.

Chút Mút bản xa

Thứ Năm, 25/09/2014, 19:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Đêm trăng thu, hàn huyên bao chuyện về một thời quá khứ chưa xa của những người con mang họ Hồ ở tận cùng con đường 16 thuộc xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tôi càng thấm thía hơn về mảnh đất và con người nơi thâm u miền sơn cước này. Ngày chiến tranh, đường 16 là tuyến đường huyết mạch trong hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại và tương lai gần là cung đường mở của sự giao lưu về kinh tế và văn hóa, xã hội giữa hai nước Việt-Lào anh em, khi cửa khẩu Chút Mút- Rà Vơn chính thức hoàn thành.

Trải dài từ km 40 đến km 46, bản Chút Mút có 44 hộ/213 nhân khẩu. Đồng bào Bru Vân Kiều chiếm đa số. Theo các già làng thì bản Chút Mút được tách ra từ bản Eo Bù, bởi vậy, đến bây giờ dân bản vẫn thường gọi quê hương mình với cụm từ Eo Bù- Chút Mút. Ngày trước, người dân ở đây khổ lắm. Con đường đến với bản là đường độc đạo dọc theo con suối Rào Reng.

Mùa mưa, nước suối dâng cao, người dân phải men theo bờ đá chênh vênh bên suối. Mùa nước cạn, đôi chân trần lại lam lũ ngược xuôi giữa lòng suối khô khốc. Từ trung tâm xã, muốn lên đến bản phải mất hơn nửa ngày đường. Con em trong bản đến độ tuổi đi học phải về tận trung tâm xã để theo cái chữ. Vì con đường đến với cái chữ khá khó khăn, nên phần lớn con em dân bản đều mù chữ. Các hủ tục, mê tín dị đoan, ma chay cúng bói luôn ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào. Đời sống của họ chủ yếu dựa vào rừng, chặt, đốt, cốt, trỉa, săn bắt, hái, lượm nên không thể tránh khỏi cảnh thiếu đói, ốm đau, bệnh tật...

Cầm điếu thuốc lào rít sâu một hơi, già làng Hồ Mưa đưa mắt nhìn về góc trời biên giới trong vẻ trầm mặc. Đến bây giờ, Hồ Mưa không còn nhớ năm nay mình đã bước sang mùa rẫy thứ bao nhiêu nữa, mà chỉ nhớ cái ngày đương trai chính ông đã trồng cây si nay gần sáu mươi năm tuổi ở đầu bản. Gốc gác của bà con ở bản Chút Mút này ngày trước là ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, họ về đây quy tụ thành bản nhỏ rồi phát triển dần. Cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở bản Chút Mút thực sự được cải thiện hơn kể từ khi có dự án 135 vào năm 2005. Trường học mới được xây dựng khang trang. Con em trong bản phấn khởi đến trường. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, công trình đập ngăn nước Rào Reng phục vụ cho sản xuất được xây dựng.

Người dân Vân Kiều ở đây đã hăng say lao động sản xuất, khai hoang phục hóa trên diện tích đất 10 ha, trong đó diện tích làm lúa nước chiếm 3,5 ha, còn lại là đất trồng các loại cây ngô, khoai, đậu... Kiên trì bám trụ với dân, với bản, những người lính biên phòng ở tổ công tác địa bàn nguyện dốc hết tâm và  lực của mình, để làm giúp đồng bào vượt qua ngưỡng của đói nghèo và lạc hậu. Nhận thức của người dân có hạn, các anh đã vận dụng bài học "dân vận khéo" trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho dân thực hiện những cách làm hay và hiệu quả.

Dưới ánh đèn lập lòe được phát lên từ máy thủy điện nhỏ tự chế của bà con dân bản, già làng Hồ Mưa thả giọng khàn đục đầy chân chất: "Bà con ở đây khổ cũng đã nhiều rồi, quen rồi, mong sao Đảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, đầu tư giúp đỡ cho đồng bào có đất đai để trồng cái cây, xây trường lớp ổn định để con, em học chữ. Nay thì thực ra trường cũng đã có nhưng học sinh học đến lớp 5 là phải ra trung tâm xã để học nên xa lắm. Con em trong bản đi lại vất vả nhiều, mần răng đó để có điều kiện cho con em học chữ tốt hơn. Cũng may mà bên cạnh bà con khi nào cũng có các chú bộ đội biên phòng động viên giúp đỡ...".

Hơn ba mươi năm gắn bó với vùng biên cương xa ngái, anh Võ Quang Tình- một người dân ở đồng bằng lên đây làm ăn, sinh sống bằng nghề buôn bán hàng hóa phục vụ nhu yếu phẩm cho đồng bào bộc bạch: "Có ở mới hiểu, có đi mới biết, trong điều kiện nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, các anh biên phòng về đây cắm bản đã phải dày công hơn nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Trong cuộc sống sinh hoạt với bà con, các anh đã tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho từng hoàn cảnh riêng của từng gia đình, tìm hiểu kỹ tâm tư nguyện vọng của người dân để từ đó tham mưu cho đơn vị cùng chính quyền và nhân dân địa phương đưa ra những giải pháp có hiệu quả và tạo lòng tin với dân, với bản...".

Câu nói của một người dân đồng bằng lên đây chung sống với bà con dân bản đã nhiều năm mãi để lại trong tôi những cảm nhận đáng trân trọng. Bởi lẽ, chính họ là những người hơn ai hết am tường và hiểu một cách khách quan về tình cảm quân và dân nơi miền biên giới.

Đưa chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình đồng bào nằm về phía cuối bản, Thượng tá Lưu Anh Tuấn, Chính trị viên đồn Biên phòng Làng Ho cho chúng tôi biết thêm: "Qua khảo sát tình hình thực tế ở địa bàn nội, ngoại biên thuộc đồn phụ trách thì hai bản Chút Mút của Việt Nam và Rà Vơn của Lào có điều kiện địa lý tương đối gần nhau và có thể tổ chức kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới. Nếu chương trình này thực hiện thành công thì thực sự mang ý nghĩa và tạo thế trận vững chắc cho vùng biên cương...".

Minh Lợi