.

Những tài năng về đâu!

Thứ Bảy, 27/09/2014, 18:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Bấy lâu nay, “chảy máu tài năng” là cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong làng thể thao, đặc biệt là với những địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Ấy vậy, chỉ sau một thời gian, từ chỗ được xem như một hiện tượng, tạo chú ý trong dư luận, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều cấp, ngành liên quan, thì nay “chảy máu tài năng” trong thể thao đã được xem như một chuyện “đương nhiên”, tất yếu sẽ xảy ra với các địa phương nghèo, như vốn dĩ quy luật “có tiền thì đầu tư, không tiền thì đành chịu”...

Những ngày này, “kình ngư” một thời Phạm Thị Huệ (Võ Ninh, Quảng Ninh) khá nhàn nhã với công việc quản lý quán Internet của gia đình. Cô gái vốn dân sông nước nổi bật với chiều cao vượt trội, đôi tay dài và đặc biệt là một làn da trắng xinh tươi.

Huệ cười, chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, vì không tham gia tập luyện, thi đấu, hạn chế tiếp xúc với nắng và hóa chất ở bể bơi, cho nên, da em mới trắng như thế này”. Nhìn Huệ, sẽ thật khó để mường tượng ra hình ảnh một “chiến binh” dũng mãnh trên đường đua xanh năm nào, người đang nắm giữ không ít kỷ lục quốc gia mà đến tận bây giờ vẫn chưa có ai vượt qua được.

Còn nhớ vào thời điểm năm 2011, khi Phạm Thị Huệ vừa bước qua tuổi 21-độ tuổi sung sức, tỏa sáng nhất của một vận động viên đỉnh cao, hầu hết chuyên gia nhận định, ở các cự ly 50, 100 và 200 mét bơi ếch nữ Việt Nam, không ai có thể qua được trình độ bơi của Huệ. Thành tích 1’10’’64 mà Huệ lập được ở nội dung 100 mét bơi ếch nữ tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2010 đã phá kỷ lục quốc gia, kỷ lục Đại hội.

Cũng tại đại hội này, Huệ đã trở thành hiện tượng nổi bật với 5 huy chương vàng bơi lội và được xem là niềm hy vọng vàng hiếm hoi của bơi lội nữ Việt Nam. Và cũng ở thời điểm đó, Phạm Thị Huệ đã có một quyết định đầy ngỡ ngàng, tốn không ít giấy mực của báo chí khi “quyết tâm” từ giã làn đua xanh, trở về cuộc sống đời thường, chỉ vì một lý do không thể thuyết phục hơn “lấy chồng”.

Với bất kỳ vận động viên nào, cuộc sống sau khi từ giã sự nghiệp luôn là trận thi đấu cam go và khó khăn nhất.
Với bất kỳ vận động viên nào, cuộc sống sau khi từ giã sự nghiệp luôn là trận thi đấu cam go và khó khăn nhất.

Giờ đây, sau hơn 3 năm kể từ ngày chia tay với bơi lội, Phạm Thị Huệ đã là mẹ của một cô con gái xinh xắn và dần quen với công việc tại quán Internet. Tuy vậy, Huệ tâm sự, nhiều lần cô vẫn nhớ đến quay quắt những ngày tháng luyện tập miệt mài trước đây và nhất là nhớ không khí căng thẳng, giằng co của mỗi cuộc thi đấu, nhớ niềm hân hoan trào dâng khi cán đích đầu tiên. 10 tuổi đã gắn bó với đường đua xanh, không dễ gì dòng máu nóng đam mê bơi lội có thể nguội tắt trong “kình ngư” trẻ tuổi.

Lý giải nguyên nhân từ bỏ bơi lội của mình, Huệ cho biết, với giáo án tập luyện khá nặng, trong khi, mức hỗ trợ, đãi ngộ cho vận động viên tại thời điểm đó lại không cao, tương lai theo nghiệp thể thao lâu dài khó có thể được xác định rõ, và cuối cùng, cô đã đưa ra quyết định đầy tiếc nuối trên. Giờ đây, theo Phạm Thị Huệ, dù muốn quay lại, cũng hầu như không thể, bởi cô đã qua tuổi sung sức và con cái cũng là một áp lực không hề nhỏ.

