Diệt trừ cây mai dương ở Lệ Thủy: Vẫn còn cam go

Cập nhật lúc 13:36, Thứ Hai, 23/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, dọc theo một số tuyến đường, kênh rạch hay bờ ruộng... của địa bàn huyện Lệ Thủy, cây mai dương đang phát triển tương đối mạnh. Mặc dù hàng năm, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn luôn phát động những đợt ra quân khá rầm rộ để diệt trừ loại cây này, nhưng xem ra công việc này vẫn còn đang rất cam go...

Mới đây nhất, vào ngày 4-4-2012, UBND xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thủy đã phát động bà con nông dân ra quân diệt trừ cây mai dương. Hưởng ứng chiến dịch này, hàng trăm người dân ở các thôn của xã Lộc Thủy đã tập trung ra quân chặt phá cây mai dương dọc theo các trục đường làng, bờ đê, hói, đồng ruộng... Cách thức mà các hộ dân tiến hành diệt trừ là dùng dao, rựa, cuốc  để chặt, đào tận gốc rễ; tiếp đến là thu gom rễ, hạt của cây phơi khô rồi đốt cháy... Nhờ đó, tại thời điểm này Lộc Thủy đã hạn chế được sự phát triển của cây mai dương.

Được biết, hàng năm các tổ chức, đoàn thể ở huyện Lệ Thủy luôn phát động những đợt ra quân diệt trừ cây mai dương khá rầm rộ, thu hút nhiều lực lượng tham gia. Tuy nhiên, việc làm này mới chỉ hạn chế được sự phát triển của cây trong một thời gian ngắn, sau đó chúng phát triển trở lại với tốc độ “chóng mặt”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay dọc theo các tuyến đường sông, hói, bờ ruộng tại một số xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy như: An Thủy, Sơn Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, thị trấn Kiến Giang... cây mai dương vẫn đang phát triển, xâm lấn đất sản xuất nông nghiệp với diện tích hàng chục ha.

Các ĐVTN huyện Lệ Thủy ra quân diệt trừ cây mai dương.
Các ĐVTN huyện Lệ Thủy ra quân diệt trừ cây mai dương.

Cây mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra, thuộc họ Mimosaceae. Loài cây này còn có các tên gọi khác là cây ngưu ma vương, cây trinh nữ nhọn, cây mắc cỡ Mỹ...  Nguồn gốc loài cây này được xác định ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, thuộc loại cây butk, thân có nhiều gai cứng, thường mọc dày đặc ở vùng đất ẩm ướt. Cây mai dương mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt mạnh. Loại cây này phát triển cực nhanh, sau 6 tháng sẽ ra hoa, kết trái, có khả năng tái sinh, lan rộng theo hàm mũ cơ số 2 (1 ha cây mai dương nếu không kiểm soát, sau 10 năm có thể phát triển thành 1.024ha) tại các vùng ngập nước, đồng bằng châu thổ, ven hồ, dọc kênh mương, ven rừng tự nhiên và cả khu dân cư... Một cây sản sinh tới 9.000 hạt và đẻ nhánh tua tủa ở gốc. Ở vùng đất ẩm ướt, cây ra hoa 4 mùa, hạt mai dương giữ sức nẩy mầm đến 23 năm.

Huyện Lệ Thủy là nơi thường xuyên bị lũ lụt và đây cũng là cơ hội để hàng triệu hạt mai dương phát tán vào các cánh đồng lúa, hoa màu, các bờ sông, hói làm giảm diện tích sản xuất nông nghiệp. Việc cây mai dương đang phát triển tràn lan tại các xã, thị trấn trong huyện như hiện nay đã lấn chiếm đất canh tác, làm cho đất bị thoái hóa, bạc màu.

Bên cạnh đó gây cản trở việc đi lại của người dân trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất và có nguy cơ gây sát thương cho người, gia súc. Theo kinh nghiệm của một số người dân, để hạn chế sự phát triển của loại cây này phải triệt phá cây mai dương con; chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây. Việc diệt trừ loại cây này cần tiến hành ở vụ hè-thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, phát triển. Biết là vậy nhưng để huy động được một lực lượng lớn về nhân công cùng đồng loạt ra quân diệt trừ cây mai dương trên toàn bộ diện tích của huyện là điều không hề dễ dàng chút nào.

                                                                      Văn Minh – Minh Linh

,
.
.
.