Bài viết dự thi "Vì an toàn giao thông":

Đi tìm "lời giải" về ATGT đường thủy ở tỉnh ta - Kỳ 1: Nhiều chủ đò, hành khách đang đùa với "hà bá"

Cập nhật lúc 08:06, Thứ Ba, 24/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày đầu tháng 4-2012, phóng viên Báo Quảng Bình đã có chuyến thực địa tại nhiều tuyến sông, các bến đò dọc, đò ngang ở tỉnh ta để tìm hiểu về thực trạng, ý thức chấp hành của chủ đò, người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Và một điều đáng buồn là nhiều chủ đò và hành khách vẫn đang liều lĩnh đưa tính mạng bản thân đánh cược với "thủy thần"...

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra không ít vụ đắm đò thương tâm gây chết người. Nghiêm trọng nhất là vụ chìm đò đau lòng xảy ra ở sông Gianh ngày 25-1-2009 (30 Tết Kỷ Sửu) làm thiệt mạng hơn 42 người dân ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch... Đó là những bài học "đắt giá" để các chủ đò, hành khách tham gia giao thông đường thủy, chính quyền các địa phương... rút kinh nghiệm để chấp hành Luật ATGT đường thủy một cách tốt hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ở tỉnh ta có khá nhiều chủ đò, hành khách vẫn xem thường pháp luật về an toàn giao thông đường thủy...     

Hành trình của chúng tôi được bắt đầu từ phía thượng nguồn sông Son xuôi về phía hạ nguồn, cách trụ sở UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch chừng 5 km, chứng kiến 2 chiếc đò chèo tay đang hoạt động chở khách qua lại sông Son thiếu sự an toàn cao độ. Theo tìm hiểu, được biết 2 chiếc đò này đã hoạt động từ nhiều năm nay (một chiếc chở khách từ Phong Nha sang vùng Trằm và một chiếc chở khách từ vùng Trằm sang vùng Mé). Hành khách đi đò chủ yếu là người dân bản địa.

Áo phao, phao cứu sinh ở nhiều chiếc thuyền của  Đội thuyền Du lịch Phong Nha chỉ để làm... “kiểng”.
Áo phao, phao cứu sinh ở nhiều chiếc thuyền của Đội thuyền Du lịch Phong Nha chỉ để làm... “kiểng”. Ảnh: V.M

Điều đáng nói, những chiếc đò này trong mỗi chuyến qua sông thường chở theo khá nhiều người, xe máy nhưng hầu như không một ai mặc áo phao. Đem vấn đề này trao đổi với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thì được biết hiện hai bến đò này đã bị đình chỉ hoạt động. Hai chủ đò không có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và đò chưa được đăng ký, đăng kiểm. Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, vẫn biết hai "bến đò lậu" đang hoạt động ở thôn Trằm, Mé nhưng do địa hình thôn nằm ở vị trí cồn bãi, bốn bề bị bao bọc bởi sông ngòi nên chúng tôi đành chấp nhận "làm lơ" cho người dân đi lại...

Khoảng 8 giờ sáng ngày 16-4-2012, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục có mặt tại bến đò dọc Xuân Sơn, xã Sơn Trạch để quan sát hoạt động đưa đón khách du lịch của đội thuyền du lịch Phong Nha. Ngồi quan sát tại bến đò này chừng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và ghi lại hình ảnh của hàng chục chiếc thuyền du lịch lần lượt xuất bến (mỗi chiếc chở khoảng 10 người) đưa du khách đi tham quan Động Phong Nha. Mặc dù trên mỗi chiếc thuyền đều có trang bị áo phao và phao cứu sinh đầy đủ, nhưng hầu như không có hành khách nào chịu khoác vào người. Đã thế, nhiều vị khách còn ngồi vắt vẻo, chạy lui chạy tới đầu mũi thuyền để chụp ảnh, ngắm cảnh, nô đùa... (!?). Được biết đội thuyền du lịch Phong Nha hiện có 310 chiếc thuyền đã đăng ký, đăng kiểm và trang bị áo phao, phao cứu sinh đầy đủ hoạt động trên bến đò dọc được cơ quan chức năng cấp phép. Chủ các phương tiện nói trên đều có chứng chỉ chạy thuyền. Đây là đội thuyền được Ban An toàn giao thông tỉnh chọn làm "điểm" phát động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông đường thủy với bình yên sông nước"...

Một chiếc thuyền
Một chiếc thuyền "nêm khách" ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch. Ảnh: V.M

Tạm rời dòng sông Son, chúng tôi lại bắt đầu chuyến thực địa từ hạ nguồn ngược lên phía thượng nguồn sông Gianh (bắt đầu từ xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch đến xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa). Trên sông Gianh vào mùa này, hiện có khá nhiều chiếc đò, thuyền vẫn đang hoạt động chở khách qua lại, nhưng "độ an toàn" không cao. Có mặt tại bến đò từ chợ Mới sang Cồn Nâm (xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch) vào một ngày trung tuần tháng 4-2012, chúng tôi chỉ thấy một chiếc thuyền máy đang hoạt động chở khách. Thật đáng sợ khi tận mắt chứng kiến chiếc thuyền này mặc dù chỉ được cấp phép chở 12 người, nhưng chủ đò vẫn cố tình "nêm" hơn 50 người không mặc áo phao cùng  nhiều xe đạp, xe máy tiến hành vượt sông.

Được biết cách đây vài tháng, cũng tại đoạn sông này một chiếc đò trọng tải 5 người nhưng chở tới 21 học sinh đi chơi Noel bị chìm khiến 1 học sinh lớp 7 tử vong, 20 em còn lại thoát chết trong gang tấc... Khủng khiếp hơn, một chiếc thuyền chở khách ở bến đò Nam Phong (xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa) được cấp phép chở 12 người sau khi "nhồi" khoảng 100 người không mặc áo phao qua sông đã bị lực lượng chức năng xử lý vẫn ngoan cố lặp lại vi phạm. Điển hình vào ngày 13 - 4 - 2012, chủ thuyền nói trên tiếp tục "nhồi" gần 70 khách không mặc áo phao chạy qua sông...

Còn rất nhiều trường hợp chủ đò và hành khách khi tham gia giao thông đường thủy vẫn không chấp hành pháp luật mà chúng tôi chưa tiện nêu ra hết trong phạm vi bài viết này. Tuy nhiên, theo sự chứng kiến của phóng viên tại nhiều tuyến sông, có thể khẳng định hiện có rất nhiều chủ đò, người tham gia giao thông đường thủy đang lấy tính mạng mình đùa giỡn với "hà bá".

                                                                                Văn Minh

                                       Kỳ 2: Trần tình của các chủ đò, đơn vị quản lý

 

,
.
.
.