.

Thực hiện Dự án Dân chấm điểm tại Quảng Bình: Kinh nghiệm từ Quảng Trị

Thứ Năm, 03/03/2016, 09:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Dự án Dân chấm điểm M-Score được chính thức khởi động đầu tiên vào tháng 12-2014 tại tỉnh Quảng Trị. Dự án được triển khai đã tạo bước đột phá trong khâu cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, tạo sự hài lòng trong nhân dân. Những kết quả đạt được cũng như khó khăn ở Quảng Trị sẽ là bài học kinh nghiệm cho Quảng Bình thực hiện dự án tốt hơn.

Sau hơn một năm triển khai, Dự án Dân chấm điểm M-Score đã cung cấp một giải pháp hữu hiệu cho công tác đánh giá chất lượng dịch vụ công tại tỉnh Quảng Trị. Tính đến tháng 11 năm 2015, tổng số trường hợp người dân được tổng đài tiếp cận khảo sát 8.440 người. Bên cạnh đó, đường dây nóng 1800.8081 hoạt động ổn định, được nhiều người dân biết đến và tin tưởng hơn.

Kết quả khảo sát M-Score và thông tin nhận được từ đường dây nóng là những tư liệu quý báu, khách quan để đánh giá hoạt động của bộ máy chính quyền các huyện cũng như tạo ra cơ chế giám sát cho UBND tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện công tác CCHC, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).

Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy những thay đổi tích cực về cơ sở vật chất, tăng cường nhân sự cũng như năng lực của các cán bộ tại bộ phận một cửa (ở Quảng Trị chưa có Trung tâm giao dịch một cửa liên thông cấp huyện), bộ phận chuyên môn tiếp nhận và giải quyết các TTHC tại địa phương, đặc biệt là việc phối hợp tốt hơn giữa hai bộ phận này, góp phần đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.  

Phóng viên Báo Quảng Bình đang trao đổi với người dân Quảng Trị về Dự án Dân chấm điểm.
Phóng viên Báo Quảng Bình đang trao đổi với người dân Quảng Trị về Dự án Dân chấm điểm.

Ban đầu, dự án thực hiện khảo sát qua điện thoại từ tổng đài Viettel. Đến tháng 8 năm 2015, Viettel đã giao lại việc khảo sát cho Công ty phân tích thời gian thực (RTA) và chuyển giao công tác quản lý đường dây nóng sang Ban Quản lý Dự án tại tỉnh Quảng Trị. Bắt đầu từ tháng 11-2015, RTA thực triển khai hệ thống nhập liệu trực tuyến tại 9 văn phòng một cửa cấp huyện. Chỉ tính từ ngày 2-11 đến ngày 30-11-2015, dự án đã ghi nhận được gần 2.000 hồ sơ từ các văn phòng, những hồ sơ nhập trên hệ thống đã bảo đảm các yêu cầu của dự án...

Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2015, qua điện thoại, dự án đã tiếp cận được 2.215 trường hợp người dân đi làm thủ tục. Trong đó, số trường hợp phỏng vấn thành công là 1.758, đạt tỷ lệ 97,1%. Qua việc khảo sát, tổng đài đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp về chất lượng dịch vụ công liên quan đến thủ tục, thời gian xử lý công việc, thái độ của cán bộ tiếp nhận.

Cũng trong đầu tháng 1-2016, Tổ chức Oxfam đã tổ chức cho các phóng viên báo chí đi thực địa tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó có phóng viên Báo Quảng Bình. Trong chuyến đi này, chúng tôi ghi nhận được những ý kiến đánh giá trái chiều về việc giải quyết TTHC tại các văn phòng một cửa cấp huyện.

