý tới Nhật Lệ, thuỷ quân Chiêm Thành ra chặn đánh. Lý Thánh Tông sai Hoàng Kiện tiến đánh. Quân Chiêm thua. Quân Đại Việt không đổ bộ vào Nhật Lệ mà cho thuyền thẳng xuống phương Nam đánh vào kinh đô Chà Bàn của nước Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Rudravarman III (Chế Củ) bị bắt. Để được tha, vua Chiêm phải dâng 3 châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh nhường cho nhà Lý. Từ đó ba châu này thuộc về lãnh thổ Đại Việt. Để thực hiện việc quản lý vùng đất này, vua Lý chiêu mộ người Việt phía Bắc Hoành Sơn đến cư trú lập nghiệp".

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư: Tháng 8 Ất Mão (1075), quân Chiêm Thành lại quấy rối biên giới, vua Lý sai Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh dẹp và vẽ bản đồ 3 châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh và đổi tên Bố Chinh thành Bố Chính, Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh vào bản đồ Đại Việt và chiêu mộ dân đến ở 3 Châu ấy.

                                                                                 (Còn nữa)

                                           TS. Nguyễn Đức Lý  và TS. Nguyễn Khắc Thái

 

 

 

 

 

 

 

,
.
.
.