Ngôi nhà của những tấm lòng

Cập nhật lúc 08:04, Thứ Ba, 24/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau bao lần từ chối sự hỗ trợ từ những nhà tài trợ, các nhà hảo tâm với mong muốn nhường lại những ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội cũng khó khăn như chính bản thân mình, giờ đây, ông Phạm Quốc Hồng, Trưởng ban liên lạc tàu không số tại Quảng Bình đang đón nhận niềm vui lớn ở cái tuổi xưa nay hiếm, 73. Đó là ngôi nhà mới trị giá gần 200 triệu đồng đã được khánh thành nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, của bà con lối xóm và của cả những đồng đội một thời vào sinh ra tử…

Sinh ra trong một gia đình nghèo, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Phạm Quốc Hồng lên đường nhập ngũ từ tháng 2-1961 và được tuyển vào Quân chủng Hải quân. Sau một thời gian học tập và huấn luyện chiến đấu, Phạm Quốc Hồng đã tình nguyện về Tàu chiến đấu của căn cứ 1 Hải quân - Vùng 1. Đến năm 1962, khi tình hình chiến sự miền Nam căng thẳng, người lính ấy đã viết đơn tự nguyện đi B và đã được chấp nhận nhưng cấp trên vẫn không cho biết đi đâu.

Mãi đến khi nhận được lệnh xuống tàu làm thợ máy, Phạm Quốc Hồng mới phần nào biết về nhiệm vụ cao cả của mình. Trong suốt thời gian công tác tại Lữ đoàn 125, Phạm Quốc Hồng đã tham gia 10 chuyến tàu không số, trong đó có 3 chuyến đi ra Trường Sa. Mỗi chuyến đi là một lần quyết tử, gặp địch là sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hủy tàu, sẵn sàng hy sinh bảo vệ bí mật con đường. Địch chăng lối này, ta mở lối đi khác; phương thức này không thành, ta tìm phương thức khác... Cứ thế, ông đã cùng đồng đội của mình làm nên những chiến công lừng lẫy, viết nên trang sử vàng chói về con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Đại diện Tỉnh đoàn và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Quảng Bình bàn giao công trình nhà nhân ái cho CCB Phạm Quốc Hồng. Ảnh: A.M
Đại diện Tỉnh đoàn và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Quảng Bình bàn giao công trình nhà nhân ái cho CCB Phạm Quốc Hồng. Ảnh: A.M

Trở về sau chiến tranh, vợ ông bị thương do bom Mỹ, vết thương thường xuyên tái phát, ngôi nhà cấp bốn cũng bị sập nát.... Vậy là căn nhà nhỏ rộng chừng 30m2 được dựng tạm để sinh sống đã tồn tại và cùng nếm trải những vui, buồn với gia đình ông kể từ ngày ấy đến bây giờ. Khó khăn chồng chất khó khăn song lúc nào ông cũng nghĩ đến đồng đội của mình. Năm ngoái, với tư cách là Trưởng Ban liên lạc CCB tàu không số tại Quảng Bình, ông tần tảo khắp nơi để kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ những nhà hảo tâm. Được Nhà tài trợ Siêu Thanh (thành phố Hồ Chí Minh) tài trợ 2 ngôi nhà tình nghĩa (30 triệu đồng/nhà), ông đã không mảy may do dự mà quyết định nhường lại cho các đồng đội của mình là bác Hoàng Hữu Thăng (Hải Trạch, Bố Trạch) và bác Ngô Văn Tiến (Nhân Trạch, Bố Trạch) trong khi bản thân chưa có nhà chắc chắn.

Trước gia cảnh của ông, thực hiện chương trình “An sinh xã hội” nằm trong chuỗi hoạt động 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Tỉnh đoàn, phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Quảng Bình đã hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng Nhà Nhân ái cho CCB Phạm Quốc Hồng. Hạnh phúc này không chỉ dành riêng cho gia đình ông mà cho cả những đồng đội trong Ban liên lạc Tàu không số Quảng Bình.

Sau vài lần họp bàn, ông Trần Đức Huấn, Phó trưởng Ban liên lạc Tàu không số đã đến nhiều nơi, vận động từ hàng chục người có điều kiện giúp đỡ. Và với tinh thần tương thân tương ái, số tiền 60 triệu hỗ trợ ấy đã lớn dần thêm. Công ty vật liệu xây dựng 1-5 hỗ trợ gạch xây, Công ty LCN Long Đại đóng góp gỗ, Công ty Hưng Thịnh góp thêm 20 triệu đồng, Chi nhánh Viettel tại Quảng Bình ủng hộ toàn bộ số gạch men lát tường và chi phí lắp đặt, Chi đoàn Sở Tài chính cũng kêu gọi ĐVTN quyên góp được 5 triệu đồng tặng gia đình ông, Đồn Biên phòng 184 và Chi hội CCB thôn đóng góp ngày công xây dựng... Cứ thế, người góp công, người góp của, ngôi nhà ấy lớn lên từ những viên gạch hồng tình nghĩa, từ những tấm lòng thơm thảo của người thân, bạn bè, bà con lối xóm...

Nơi “đầu sóng ngọn gió”, giữa làng chiến đấu Cảnh Dương anh dũng, kiên cường, ngôi nhà nhân ái của người lính Phạm Quốc Hồng đang vươn lên như chính tinh thần thép của những người lính năm xưa. Đây là món quà lớn của những tấm lòng nhân ái, của nhiều nhà hảo tâm và thiêng liêng hơn đó còn là địa chỉ ấm tình đồng chí, đồng đội, sự tri ân tri ân của những người hôm nay đối với người con làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với những con “tàu không số”.

                                                                Hoàng Thị Anh Mai

,
.
.
.