Trở lại cuộc sống thường ngày khi vẫn chưa có được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, mở quán Internet dù sao vẫn là một lối đi không quá khó khăn đối với cặp vợ chồng trẻ này. Thỉnh thoảng, mỗi khi nhớ nghề, Huệ lại tham gia các giải đấu cấp huyện, tỉnh để vừa thoải mái tâm lý, vừa vơi bớt nỗi vấn vương với bơi lội.

Và mới đây nhất, người yêu thể thao bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của vận động viên bơi lội Trần Xuân Hiền khi tuổi đời còn rất trẻ. Chẳng ai có thể ngờ rằng, sau khi từ giã đường đua xanh, niềm hy vọng số 1 của bơi lội Việt Nam một thời lại có số phận nghiệt ngã đến như vậy khi phải chật vật kiếm sống nơi đất khách quê người.

Đến tận bây giờ, khi nhắc lại, không ít ý kiến vẫn cho rằng, ngày đó, nguyên nhân chính là bởi anh mắc “bệnh ngôi sao” hay thiếu ý thức kỷ luật để sớm phải chia tay với bơi lội, dù là một tài năng lớn. Nhưng, suy cho cùng, tuổi trẻ chắc chắn sẽ không tránh khỏi những nông nổi, bột phát và nếu cấp trung ương hay địa phương không kịp thời có những hướng đi mới sau khi vận động viên qua thời kỳ đỉnh cao, trở về cuộc sống bình thường thì chắc chắn, niềm tiếc nuối sẽ không chỉ dừng ở trường hợp của anh Trần Xuân Hiền.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo huấn luyện thể dục thể thao, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, hầu hết các vận động viên của tỉnh ta qua thời kỳ đỉnh cao đều làm đơn xin đi học cao hơn và Trung tâm luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Nhưng, chỉ một vài trường hợp hiếm hoi được nhận vào làm huấn luyện viên, bởi số lượng biên chế khá ít ỏi.

Chính vì vậy, nỗi lo về tương lai của các vận động viên khi qua thời kỳ đỉnh cao luôn là một trong những nguyên nhân tác động đến “chảy máu tài năng” trong thể thao tỉnh nhà. Những hứa hẹn về tương lai, cùng với chế độ đãi ngộ tốt từ tỉnh bạn luôn là động lực lớn để thúc đẩy không ít vận động viên tài năng quyết tâm lập nghiệp nơi đất khách quê người.

Thực tế cho thấy, sự “chảy máu” này xảy ra ngay từ khi vận động viên còn ở lứa tuổi thiếu niên. Bởi, các huấn luyện viên tỉnh bạn sẽ về thẳng địa phương, bằng con mắt nhà nghề, họ tự tuyển chọn, trao đổi trực tiếp với phụ huynh và đưa vận động viên đi huấn luyện. Thậm chí, ngay cả ở những câu lạc bộ thể thao hè do tỉnh ta tổ chức để tìm kiếm tài năng trẻ cũng là đích ngắm của những vị huấn luyện viên này.

Theo thống kê sơ bộ, thời gian gần đây, mỗi năm, toàn tỉnh có từ 20-30 em được các tỉnh bạn tuyển chọn để đào tạo, chủ yếu là môn bơi lội. Đó chính là lý do giải thích nguyên nhân vì sao đội tuyển bơi lội Đà Nẵng có tới hơn 60% là con em Quảng Bình.

Mặc dù tỉnh ta còn nghèo, nhưng cũng đã rất quan tâm và thường xuyên nỗ lực nâng cao mức sống và có sự hỗ trợ, khích lệ kịp thời đối với các vận động viên, đặc biệt là vận động viên thành tích cao. Tuy nhiên, về lâu về dài, để góp phần hạn chế sự “chảy máu tài năng” và tránh lãng phí những vận động viên tiềm năng, tỉnh ta cần xây dựng một lộ trình dài hơi về tương lai của vận động viên sau khi giải nghệ, bên cạnh việc đẩy mạnh khâu tuyên truyền hay nâng các khoản hỗ trợ kinh phí.

Có như vậy, các vận động viên mới thực sự yên tâm, dốc toàn lực cho thể thao và cuộc sống sau này của họ mới được bảo đảm, ổn định.

Mai Nhân