Kiên quyết xử lý theo quy định các hộ dân lấn chiếm đất

Cập nhật lúc 08:04, Thứ Năm, 26/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh,  Sở Tài nguyên - Môi trường vừa chủ trì việc họp bàn biện pháp giải quyết việc 20 hộ dân của thị trấn Việt Trung lấn chiếm đất thuộc quyền quản lý của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh ở thung lũng Ồ Ồ thuộc tiểu khu 9 và tiểu khu Dũng Cảm của thị trấn Việt Trung. Tham dự cuộc họp có các ngành, đơn vị liên quan.

Theo báo cáo thẩm  tra, xác minh vụ việc này của Sở Tài nguyên - Môi trường thì vào khoảng tháng 6-2009 đến tháng 5-2010 đã có 20 hộ dân địa phương vào phát thực bì để trồng cây với diện tích 49,05 ha tại thung lũng Ồ Ồ thuộc tiểu khu 9 và tiểu khu Dũng Cảm của thị trấn Việt Trung. Đây là khu vực đất thuộc quyền quản lý và sử dụng của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã được UBND tỉnh giao theo Quyết định số 180/QĐ-UB, ngày 10-3-1993 và Quyết định số 339/QĐ-UB ngày 19-4-1994.

Khi các hộ dân đến phát thực bì để trồng cây, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhiều lần phối hợp với UBND thị trấn Việt Trung tổ chức mời các hộ dân đến họp để tuyên truyền, giải thích nhiều lần nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành. Đáng nói là trong quá trình giải quyết  việc chiếm đất của 20 hộ dân đã xảy ra vụ án chống người thi hành công vụ và Tòa án Quân sự Quân khu IV đã xét xử và tuyên phạt tù đối với 5 đối tượng thuộc các hộ dân có vi phạm chiếm đất. UBND thị trấn cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số hộ và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã đứng ra ngăn cản, nhưng các hộ dân vẫn cố tình làm liều.

Trong quá trình giải quyết vụ việc (từ cuối năm 2011 đến nay), đoàn Thanh tra của Sở Tài nguyên - Môi trường đã giải thích rõ việc các hộ dân tự ý phát thực bì, chiếm đất và trồng cây trên khu đất của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã được Nhà nước giao quản lý và sử dụng là vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, các hộ dân đã vi phạm điều 15 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1, điều 10 Nghị định số 182/2004/NĐ-CP, ngày 29-10-2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khoản 3, điều 9 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, ngày 11-11-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đa số các hộ dân sau khi được giải thích đều đã thừa nhận việc làm của mình là sai, song các hộ lại không có tinh thần hợp tác, chấp nhận việc thương thảo và hòa giải với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trong việc giải quyết vụ việc này. Có 5 hộ đề nghị được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí mà các hộ đã bỏ ra đầu tư trên đất, tuy nhiên sau đó các hộ này lại không gặp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để thương thảo và hòa giải...

Sau khi nghe Sở Tài nguyên - Môi trường, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Bố Trạch, UBND thị trấn Việt Trung trình bày diễn biến vụ việc; các cơ sở pháp lý chứng minh quyền quản lý và sử dụng đất của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đối với diện tích đất mà 20 hộ dân đã chiếm dụng như đã nói trên, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến, đề xuất về biện pháp giải quyết vụ việc và  đi đến thống nhất như sau: Qua vụ việc này cho thấy, nếu cơ quan Nhà nước không kiên quyết xử lý sẽ tạo tiền lệ không tốt, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tranh chấp, lấn, chiếm đất đai như ở xã Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh), xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), thị trấn Việt Trung (Bố Trạch)...

Việc các hộ dân tự ý phát thảm thực bì chiếm đất và trồng cây trên khu vực đất của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã được Nhà nước giao quản lý, sử dụng là vi phạm pháp luật đất đai; phải giải tỏa tài sản trên đất để trả lại cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh sử dụng theo quy hoạch. Theo quy định của pháp luật đất đai thì các hộ dân không được bồi thường về đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích của các hộ dân đã có công khai hoang, phát thực bì, trồng rừng..., đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh xem xét phối hợp với chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ tài sản hiện có trên đất cho các hộ dân.

Để thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc giải quyết vụ việc này phải làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục, phân loại đối tượng để có những biện pháp thích hợp, bảo đảm lợi ích của người dân, của Nhà nước. Quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.  Trước mắt giao cho UBND huyện Bố Trạch, UBND thị trấn Việt Trung và các tổ chức của Ủy ban Mặt trận phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động thuyết phục để các hộ dân tự nguyện giải toả cây trồng trên đất lấn chiếm trả lại đất cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Trong trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không thực hiện thì căn cứ vào điều 5, Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khoản 2, điều 182 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, UBND thị trấn Việt Trung phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hộ về hành vi chiếm đất. Đề nghị Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn cho UBND thị trấn thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.

Sau đó căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 5 và khoản 4, điều 9 Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để Chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Hết thời gian quy định tại quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của UBND thị trấn Việt Trung (10 ngày theo quy định tại điều 5 của Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 26-8-2010 của Bộ Tài nguyên -Môi trường) mà các hộ dân không giải toả thì Chủ tịch UBND thị trấn Việt Trung tiếp tục ra quyết định cưỡng chế.  Quá thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mà đối tượng chưa chấp hành khôi phục lại tình trạng của đất thì tổ chức lực lượng cưỡng chế.

                                                                                                               Đ. T

,
.
.
.