.

Lệ Thủy: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Chủ Nhật, 16/10/2016, 20:43 [GMT+7]
(QBĐT) - Đến 18 giờ ngày 16-10, địa bàn huyện Lệ Thủy lũ đã rút, tuy nhiên mực nước trên sông Kiến Giang vẫn còn trên mức báo động II. 
 
 
Đồng chí Nguyễn Quang Năm (bên trái) thăm, hỗ trợ gia đình người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Sen Thủy.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy thăm, hỗ trợ gia đình người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Sen Thủy.

Hơn 10.000 nhà dân vẫn còn ngập sâu trong lũ, chủ yếu ở các xã Sơn Thủy, Hoa Thủy, An Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Dương Thủy, Tân Thủy.... Ở những nơi lũ rút, người dân đang khẩn trương vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Các cơ quan, trường học, trạm y tế đã chủ động bố trí lực lượng xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên do lượng bùn đất lớn nên việc xử lý, vệ sinh môi trường gặp rất nhiều khó khăn.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Năm cho biết: Tinh thần chỉ đạo của huyện là huy động tối đa lực lượng phối hợp với nhân dân kịp thời tiêu độc khử trùng ở các khu vực bị ngập lũ ngay sau khi nước rút. Vẫn còn nhiều nhà dân bị ngập nước, hư hỏng nặng nên huyện đã chủ động hỗ trợ các gia đình có nhà bị thiệt hại do lốc xoáy, nạn nhân bị thương và gia đình có người chết vì mưa lũ; đồng thời kiểm tra, rà soát lập danh sách đề nghị tỉnh, Trung ương tiếp tục hỗ trợ về mọi mặt.

Để tiếp tục thực hiện các biện pháp đối phó với mưa lũ trong và sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, quét dọn đường, các khu vực họp chợ, trường học, bệnh viện và các khu vực bị ngập úng. Đồng thời chủ động xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp kịp thời cho người dân, không để xảy ra mất nước kéo dài, nhiễm khuẩn nguồn nước; chủ động phòng chống các bệnh, dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, dịch tả, thương hàn… Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho dân.
 
Có mặt tại xã Dương Thủy vào chiều 16-10, điều chúng tôi nhận thấy là mặc dù vẫn còn nhiều khu dân cư bị nước lũ chia cắt, tuy nhiên ở những nơi lũ đã rút, chính quyền địa phương ngay lập tức chỉ đạo các tổ chức đoàn thể huy động lực lượng đào đắp, tu bổ các tuyến đường giao thông nông thôn để bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi; đồng thời nắm bắt thông tin và hỗ trợ các gia đình có nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ để sửa sang nhằm giúp dân sớm ổn định cuộc sống.
 
Bà Lê Thị Thảo ở thôn Đông Thiện chia sẻ: “Do chồng tui đi vắng từ trước nên khi lũ về, một mình tui vật lộn với mấy trăm con gà và đàn lợn hơn 30 con. May nhờ có xã, thôn huy động lực lượng giúp nên không thiệt hại mấy. Chừ lũ rút rồi, bà con cũng giúp sức để tui ổn định chăn nuôi, không thì chỉ biết đứng nhìn lũ cuốn trôi hết..."
Người dân xã Dương Thủy tu bổ một tuyến đường giao thôn nông thôn bị mưa lũ làm xói lở
Người dân xã Dương Thủy tu bổ tuyến đường giao thôn nông thôn bị mưa lũ làm xói lở.
Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện cho biết: Tinh thần chỉ đạo của huyện là xử lý vệ sinh môi trường triệt để nhất trong khả năng có thể. Các địa phương có trường học và nhiều công trình phúc lợi xã hội bị ngập nước, nhà dân bị ngập sâu phải huy động lực lượng khẩn trương làm vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước để tránh dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan.
 
Do đặc thù địa bàn của huyện ở vùng thấp trũng, thường xảy ra lũ lụt nên chính quyền các địa phương cũng phải chủ động hợp đồng với các hộ gia đình có thuyền, đò để tiếp tục thực hiện các phương án xử lý hậu quả mưa lũ tại những địa bàn xung yếu khi cần thiết. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân kịp thời xử lý vệ sinh môi trường theo phương châm “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”.
 
Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả đợt mưa lũ trên địa bàn Lệ Thủy đang được thực hiện khá tốt với tinh thần khẩn trương, cụ thể và thiết thực nhất.
 
Nguyễn Hoàng