Anh Đoàn Thanh Hà, một người dân ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia chấm điểm cán bộ. Nhờ có Dự án Dân chấm điểm nên cán bộ làm hồ sơ cho tôi tốt hơn nhiều. Trước đây, có hiện tượng cán bộ có thái độ hách dịch, vòi vĩnh người dân, nhưng từ khi có dự án, tôi thấy cán bộ làm việc tận tình hơn nhiều”. Ông Phạm Văn Quỳ, ở thôn 8, xã Gio Hải, huyện Gio Linh nói: “So với trước đây thì bây giờ đi giải quyết TTHC dễ hơn nhiều. Tôi thấy họ làm nhanh, đúng hẹn nên rất hài lòng”.

Đa phần các ý kiến chấm điểm của người dân đối với cán bộ đều tích cực, nhất là những cán bộ tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến tỏ ra bức xúc, không hài lòng và thậm chí có người dân thẳng thắn chấm điểm 0. Anh T. B. P, một người dân ở huyện Hải Lăng tỏ ra bức xúc: “Tôi nộp hồ sơ yêu cầu chuyển đổi quyền sử dụng đất tại văn phòng 1 cửa cấp huyện. Họ hẹn 25 ngày nhưng hồ sơ đã hơn 2 tháng vẫn chưa giải quyết được, mặc dù tôi đã lên xuống văn phòng tới 7 lần để yêu cầu”.

Việc chậm trễ hồ sơ khiến gia đình anh P bị thiệt hại khá nặng nề về kinh tế. Bởi trước đó, anh đã vay nóng một số tiền khá lớn để đầu tư làm ăn. Anh nghĩ bụng, sau khi lấy được sổ đỏ, anh sẽ đem vây ngân hàng có lãi thấp hơn để trả nợ. Song sự việc kéo dài khiến anh bức xúc và thông qua tổng đài, anh đã chấm điểm.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do ông Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc thiếu trách nhiệm, chúng tôi đã có kế hoạch luân chuyển vị cán bộ này. Bởi người thường xuyên làm việc với dân cần phải có thái độ chuyên nghiệp, tận tình, nhưng người này lại thiếu điều đó”.

Theo số liệu thống kê, phần lớn các hồ sơ yêu cầu giải quyết các TTHC tại tỉnh Quảng Trị liên quan đến đất đai chiếm 78,2%; tiếp đến là đăng ký kinh doanh và cấp phép xây dựng chiếm 8,9%. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý sớm hẹn và đúng hẹn đạt trên 60%. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ được xử lý sớm hẹn đã tăng lên đáng kể, từ 32% lên 53%.

Mặc dù vậy, tỷ lệ trễ hẹn và quá hạn vẫn còn ở mức tương đối cao là 38%. Điểm trung bình người dân chấm hàng tháng đạt từ 7 đến 8 điểm. Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần người dân đều chấm điểm cao cho cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ, còn điểm thấp đều tập trung vào cán bộ giải quyết mà chủ yếu là lĩnh vực đất đai.

Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Sau một năm triển khai, Dự án Dân chấm điểm đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác và đặc biệt là các cán bộ chính quyền địa phương, văn phòng một cửa các huyện đã giúp cho công tác triển khai được tiến hành thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm hạn chế khi một số cán bộ còn tỏ ra hách dịch, thiếu nhiệt tình đối với nhân dân; cơ sở vật chất, chất lượng cán bộ còn là rào cản. Trong quá trình thực hiện Dự án Dân chấm điểm, tỉnh đã phải xử lý, điều chuyển 5 cán bộ do bị chấm điểm thấp, thiếu đạo đức công vụ khi tiếp xúc với nhân dân”.

Cũng trong buổi làm việc này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã khẳng định, CCHC là động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Vì vậy, Quảng Trị đã lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá kết quả. Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quan tâm đến công tác CCHC.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thu hút cán bộ chất lượng cao, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ để phục vụ cho công tác CCHC. Tỉnh quan tâm đầu tư cho công nghệ thông tin, kiểm soát chặt chẽ hệ thống một cửa các đơn vị, địa phương nhằm thực hiện việc xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Xuân Vương