Thương lắm...Tân Hóa

Cập nhật lúc 09:24, Thứ Sáu, 07/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Vẫn biết cứ vào mùa mưa lũ, xã Tân Hoá (huyện Minh Hoá) lại chìm sâu trong nước. Địa hình trũng thấp, ba bề là lèn cao vời vợi, Tân Hoá được ví như một túi đựng nước khổng lồ. Mọi nguồn nước đều tập trung tại đây: từ Thượng Hoá, Trung Hoá chảy về; từ Xuân Hoá, thị trấn Quy Đạt chảy ra. Nguồn nước đến dồn dập nhưng lối thoát chỉ là một hang núi hẹp.

Ai đã từng đến Tân Hoá sau hai trận lũ tháng 10- 2010 mới thấy được sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt. Người dân Tân Hoá từ lèn cao trở về hoàn toàn trắng tay, tưởng chừng không gượng dậy được. Nhưng với sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, thêm vào đó là bản lĩnh kiên cường, chịu khó chịu khổ, hay lam hay làm mà bà con đã kiến thiết lại làng xóm, gặt hái một vụ mùa bội thu, đàn trâu bò nhân lên. Họ đã có một năm thanh bình. Tròn một năm... lũ quay trở lại, dù không đạt đỉnh như năm trước nhưng cũng đủ nhấn chìm Tân Hoá trong mênh mông nước. Bí thư Đảng uỷ xã Cao Thanh Bình xót xa thông báo: "Toàn xã chỉ còn 10 nhà dân là chưa ngập thôi!". Không xót xa sao được khi toàn xã có 634 hộ dân thì 624 nóc nhà lũ ngập, hàng trăm ngôi nhà chìm đến tận nóc, tập trung tại các thôn 1, 2, 3, 4 vùng Yên Thọ.

Sống chung với lũ quen rồi, người dân Tân Hoá tìm đủ mọi cách để chinh phục lũ lụt, thiên tai. Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Tinh thần phòng chống lũ lụt của chính quyền và nhân dân xã Tân Hóa rất cao. Phương châm “4 tại chỗ” phát huy khi tất cả lương thực thực phẩm, thuốc men dự phòng được tập kết lên các khu vực lèn cao. Trâu, bò đưa lên lèn từ trước. Khoảng gần 10 ha cỏ trồng khắp các vùng lèn bảo đảm duy trì thức ăn cho đàn trâu bò từ 7 đến 10 ngày, nếu tình trạng ngập lụt kéo dài". Toàn xã hiện có 320 thuyền, trên 300 nhà bè và 100 nhà bạt.

Nhà bè, một sáng kiến của người dân Tân Hoá trong mùa lũ năm nay và cũng chỉ riêng có ở vùng lũ Tân Hoá. Anh Thái Xuân Lực cùng gia đình ở trên ngôi nhà bè rộng chừng 10 mét vuông đang nấu cơm. Ngôi nhà bè của gia đình anh được đánh giá là "hoành tráng" nhất thôn 3, kết cấu bằng gỗ chắc chắn đặt trên 12 chiếc thùng phi. Anh Lực nói rằng: “Năm nay nhờ có ngôi nhà bè mới làm này mà gia đình chúng tôi cũng như nhiều nhà khác trong thôn chủ động đối phó với lũ lụt. Dù nước có lớn đến mấy thì mọi người vẫn cầm cự được. Vốn gia đình kinh doanh, buôn bán hàng tạp hoá nên đã dự tính từ trước. Dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, mì tôm sẵn sàng cung cấp cho bà con nếu tình trạng ngập lụt dài ngày".

