Chia sẻ với người... xuất ngoại - Kỳ cuối: "Giải cứu" cho lao động xuất khẩu

Cập nhật lúc 08:07, Thứ Ba, 24/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Dù đang trong thời điểm khó khăn của công tác XKLĐ và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, nhưng NHCSXH tỉnh vẫn "nặng lòng" với người đi XKLĐ. Nhiều người đã được NHCSXH ưu đãi gia hạn nợ, ưu đãi vay với lãi suất thấp và đơn giản thủ tục khi vay vốn...

>> Kỳ 1: Nước mắt... ở vùng đất hứa

Khó khăn của NHCSXH

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện NHCSXH tỉnh cho 3 đối tượng khách hàng tham gia vay nguồn vốn ưu đãi, đó là: khách hàng là hộ nghèo, con em gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thời gian qua có gần 40 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động trên địa bàn tại Sở LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, chất lượng tuyển dụng của một số công ty chưa  bảo đảm, nên khi ra nước ngoài làm việc người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc, sức khỏe một số trường hợp phải về nước trước thời hạn, không có tiền trả ngân hàng. Đến 31-12-2011 số nợ đến hạn chưa xử lý toàn tỉnh là 19,5 tỷ đồng/2.245 món, tập trung nhiều tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa.    

Giải pháp điều chỉnh để "cứu" lao động

Trước mắt, NHCSXH tỉnh đã thường xuyên đốc thúc kiểm tra chương trình cho vay XKLĐ tại những địa bàn được xem là "nóng" về XKLĐ của tỉnh như Bố Trạch, Quảng Trạch, Minh Hóa. Đặc biệt nổi bật có các xã Đức Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch-nơi đã xảy ra một số trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích, vay vốn nhưng không đi XKLĐ hoặc về trước thời hạn. Cán bộ tín dụng ngân hàng bám sát và đối chiếu trực tiếp nhằm hạn chế thất thoát dư nợ từ người vay đi lao động. Mặt khác các cơ quan chức năng cần yêu cầu các công ty tuyển dụng lao động còn nợ vụ việc trên địa bàn tỉnh xử lý dứt điểm, đặc biệt kiên quyết đối với các đơn vị chưa xử lý xong thì chưa được tuyển dụng lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ngân hàng cơ sở thường xuyên làm tốt công tác phân tích nguyên nhân nợ đến hạn, quá hạn để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Thực hiện chấn chỉnh sai sót trong chương trình cho vay xuất khẩu lao động.

Các tổ tín dụng lưu động giúp các lao động tiếp xúc với nguồn vốn vay dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ảnh: H.P
Các tổ tín dụng lưu động giúp các lao động tiếp xúc với nguồn vốn vay dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ảnh: H.P

Ông Nguyễn Hữu Lướng, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, NHCSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm triển khai giải ngân vốn vay nhanh chóng, đồng bộ ở cơ sở. Theo đó, các hộ được vay từ 25-30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Ngân hàng cũng phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tuyên truyền để người dân nắm bắt chính sách, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao năng lực quản lý vốn cho các phòng giao dịch cơ sở.

Qua thực tế, các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò uỷ thác, là cánh tay đắc lực của ngân hàng trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn tại cơ sở. Trong cho vay, ngân hàng bám sát điều kiện địa phương và mục đích vay vốn để vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra quá trình sử dụng vốn nhằm giúp bà con sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. NHCSXH tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp làm công tác tuyển dụng LĐXK trên địa bàn về cơ sở để tư vấn, giúp đỡ người dân làm thủ tục vay vốn...

 

Đi XKLĐ đã giúp đời sống nhiều gia đình khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, đẩy lùi đói nghèo
Đi XKLĐ đã giúp đời sống nhiều gia đình khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, đẩy lùi đói nghèo. Ảnh: H.P

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 4,7 ngàn lao động làm việc ở nước ngoài. Trong đó có 1.996 hộ được vay từ NHCSXH tỉnh với tổng số tiền hơn 63.019 tỷ đồng để đi XKLĐ.

Nhiều gia đình đã có cuộc sống sung túc hơn, nhờ vay vốn XKLĐ. Điển hình có xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Toàn xã có hàng trăm lao động đang làm việc tại các nước Đài Loan, Hàn Quốc và Anh Quốc... Xã không còn hộ nghèo đói, gần 97% hộ dân có nhà cao tầng và mái bằng kiên cố. Nhiều người dân đã mua được xe ô tô và phương tiện đi lại hiện đại... Anh Phạm Tấn Đạt, thôn Cửa Phú Bảo Ninh (Đồng Hới) cho biết, Năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của NHCSXH tỉnh cho vay vốn, anh đi lao động ở Dubai, sau đó phải về nước. Lo nợ vay không trả được, nhưng NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện gia hạn nợ cho anh, vì thế năm 2011 anh sang Bruney làm việc. Hàng tháng anh đã gửi tiền về trả nợ ngân hàng.    

Có thể nói, lực lượng LĐXK trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng. Đồng thời, tạo được bộ mặt mới cho nhiều vùng nông thôn trên bước đường CNH, HĐH đất nước. Có được những thành quả đó không thể không nói đến sự chung tay đóng góp từ nguồn vốn vay ưu đãi của hệ thống NHCSXH với người lao động tỉnh ta trong suốt những năm qua.

                                                                       Hiền Phương

 

 

 

,
.
.
.