Bài viết dự thi “Vì an toàn giao thông”:

Đi tìm "lời giải" về ATGT đường thủy ở tỉnh ta - Kỳ 2: Trần tình của các chủ đò, đơn vị quản lý

Cập nhật lúc 07:43, Thứ Tư, 25/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã không ít lần mở các đợt tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý sai phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, nhưng xem ra hiệu quả của việc làm này chưa cao, như "bắt cóc bỏ đĩa". Đi sâu vào tìm hiểu, phóng viên đã ghi nhận được những lời trần tình từ phía chủ đò và đơn vị quản lý trật tự ATGT đường thủy...

>> Kỳ 1: Nhiều chủ đò, hành khách đang đùa với "hà bá"

Ông Trần Trung Trực (trú tại xã Quảng Văn, Quảng Trạch) chèo đò ở bến đò Cửa Hác (thị trấn Ba Đồn) cho biết, ông làm nghề lái đò chở khách trên dòng sông Gianh này đã hơn 20 năm. Ngày trước, người dân trong xã đi đò này sang chợ Ba Đồn tấp nập lắm. Từ khi có cầu Quảng Hải, khách đi đò giảm nhiều...

Khi được hỏi vì sao không có bằng lái, đò đã hết hạn đăng ký, đăng kiểm, không có áo phao và phao cứu sinh mà... vẫn cứ "liều" chở khách, ông Trực phân trần: "Chính quyền xã Quảng Văn yêu cầu phải tu sửa lại đò, đăng ký, đăng kiểm... thì mới được tiếp tục chạy đò chở khách. Tui không đồng ý, rứa là họ đình chỉ. Gia đình tui nghèo, tuổi cao sức yếu không làm được việc nặng, nghề phụ không có..., lấy mô ra thời gian, tiền bạc để sửa đò, học lái. Mà nếu có vay được tiền để sửa đò, khách ít thế này biết đến khi mô thu lại được vốn... Bình quân mỗi ngày tui chở từ 3 đến 4 người khách trong xã sang chợ Ba Đồn làm nghề buôn bán rồi đợi đưa họ về. Trừ tiền dầu, mỗi ngày chỉ thu được khoảng 50 nghìn đồng". Được biết, tại bến đò Cửa Hác mỗi ngày có vài chiếc đò cũng đang hoạt động chở khách "lậu" như ông Trực. 

Một chủ đò (xin giấu tên) ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) cho hay: "Tui chèo đò ở đây 3 năm rồi. Thôn Xuân Canh có gần 500 khẩu, trong đó có khoảng 60 học sinh từ cấp học mầm non đến bậc THCS. Hằng ngày vợ chồng tui chèo đò đưa học sinh sang sông rồi cắm sào đợi các em tan học để chở về. Cả thôn có tới mấy chục học sinh, vào thời điểm vào giờ học hay tan trường, nếu cứ chở số người theo đúng quy định thì phải chèo nhiều chuyến tốn thời gian, công sức... Biết là vi phạm, nhưng nhiều khi nể tình làng nghĩa xóm để giúp học sinh đến trường kịp giờ học phải chèo liều thôi...

Chen chúc xuống đò. (Ảnh chụp tại bến đò từ chợ Mới sang Cồn Nâm, xã Quảng Minh, Quảng Trạch).
Chen chúc xuống đò. (Ảnh chụp tại bến đò từ chợ Mới sang Cồn Nâm, xã Quảng Minh, Quảng Trạch).

Không riêng gì ông Trực và chị chèo đò ở thôn Xuân Canh, rất nhiều chủ đò mà chúng tôi tiếp xúc đều đưa ra "lý do" để giải thích cho việc vi phạm pháp luật ATGT đường thủy của họ. Nhiều chủ đò cho rằng, lỗi một phần cũng xuất phát từ ý thức của hành khách. Lãnh đạo một số địa phương có địa hình bị chia cắt bởi sông ngòi cũng thừa nhận, chính quyền cơ sở vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để việc quản lý trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn. Nguyên do là "lực bất tòng tâm" vì hiện có sự chênh lệnh khá lớn giữa "cung và cầu"...