Tại một điểm trú ẩn ở vùng lèn, chúng tôi gặp cụ Cao Xuân Đống, 75 tuổi cùng hai cháu nội lên dựng lán ngay từ chiều 30- 9. Trong lán gạo cơm, nước uống sẵn sàng. Cụ cho hay: "Bà con không lo đói như đận lụt năm trước. Dân trong thôn, trong xã khi thấy trời mưa to đã chủ động lên lèn tránh lũ. Các cháu biết đó, mọi người có nhiều cách chạy lũ: trú trên tra nhà, nếu nước ngập tra thì lên nhà bạt ở lèn. Năm nay rất nhiều gia đình có nhà bè nên độ an toàn cao hơn. Cứ chuyển lên bè tất cả tài sản, gạo cơm, thức ăn, nước uống, bếp nấu và sinh hoạt trên đó. Nước lên, nhà bè nổi lên theo, nước rút, nhà bè theo đó xuống".

Cán bộ Trạm y tế xã Tân Hóa dọn vệ sinh, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ. Ảnh: Thanh Long
Cán bộ Trạm y tế xã Tân Hóa dọn vệ sinh, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ. Ảnh: Thanh Long

Trở lại xã Tân Hoá chiều ngày 2-10, khi nước lũ ở đây chỉ mới rút được khoảng 1mét, chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình đã trở về dọn dẹp nhà cửa. Sống chung với lũ lâu nay quá quen rồi nên người dân Tân Hoá kinh nghiệm: nước rút đến đâu, vệ sinh, tẩy bùn non đến đó. Ông Trần Hữu Phú, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Hoá đang cùng với cán bộ, nhân viên trong trạm làm vệ sinh trụ sở. Ông nói: "Cần khôi phục lại hoạt động của trạm trong thời gian sớm nhất để chăm lo sức khoẻ cho bà con. Trong lũ có một trường hợp người dân chuyển đồ đạc lên tra nhà không may bị ngã, Trạm y tế báo cáo cho UBND xã nhờ ca nô của Công an huyện Minh Hoá chở ra điều trị kịp thời tại Bệnh viện đa khoa huyện. Sau lũ chúng tôi lo dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Hiện tại, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hoá đã tăng cường đầy đủ Cloruamin B xử lí nguồn nước giúp dân".

Trở về nhà khi nước lũ vừa rút đi, chị Cao Thị Hoa ở thôn 5 đang tất bật nấu một bữa cơm cho các con. Những đứa trẻ con chị: Đinh Minh Thiện, 10 tuổi, học lớp 4; Đinh Hà Linh, hơn một tuổi bưng bát cơm trắng ăn ngon lành. Chị Hoa kể: "Ngoài gạo cơm thì gia đình cố gắng tiết kiệm hết sức nguồn lương thực, thực phẩm bằng cách nấu thêm bồi, thêm ngô sắn để ăn dặm. Nước ngập còn lâu như ri, mọi con đường đều bị chia cắt không chợ búa được. Bà con xóm giềng chia sẻ cùng nhau cái ăn, cái mặc. Lũ kéo dài năm bảy ngày, dân chúng tôi không đói mô, còn lâu hơn thì đề nghị cấp trên hỗ trợ. Dân chỉ lo thiếu nước sạch sinh hoạt mà thôi".

"Lũ còn ngập dài ngày, chúng tôi ngoài lo dịch bệnh còn lo thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt. Nhiều hộ dân huy động tất cả thùng, xô, chậu hứng và tích trữ nước mưa. Nhưng ở đây lại có một nghịch lý: nếu mưa lớn, dân có nước sạch dùng thì lũ tiếp tục kéo dài. Nhưng trời không mưa, nước rút đi, dân thiếu nước sạch dùng"- Bí thư Đảng uỷ xã Cao Thanh Bình lo âu.

Như nhiều gia đình khác ở Tân Hoá, chị Trương Thị Bưởng ở thôn 5 đang tập trung thau, nồi hứng nước mưa: "Phải tận dụng, chắt chiu thôi em ạ!- Chị Bưởng tâm sự- Đói có thể chịu nổi vài ba bữa chứ khát thì không chịu nổi. Ngày thường, bà con thôn 5 vẫn dùng nước suối sinh hoạt, ăn uống. Trong lũ thì không thể, nước đục ngầu, nhiễm bẩn cả rồi"

                                                                                                  Thanh Long

,
.
.
.