.

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ động đối phó với mọi tình huống của thiên tai, bão lũ

Thứ Năm, 25/09/2014, 07:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với các địa phương và cơ quan chức năng, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra do mưa bão.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh có 14 đơn vị trực thuộc, quản lý, bảo vệ 2 tuyến biên giới, trong đó tuyến biên giới Việt - Lào có 7 đồn biên phòng; tuyến biển có 5 đồn biên phòng, 1 hải đội và 1 tiểu đoàn huấn luyện cơ động đều nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới và ngập lụt khi triều cường.

Bởi vậy, trước mùa mưa bão, các đơn vị trực thuộc đã quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các văn bản của Trung ương và địa phương về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT). Cụ thể, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị nắm chắc diễn biến, tình hình khí hậu thời tiết cũng như thiên tai, tai nạn trên hai tuyến biên giới, vùng biển để chủ động tham mưu, xử lý hiệu quả các tình huống xấu xảy ra.

Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm thông tin tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ trong ngày. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế ở từng thời điểm, địa bàn để có phương án bổ sung, xây dựng kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan tham mưu, đề xuất Bộ Tư lệnh điều động, sử dụng phương tiện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác PCLB-GNTT được lực lượng BĐBP tỉnh thực hiện tốt là kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-GNTT cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc; bổ sung số liệu điều tra cơ bản, nắm chắc những khu vực xung yếu để tham mưu phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức khảo sát cắm biển báo và có phương án di dời dân đến nơi an toàn.

Mặt khác, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện ở những vị trí thuận lợi nhằm sẵn sàng cơ động ứng cứu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia PCLB trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, đặc thù của lực lượng BĐBP tỉnh cũng như các địa phương khi tham gia PCLB là phải bảo đảm thông tin liên lạc. Bởi vậy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khai thác có hiệu quả mạng thông tin tìm kiếm cứu nạn của Bộ chỉ huy và các đơn vị. Chấp hành nghiêm chế độ trực canh trên các tần số quy định, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đài bờ của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT), hợp đồng thông tin với địa phương, gia đình chủ thuyền, chủ tàu cá xa bờ để nắm tình hình, kịp thời thông báo, kêu gọi tàu thuyền di chuyển phòng tránh bão.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhật Lệ bảo dưỡng phương tiện, chủ động phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhật Lệ bảo dưỡng phương tiện, chủ động phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện công tác PCLB-GNTT, bởi vậy, ngay trước mùa mưa bão, Bộ chỉ huy BĐBP và các đơn vị trực thuộc đã đẩy mạnh công tác này, vận động quần chúng nhân dân ở địa bàn 2 tuyến biên phòng nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác; ý thức tự bảo vệ, chủ động phòng ngừa thiên tai, thảm họa.

Lực lượng Biên phòng cũng đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn cho các đối tượng; tham gia diễn tập ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các cấp; phối hợp tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về công tác PCLB, GNTT và TKCN năm trước, bổ sung nhiệm vụ năm sau và thống nhất giải pháp thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị luôn sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh của trên và yêu cầu của địa phương.

Đặc thù của tỉnh ta là một tỉnh ven biển, có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn, nên công tác PCLB-GNTT càng phải được coi trọng. Ngoài đơn vị Hải đội 2, các đồn biên phòng tuyến biển cũng đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Bộ chỉ huy về công tác này.

Trung tá Đặng Văn Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: Trên cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận thuộc quyền, nhất là trạm, tổ, đội công tác, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban, ngành chức năng, các chủ tàu, thuyền trưởng để làm tốt công tác điều tra, thống kê. Qua đó, nắm cụ thể số lượng thuyền viên, phương tiện của địa phương, khu vực, ngành nghề hoạt động, đặc biệt là số tàu thuyền hoạt động xa bờ để kịp thời thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới, tham gia TKCN khi có tình huống xấu xảy ra.

Địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Nhật Lệ có 32km bờ biển thuộc 4 xã, phường của thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh. Số lượng tàu thuyền hiện có của các địa phương này lên đến 866 tàu, trong đó có 210 tàu có công suất từ 90cv trở lên và gần 130 tàu đánh bắt hải sản vùng xa nên công tác bảo đảm thông tin liên lạc có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão.

Bởi vậy, Chỉ huy đồn đã chỉ đạo thực hiện đăng ký danh sách tàu thuyền theo từng hộ dân, có hợp đồng thông tin riêng với từng tàu để chủ động liên lạc nhằm thường xuyên cập nhật vị trí cũng như thông báo, hướng dẫn phòng tránh bão. Ngoài ra, đơn vị cũng đã chủ động nắm số điện thoại của từng gia đình có tàu cá để chủ động liên lạc trong những thời điểm cần thiết.

Định kỳ và trước mùa mưa bão hàng năm, Đồn Biên phòng Nhật Lệ luôn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra an toàn phương tiện, hệ thống phao, máy móc và thông tin liên lạc một cách nghiêm túc. Chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng các tổ, đội tàu cá đoàn kết, giúp đỡ nhau trong khai thác hải sản trên biển cũng như phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Cũng theo đồng chí trung tá Đặng Văn Hoàng, những khó khăn trong thực hiện công tác PCLB-GNTT mà đơn vị gặp phải là tâm lý giấu ngư trường cũng như chủ quan của các ngư dân vẫn còn. Họ cố tình không thông báo chính xác vị trí đánh bắt trong những thời điểm cụ thể. Về phương tiện, đơn vị đã được trang bị 3 ca nô nhưng chỉ có hai xe kéo nên rất khó khăn trong những thời điểm cần sự cơ động cùng lúc của tất cả các phương tiện.

Trong công tác bảo đảm thông tin, đơn vị cần được trang bị thêm một máy I-Com để bố trí cho lực lượng tại Trạm Kiểm soát vào thời điểm mưa bão, nhằm chủ động liên lạc. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần chủ động bố trí khu neo đậu tàu thuyền hợp lý để bảo đảm an toàn trước, trong và sau mưa bão.

Nguyễn Hoàng