Để dẫn chứng, một cán bộ xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, tại bến đò Sảo Phong hiện chỉ có 2 chiếc thuyền đang hoạt động chở khách, được cấp phép chở 12 người. Trong khi đó, ở Phong Hóa hiện có 3 thôn (Cao Trạch, Sảo Phong, Mã Thượng) với 700 hộ dân, 2.860 nhân khẩu muốn qua vùng trung tâm xã để làm việc, học tập... đều phải đi tuyến đò này. Lượng người, phương tiện qua lại tại bến đò thì nhiều nhưng thuyền thì ít, do đó rất khó để chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy.

Thượng tá Lê Xuân Thu, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh lại cho hay: Tại thời điểm này ở tỉnh ta có nhiều chiếc đò có tải trọng chở tới 30 người. Trong khi đó ở tỉnh hiện mới chỉ đào tạo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy chở tối đa là 12 người. Nếu muốn chở nhiều hơn thì chủ thuyền phải ra miền Bắc học một khóa thời gian từ 18 tháng trở lên... Với sự "đặc thù" của giao thông đường thủy, công tác xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy của chúng tôi đang gặp rất nhiều "cái khó". Đơn cử như khi tiến hành lập biên bản tịch thu một đò, thuyền nào đó, việc vận tải cho tới bảo quản không dễ chút nào.

Sau khi xử phạt, muốn điều một chiếc thuyền, đò và người điều khiển hợp pháp đến thay thế để bảo đảm sự lưu thông an toàn cho hành khách không phải là chuyện dễ... Hàng tuần, hàng tháng đơn vị đều tổ chức lực lượng mở các đợt ra quân để xử lý những vi phạm về Luật ATGT đường thủy. Tuy nhiên, trong nhiều đợt ra quân, chúng tôi đều nhận thấy chủ đò "đối phó" bằng việc tạm ngừng việc chạy đò vận chuyển khách ngang sông, hoặc nếu có chạy đò thì thực hiện một cách nghiêm túc...

Theo số liệu từ Phòng CSGT Công an tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2012, lực lượng CSGT tỉnh đã tiến hành tổ chức 70 ca tuần tra, kiểm soát nhằm tăng cường bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Cả tỉnh hiện có 2 bến đò dọc, 42 bến đò ngang và hàng trăm phương tiện giao thông đường thủy đang hoạt động trên các tuyến sông. Điều đáng nói, tình trạng nhiều bến chưa được cấp phép vẫn có đò, thuyền hoạt động chở khách; phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm; chủ đò không có chứng chỉ chuyên môn vẫn điều khiển phương tiện để chở khách, cố tình chở quá tải trọng cho phép,... diễn ra khá phổ biến.

Hiện tại ở huyện Lệ Thủy có 5 bến đò ngang, huyện Bố Trạch 5/10 bến đò ngang và huyện Quảng Trạch 2 bến đò ngang chưa có giấy phép mở bến. Ngoài ra, cả tỉnh hiện có hàng chục thuyền, đò chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm và nhiều chủ phương tiện giao thông đường thủy  chưa có bằng lái, chứng chỉ điều khiển phương tiện đường thủy...  

Thượng tá Lê Xuân Thu, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết thêm, thời gian tới lực lượng CSGT sẽ đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, thiết lập lại trật tự ATGT đường thủy. Cụ thể, đơn vị sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm Luật ATGT đường thủy như: thuyền, đò chở khách quá số lượng quy định, không đăng ký đăng kiểm, không trang bị phương tiện cứu sinh, chạy sai luồng tuyến quy định...

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản trên sông bằng thuốc nổ, xung điện, giăng nò sáo, đăng đáy rớ, nuôi trồng thủy hải sản... lấn chiếm luồng tuyến, gây mất an toàn giao thông đường thủy; tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, Ban ATGT về những "hạn chế, bất cập" để từ đó chỉ đạo, thực hiện công tác bảo đảm ATGT đường thủy ngày một tốt hơn; rà soát lại nhu cầu của người dân cần đào tạo bằng lái, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện giao thông đường thủy để có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành mở lớp...

                                                                                             Văn Minh


,
.
.
.