.

Một gia đình có hoàn cảnh đáng thương

Thứ Tư, 09/03/2016, 12:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn mười năm nên nghĩa vợ chồng, gia đình anh Ngô Văn Bình và chị Phạm Thị Hương ở thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch nếm trải mọi đắng cay nhất của cuộc đời. Vợ khiếm thị, chồng thấp bé lại đau ốm triền miên, một đứa con mang trong mình khiếm khuyết của cả cha lẫn mẹ, đói, nghèo, cứ bám riết đôi vợ chồng tật nguyền...

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở thôn 3, xã Quảng Thạch, anh Ngô Văn Bình (SN 1979) chỉ cao 1m40 và nặng 34 kg. Còn chị Phạm Thị Hương bị khiếm thị từ nhỏ. Gia đình hai bên cũng thuộc diện nghèo khó ở vùng đồi Quảng Thạch nên sớm nghỉ học ở nhà. Đến tuổi trưởng thành, duyên phận lại đưa họ đến với nhau. Nghe lời một người hàng xóm mách nước, anh Bình tìm đến chị Hương. Ban đầu hai gia đình đều kịch liệt phản đối, bởi lấy nhau về làm gì nuôi nhau được. Đằng đẵng gần 7 năm trời, cuối cùng bố mẹ hai bên đành gật đầu. Chị Hương tâm sự: “Vợ chồng tôi đều là những người khiếm khuyết, hoàn cảnh gia đình lại thiếu thốn nên chúng tôi luôn có sự đồng cảm, rồi thương nhau và về chung sống cùng nhau”.

Nhiều khi, các con của vợ chồng chị Hương phải ăn khoai trừ bữa
Nhiều khi, các con của vợ chồng chị Hương phải ăn khoai trừ bữa

Cuộc sống vợ chồng của hai anh chị bắt đầu trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, nhưng họ vẫn sống hạnh phúc và sinh được 3 đứa con gái. Nhà chỉ có hơn sào ruộng, chịu khó cày bừa cũng chỉ đủ gạo ăn hơn 1 tháng, còn lại nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm. Để có tiền nuôi các con, anh Bình đi phát rẫy thuê với số tiền công 150 nghìn đồng/ngày. Nhưng mấy năm gần đây, anh đau ốm phải đi viện triền miên nên không đi làm thường xuyên được. Chị Hương mắt kém cũng chỉ quanh quẩn ở nhà làm vườn và chăm lo cho con cái, mẹ già và chăm chồng lúc đau ốm.

Trong 3 đứa con của anh chị, cháu thứ 2 là Ngô Thị Huệ (11 tuổi) sinh ra mang trong mình khiếm khuyết của cả cha lẫn mẹ. Huệ bị khiếm thị, thấp - còi - lùn độ 2. Vì vậy, khi học xong lớp 1, gia đình anh Bình đành phải gửi Huệ vào một trung tâm nuôi dưỡng trẻ khiếm khuyết ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tại, vợ chồng anh chị sống cùng bố mẹ đẻ chị Hương và 2 đứa con gái. Căn nhà cấp 4 dột nát, tự làm từ năm 1993 là nơi tá túc của cả gia đình 3 thế hệ nghèo khó. Cứ trời mưa là phải che đậy nhưng vẫn dột khắp nhà.

Người mẹ già của chị Hương bây giờ cũng đã bị mù hoàn toàn, 2 đứa con nhỏ thì đang tuổi đi học. Cả nhà có mỗi một chiếc xe đạp, hàng ngày, hai chị em Ngô Thị Thu Huyền (học lớp 7) và Ngô Thị Minh Thư (học lớp 1) chở nhau đi học. Hôm nào anh Bình khỏe mạnh lấy xe đi làm, chị Hương phải ra đường xin nhờ xe cho con đến trường.

Hôm chúng tôi đến, đúng lúc hai chị em Huyền vừa đi học về. Bữa trưa của ba mẹ con là một nồi khoai luộc ăn với canh rau hái quanh vườn. Mấy năm nay, chị em Huyền cũng ít khi được mang quần áo mới, hầu hết chị Hương đều đi xin đồ cũ về cho các con mặc.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vợ chồng chị Hương luôn cố gắng để cho các con được đến trường. Vợ chồng anh Bình, chị Hương chưa bao giờ dám mơ được ở một ngôi nhà kiên cố, chỉ mong có đủ cơm gạo nuôi các con ăn học nên người.

Chị Hương chia sẻ: "Trong nhà toàn những người bị khiếm khuyết, hoàn cảnh lại khó khăn, nhiều khi thấy tủi thân lắm. Nhưng đói nghèo, cực khổ mấy cũng chịu được, sợ nhất là các con không được ăn học đến nơi đến chốn".

Ước muốn tưởng chừng như đơn giản đó lại đang ngày càng xa vời với vợ chồng chị Hương, bởi anh Bình gần đây nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Hiện cả nhà nợ gần 30 triệu đồng tiền thuốc thang, chạy chữa cho anh Bình. Và nguy cơ thất học của các con luôn là nỗi ám ảnh của đôi vợ chồng tật nguyền...

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:

Nguyễn Văn Bình, thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

SĐT: 01627097591.    

P.V