Nhà máy dong riềng chế biến... bột sắn?

Cập nhật lúc 08:08, Thứ Hai, 01/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2008, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh xây dựng dự án đầu tư Nhà máy chế biến tinh bột dong riềng (đặt tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh). Thấy dự án đầu tư phát triển và chế biến sản phẩm nông sản cho nông dân nên UBND tỉnh đã đồng ý cấp phép và thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nhà máy này. Bỏ qua việc phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng, không thu mua dong riềng cho nông dân, nhà máy tinh bột Long Giang quay sang thu mua và chế biến tinh bột sắn...Việc làm này khiến người dân bức xúc...

Bội ước với người nông dân

Nhà máy tinh bột Long Giang được đầu tư xây dựng với mục đích chế biến tinh bột dong riềng. Thấy đây là nhà máy để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất trồng trọt, tạo và tăng thu nhập cho bà con nông dân nên UBND tỉnh đã ưu tiên đầu tư và áp dụng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi.

Từ năm 2009, nhà máy có thực hiện chủ trương hỗ trợ giống cây dong riềng cho một số bà con nông dân ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, nhằm từ đó phát triển rộng vùng nguyên liệu bảo đảm cho nhà máy hoạt động. Thấy trồng cây dong riềng cũng dễ, tận dụng được các vùng đất nên bà con nông dân hồ hởi đón nhận và đầu tư trồng với hy vọng nâng cao thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Luyến:
Chị Nguyễn Thị Luyến: "Trồng dong riềng nhưng nhà máy không thu mua".

 

Chị Nguyễn Thị Luyến (xóm Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: "Năm trước, nhà máy có vận động và gia đình tôi có trồng tận dụng mấy thước đất trong vườn nhà. Khi thu hoạch được hơn tấn củ. Nhà máy có thu mua giá 500 đồng/kg, được 500.000 đồng. Thấy cũng có lãi, dễ trồng và tận dụng các loại đất góc vườn, đất thẻo bờ ao nên năm sau, nhà trồng lên gần một sào. Nhưng hơn năm nay, chờ mãi, chẳng thấy nhà máy thu mua nên cũng phải đào bỏ để trồng cây khác". Cạnh nhà chị Luyến, có nhà ông Quyết cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Quyết có diện tích cây dong riềng nhiều hơn nhà chị Luyến và cũng đã phải đào bỏ đi để lấy đất trồng cây khác.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi vận động bà con nông dân trồng trên 6 ha cây dong riềng nguyên liệu cho nhà máy chế biến dong riềng Long Giang. Thế nhưng khi bà con thu hoạch thì chẳng thấy nhà máy thu mua như đã hứa, khiến nhiều gia đình phải đào bỏ đi vì không làm gì được".

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với các phóng viên, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Nhà máy tinh bột Long Giang cho rằng nhà máy đang thiếu nguyên liệu. Khi được thông tin nông dân đang nhổ bỏ cây dong riềng thì ông Khoa cho hay  là sẽ "chỉ đạo" cán bộ thị trường kiểm tra lại ở các địa phương; đồng thời lý giải rằng tại thời điểm này (vào cuối tháng 9) thì cây dong riềng chưa có bột nên khó thu mua?

Đề cập đến vấn đề sống còn của nhà máy là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ông Lê Văn Khoa thừa nhận rằng rằng: "Cho đến nay thì vùng nguyên liệu của nhà máy cũng chưa thể xác định được là bao nhiêu”.

Thu mua "chụp giật" nguyên liệu sắn

Không đi đúng mục tiêu dự án là thu mua, chế biến tinh bột dong riềng, nhà máy tinh bột Long Giang lại quay sang thu mua và chế biến tinh bột sắn với lý do thiếu nguyên liệu.

Chúng tôi vào nhà máy cũng xế trưa, tiếng máy chạy ầm ầm và ở khu sản xuất mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trên sân, hàng trăm tấn sắn nguyên liệu được thu mua chất tràn bãi chứa. Ông Khoa cho hay, mỗi ngày nhà máy sản xuất tiêu thụ khoảng 150 tấn sắn nguyên liệu. Hỏi vì sao không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu để giúp bà con nông dân tăng thu nhập và ổn định lâu dài cho nhà máy lại chuyển hướng sang thu mua chế biến tinh bột sắn, tranh mua với nhà máy khác đã được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu?- ông Khoa lấp lửng cho rằng: “Đó là sự kết hợp vì không sản xuất dong riềng thì sản xuất tinh bột sắn và chẳng ảnh hưởng gì đến môi trường".

Việc Nhà máy tinh bột Long Giang không thu mua, sản xuất dong riềng mà quay sang chế biến tinh bột sắn, dư luận cho rằng nhà máy lập lờ để nhận được sự ưu đãi của tỉnh, sau đó quay lưng lại với bà con nông dân.

Cách đây mấy tháng, khi nhà máy này đi vào sản xuất và chế biến tinh bột sắn, mùi hôi làm ô nhiễm môi trường khiến người dân sống trong khu vực xung quanh nhà máy đã kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin nhà máy tinh bột Long Giang sản xuất gây ô nhiễm. Chi cục đã yêu cầu nhà máy thực hiện hậu DTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể và sẽ xử lý nghiêm sai phạm".

                                                                  Nguyễn Thạch Bắc     

 

,
.
.
.