.

Phục thiện nhờ xã hội

Thứ Năm, 25/09/2014, 18:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương là một chủ trương lớn, thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện cho người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra tù. Từ khi triển khai Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan ban ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, quần chúng nhân dân tỉnh ta đã nỗ lực cố gắng thực hiện tốt công tác này, với rất nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo thiết thực...

Cải tạo được một con người một thời lầm lỗi trở thành người lương thiện đã rất khó nhưng để giúp đỡ họ không tái phạm lại là một việc làm khó hơn rất nhiều lần, bởi con đường hoàn lương là cả quá trình đấu tranh tư tưởng, xuất phát từ chính nghị lực của người tái hòa nhập cộng đồng.

Xác định được vấn đề này, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Công an tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt các quy định của Nghị định 80/2011/NĐ-CP theo chức trách của mình; phối hợp với Ủy ban MTTQ, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội trên địa bàn xây dựng các mô hình, nhân rộng các điển hình tiên tiến, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Đặc biệt, Công an tỉnh luôn coi trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc hướng dẫn, quán triệt, phổ biến và tuyên truyền nghị định đến mọi người dân, cùng phối hợp thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Với sự quan tâm, chung sức của các cơ quan đoàn thể, cùng cộng đồng đã tạo động lực giúp những người chấp hành xong án phạt tù vượt qua mặc cảm, tự ti vươn lên làm lại cuộc đời và góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn. Một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả rõ rệt được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn phối hợp thực hiện thời gian qua là công tác phát động phong trào "Toàn dân tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù" tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm trở lại.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền được các địa phương thực hiện như: tổ chức hội nghị trong nhân dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình các mô hình, điển hình thực hiện tốt Nghị định 80/CP của Chính phủ để mọi người nâng cao nhận thức, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù; tạo việc làm, cho họ vay vốn để giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, không tái phạm và vi phạm pháp luật...

Lực lượng Công an cùng các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Việt Hùng
Lực lượng Công an cùng các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Việt Hùng

Phong trào “Toàn dân giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù” thông qua nhiều hình thức tuyên truyền  thực sự  đã tạo hiệu ứng tích cực đối với các tầng lớp nhân dân. Nhiều người dân đã có thái độ đúng đắn, cởi mở hơn đối với những người chấp hành xong án phạt tù chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội bằng việc xây dựng nhiều mô hình điển hình tiên tiến nhằm giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Điển hình là mô hình "5 giúp 1" ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy;  mô hình "2 giúp 1" ở xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy; mô hình "Làng nghề cho người lao động và tái hòa nhập cộng đồng"; mô hình  "Tổ hợp tác khai thác thủy sản" ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; mô hình "Câu lạc bộ phụ nữ vận động con em, người thân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội" ở xã Đại Trạch, Bố Trạch... Nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được các tổ chức của mô hình thường xuyên đến động viên, phân tích điều hay, lẽ phải.

Thấu hiểu được việc làm có ích mà mô hình mang lại cho bản thân mình và xã hội, nhiều người đã dần xóa đi mặc cảm, tự vươn lên khẳng định chính bản thân mình bằng rất nhiều những việc làm có ích cho gia đình và xã hội. Ở tiểu khu 3, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa có trường hợp anh Hoàng Thế An vừa chấp hành xong án phạt tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trở về địa phương năm 2012.

Những ngày đầu trở lại với cuộc sống của một công dân bình thường, với anh thật khó khăn. Anh ngại giao tiếp với những người xung quanh kể cả người thân, họ hàng, làng xóm bởi mặc cảm tội lỗi vẫn còn đè nặng. Hiểu được những khó khăn anh gặp phải khi tái hòa nhập cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương mà nòng cốt là lực lượng Công an xã, Công an huyện, người thân, bạn bè, hàng xóm đã trực tiếp đến tận gia đình gặp gỡ, chia sẻ với anh những vấn đề còn khúc mắc, đồng thời động viên, giúp đỡ, cho anh vay vốn làm ăn.

Sau nhiều nỗ lực mưu sinh, từ hai bàn tay trắng và chỉ sau gần 2 năm, giờ đây, anh An đã mua được 2 xe ô tô, nhiều máy móc hiện đại, nhận thầu nhiều công trình xây dựng lớn trên địa bàn, có thu nhập mỗi tháng từ 15 đến 20 triệu đồng, tạo được việc làm cho nhiều thanh niên ở trên địa bàn.

Cũng có chung tâm trạng như anh Hoàng Thế An, nhưng anh Lê Văn Chiến ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch lại có một công việc khá thú vị xuất phát từ chính niềm đam mê của anh, đó là nghề mộc mỹ nghệ.

Trong thời gian ở trại giam, Chiến đã không ngần ngại thể hiện niềm đam mê của mình bằng việc vừa học vừa làm. Được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của cán bộ quản giáo, đã giúp tay nghề điêu khắc cùa Chiến ngày càng điêu luyện và sớm cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị về nghệ thuật và kinh tế. Giờ đây cơ sở mộc mỹ nghệ của anh Chiến đã có bước phát triển, thu nhập hàng tháng lên đến vài chục triệu đồng. Nhưng trên hết Chiến đã thực hiện được niềm mong ước của mình là hướng thiện ngay chính trên quê hương, để có điều kiện giúp những người cùng cảnh ngộ, trở về trên nẻo sáng hoàn lương.

Có thể khẳng định, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, ở Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, chứa đựng tinh thần nhân văn cao đẹp vì sự ấm no, bình yên và hạnh phúc cho con người và cho toàn xã hội. Đó cũng chính là việc làm được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an và quần chúng nhân dân trên địa bàn đang ngày đêm kiên trì thực hiện, góp phần tạo điều kiện cho những con người một thời lầm lỗi nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

T.H