Pháo thủ Lê Rốp Si và ký ức một thời bom đạn

Cập nhật lúc 12:45, Thứ Hai, 23/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Gần 40 năm chiến tranh đã đi qua và những người trở về từ cuộc chiến ấy mang theo hành trang suốt cuộc đời mình là những kí ức không thể nào quên về một thời bom đạn. Pháo thủ Lê Rốp Si (Lương Ninh, Quảng Ninh)  cũng là một trong số đó. Dù đang bị căn bệnh tuổi già hành hạ và các di chứng chiến tranh để lại khiến ông không thể nói lưu loát nhưng ông vẫn háo hức kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng hào hùng không bao giờ quên ấy. 

 

Tháng 2-1965, chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi Lê Rốp Si lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều về đại đội pháo binh mặt đất C13 trực thuộc Bộ Tư lệnh 270, Quân khu 4 đóng quân tại tỉnh Quảng Trị. Lê Rốp Si với vai trò quan trọng là pháo thủ số 1 đã dũng cảm cùng các đồng đội chiến đấu làm nên những chiến công hiển hách từ những trận đánh nhỏ đến những trận đánh lớn. Một trong những trận đánh đầu tiên mà ông đã tham gia là trận đánh tàu Verdet - tàu tuần tra của quân ngụy vào tháng 5-1965.

Lúc ấy đơn vị của ông đang đóng quân tại Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Khi được báo tàu của địch đang băng băng tiến vào và chỉ còn ở cách Mũi Si, Vĩnh Thạch 3km, ông đã nhanh chóng cùng các đồng đội kéo 2 khẩu pháo ra dũng cảm bắn tàu địch. Ngay loạt pháo đầu tiên chính xác vào mục tiêu, tàu của địch bị gãy ra-đa và bỏ chạy. Thắng lợi này đã khích lệ ông và đồng đội tiếp tục kiên cường chiến đấu trong những tháng ngày gian khổ ác liệt sau này.

Năm 1967, cuộc kháng chiến của quân dân ta bước sang giai đoạn mới, đầy thử thách quyết liệt. Lúc ấy, Vĩnh Linh và Cồn Cỏ là hai chiến trường vô cùng ác liệt. Tại bắc Quảng Trị, Mỹ huy động lực lượng lớn bao gồm hải - lục - không quân tiến hành cuộc hành quân xoá bỏ khu phi quân sự, biến bờ nam giới tuyến thành vành đai trắng tự do bắn phá và lập hàng rào điện tử Mac Namara để ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào. Hình ảnh của những trận đánh giao tranh giữa ta và địch được tái hiện sinh động qua lời kể của ông: Sáng 18-5, đơn vị nhận lệnh đánh quân đổ bộ lên bờ Nam. Lần đầu tiên đơn vị di chuyển xe pháo vào trận địa mới giữa ban ngày, mặc cho máy bay địch, quân ta vừa bắn may bay địch, quân ta vừa hành quân đến trận địa mới. Khi chiếm lĩnh xong trận địa, ông cùng anh em được lệnh pháo bắn vào quân Mỹ đổ bộ lên bờ biển xã Trung Gianh, Gio Hải.

Ngay từ loạt đạn đầu, pháo quân ta đã chụp xuống đầu quân Mỹ, diệt 8 xe M.113. Quân dân hai bờ tận mắt thấy pháo ta trừng trị đích đáng giặc Mỹ nên vô cùng hả dạ. Lúc này, được tin một đơn vị pháo binh khác đang bị địch bao vây chặn đường rút ra và đơn vị ông đã bắn phá vòng vây mở đường cho đơn vị bạn. Cùng lúc, đơn vị của ông lại nhận lệnh bắn vào các trận địa pháo địch, chế áp không cho chúng bắn vào quân ta, giải thoát hơn 400 đồng bào vượt sông Bến Hải ra Bắc. Chỉ trong một ngày, đơn vị ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ.

Trong một lần, khi đơn vị đi lao động, tiếp đạn để lại mỗi khẩu đội 1 người, Lê Rốp Si cũng được phân công ở lại. Lúc này tàu địch bất ngờ bắn phá, báo động chiến đấu. Khẩu đội của ông vừa nạp đạn, ngắm, ấn cò bắn 8 phát thì tàu địch bị chìm. Khi máy bay địch rà soát để thả bom, ông đã nhanh chóng cùng các anh em ở lại ngụy trang lấp pháo lại. Trận đánh kết thúc an toàn, quân ta không có thiệt hại.
Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông kiên cường dũng cảm cùng đồng đội quyết chiến đấu hết mình, không ngại hy sinh, gian khó. Lê Rốp Si đã không ít lần mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm cùng đồng đội đánh phá quân địch, làm quân địch khiếp sợ từ chiến dịch này đến chiến dịch khác như: Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh... Với những Chiến công của mình, ông đã được tặng 6 Huân chương Chiến công, 4 Huân chương Chiến sĩ và nhiều huân huy chương khác.

Năm 1976 ông được phục viên, trở về quê hương. Ông kết hôn với bà Lê Thị Hoa, thương binh hạng 3/4. Hai vợ chồng nghèo, một bệnh binh loại 2, một thương binh hạng 3/4 cùng chăm sóc cho nhau và san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Dù phải gặp muôn vàn khó khăn, phải lặn lội sớm hôm kiếm miếng cơm manh áo, lại thêm bệnh tật giày vò, nhất là mỗi khi trái gió trở trời, ông bà vẫn cố gắng nuôi các con khôn lớn và cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Tạm biệt vợ chồng thương binh Lê Rốp Si, chúng tôi bồi hồi nhớ mãi hình ảnh ông lau chùi từng tấm huân huy chương và đôi mắt luôn ánh lên hình ảnh của một thời lửa đạn mà nhiều thế hệ đã quên mình hy sinh vì đất nước, cho ngày toàn thắng.

                                                                                              Hà Giang

,
.
.
.