.

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó với cơn bão số 7

Chủ Nhật, 16/10/2016, 18:28 [GMT+7]

Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 16-10, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND gửi Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh. Nội dung cụ thể như sau:

>> Chủ động trên mọi lĩnh vực để ứng phó với cơn bão số 7

>> Bão số 7 cách Hoàng Sa 670km, Vịnh Bắc Bộ đêm mai gió giật mạnh

Hiện bão Sarika đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7. Đây là cơn bão mạnh, vùng tâm bão cấp 12, cấp 13 giật trên cấp 17, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh thêm.

Khả năng bão sẽ ảnh hưởng vào nước ta là rất lớn, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Dự kiến khu vực ảnh hưởng là từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 7, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện ven biển, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm (vùng biển từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh) vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản kể từ ngày 16-10-2016 cho đến khi có thông báo mới.

- Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè;

2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thiệt hại thấp nhất khi bão đổ bộ vào tỉnh ta, trong đó tập trung bảo đảm an toàn về người.

3. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du.

4. Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 7, kiểm tra rà soát hoàn thiện phương án phòng chống lụt bão để chủ động ứng phó.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng theo dõi sát sao diễn biến của bão số 7 để đưa những thông tin mới nhất về diễn biến của bão và sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, các ngành để thông báo kịp thời cho nhân dân chủ động phòng, tránh an toàn.

6. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh căn cứ tình hình thực tế, tổ chức các đoàn công tác chỉ đạo kịp thời các địa bàn, các công trình trọng điểm của địa phương, các ngành; đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai công tác PCTT và TKCN, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh.

Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nêu trên.

-----------------------------------------------------------------

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình